Phạt công ty găm bảo hiểm

Đề xuất phạt hình sự với doanh nghiệp "găm" BHXH

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất xử phạt hình sự doanh nghiệp thu BHXH của lao động nhưng không nộp mà giữ làm vốn.
Sáng 5/4, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã trả lời rất nhiều thắc mắc về các vấn đề mà người dân, dư luận quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ như: chính sách việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động, an toàn lao động, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội…

Đề xuất tăng hình phạt với hành vi nợ BHXH

Trước những lo lắng của người dân về tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận tình trạng này diễn ra khá phổ biến, chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (trên 40%), ở doanh nghiệp FDI là 14%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó quan trọng nhất là do người chủ sử dụng lao động thiếu ý thức trách nhiệm trong việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Đặc biệt, hiện nay còn có tình trạng những doanh nghiệp đã thu tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động nhưng lại không đóng, dẫn đến việc khi người lao động đến thời gian được nghỉ, được hưởng chế độ thì phía bảo hiểm xã hội lại nói là doanh nghiệp chưa nộp.

Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này diễn ra phổ biến trong thời gian gần đây là do chính sách chưa chặt chẽ. Mức phạt chậm đóng bảo hiểm xã hội chỉ khoảng 10% nhưng nếu vay bên ngoài lãi suất lên đến 15-20%/năm, vì vậy, nhiều doanh nghiệp chấp nhận nợ bảo hiểm xã hội để có vốn quay vòng và chịu nộp phạt.

[Nghiên cứu chế tài chống thất thu, nợ đọng BHX]

Để giải quyết vấn đề này, năm 2012, Bộ trưởng cho biết Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã gửi công văn sang Bộ Tư pháp đề nghị xem xét các quy định pháp lý để có thể xử lý hành vi doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội đã đóng của người lao động theo hướng hình sự để tăng tính răn đe.

Mặt khác, trong năm 2012, Bộ đã có văn bản yêu cầu địa phương đôn đốc, tích cực kiểm tra các doanh nghiệp có nợ đọng để yêu cầu chủ  doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội. Chính vì vậy, nợ đọng bảo hiểm xã hội năm 2012 giảm 13,7% so với năm 2011.

Mặc dù yêu cầu xử phạt nặng những doanh nghiệp thu tiền của lao động mà không nộp cho cơ quan bảo hiểm nhưng Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng đối với những doanh nghiệp quá khó khăn và chấp hành đúng luật thì cũng cần phải xem xét và có sự chia sẻ từ phía nhà nước cũng như người lao động.

Giáo dục an toàn lao động trong trường học

Tại buổi đối thoại, trước vấn đề nhức nhối của ngành lao động là an toàn vệ sinh lao động, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã đưa ra giải pháp xử lý vi phạm, khắc phục yếu kém trong thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, thực tế hiện nay số lượng người làm công tác thanh tra về an toàn vệ sinh lao động so với đối tượng cần thanh tra còn quá chênh lêch, phòng thanh tra về an toàn vệ sinh lao động của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội mới chỉ có 9-10 người. Chính vì vậy, tình trạng người lao động và người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm túc quy định về an toàn vệ sinh lao động còn cao nhưng lại chưa kiểm tra và xử lý được hết.

[Phát động tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động]

Trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý, thanh tra, xử nghiêm những trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần tập trung giáo dục ý thức đảm bảo an toàn của người lao động, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động. Tới đây, Bộ sẽ tăng cường các lớp bồi dưỡng kiến thức về ý thức an toàn lao động, thực hiện pháp luật về an toàn lao động.

“Việc tuyên truyền về ý thức an toàn lao động sẽ được đưa tới các trường học. Giáo dục ý thức an toàn phải thực hiện từ khi họ bắt đầu trưởng thành.” Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã được Chính phủ giao trình Quốc hội Dự luật về an toàn vệ sinh lao động trong năm 2014. Những vấn đề bất cập trong công tác thanh tra an toàn vệ sinh lao động sẽ được đề cập giải quyết trong dự luật mới, như là xây dựng đội ngũ những người làm công tác thanh tra lao động mạnh hơn; các cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương về an toàn vệ sinh lao động sẽ được tiến hành thanh tra, kiểm tra. Như vậy, những trường hợp sử dụng lao động không chấp hành luật về an toàn vệ sinh lao động sẽ sớm bị phát hiện và xử lý.

Cũng tại buổi đối thoại trực tuyến, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã trả lời các câu hỏi của độc giả về việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, về thủ tục vay vốn để đi xuất khẩu lao động; tuổi nghỉ hưu của lao động nữ.../.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục