Đề xuất Nghị quyết mới phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, đến nay vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là khu vực nghèo và khó khăn nhất của cả nước.
Các địa phương vùng trung du và miền núi Bắc Bộ chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết 37. (Ảnh: BKT/Vietnam+)
Các địa phương vùng trung du và miền núi Bắc Bộ chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết 37. (Ảnh: BKT/Vietnam+)

Ngày 15/5, tại Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung Du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.”

[Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp lãnh đạo]

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung vào những vấn đề được coi là nút thắt đối với phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ. Đó là là những hạn chế trong đầu tư về hạ tầng giao thông; địa phương chưa biết tận dụng và chưa khai thác phát triển lợi thế vùng (du lịch, dược liệu…) và nhiều khó khăn tồn tại, như thiếu hụt nguồn nhân lực, an ninh trật tự…

Trưởng ban Kinh tế Trương ương Nguyễn Văn Bình đánh giá, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, các địa phương và toàn vùng đã đạt được một số kết quả quan trọng trên tất cả các mặt. Diện mạo của vùng thay đổi khá căn bản, tuy nhiên do các nguyên nhân khách quan và chủ quan về điều kiện về tự nhiên, hạ tầng, nguồn nhân lực… nên kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 37 cũng như mong đợi của người dân và các địa phương trong vùng.

“Đến nay vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước,” ông Bình nhấn mạnh.

Đề xuất Nghị quyết mới phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Ông Bình đề nghị cần nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới với tính khả thi, căn cơ và thiết thực hơn để nhận diện và giải quyết các nút thắt giúp vùng phát triển trong thời gian tới. Ngoài ra, ông cũng đề nghị vùng trung du và miền núi Bắc Bộ cần phát huy các kết quả đạt được, tiếp tục làm tốt phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng an ninh, công tác tôn giáo, phát triển văn hóa gắn với tiến bộ công bằng xã hội…

Kết thúc Hội nghị, đại diện các tỉnh đã thống nhất đề xuất Bộ Chính trị nghiên cứu sớm ban hành một Nghị quyết mới nhằm giúp các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ có điều kiện bứt phá, phát triển trong những giai đoạn tiếp theo./.

Về địa lý, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí địa - kinh tế, địa - chiến lược, địa - chính trị, địa - văn hóa - xã hội và dân tộc đặc biệt quan trọng, còn được gọi là vùng “phên dậu” của Tổ quốc. Bao gồm 14 tỉnh trực thuộc trung ương và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An.

Với tổng diện tích 115.153 km2, vùng này chiếm hơn 35% diện tích tự nhiên của cả nướcvới hơn 30 dân tộc đang sinh sống và đặc biệt vị trí địa lý tiếp giáp với 3 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc và Lào. Đây cũng là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, có khả năng đa dạng hóa cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, các địa phương ở đây có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng và những địa danh nổi tiếng, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với các bản sắc văn hoá độc đáo, phong phú.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục