Đề xuất thay thế quy định biên độ giá chứng khoán

Các chuyên gia đề xuất quy định tạm ngừng giao dịch 30 phút đối với cổ phiếu có giá tăng, giảm trên 10% thay vì quy định biên độ giá.
“Nên quy định tạm ngừng giao dịch 30 phút đối với những cổ phiếu có giá tăng hay giảm trên 10%. Như vậy sẽ giữ cho giá cổ phiếu được ổn định,” Nhóm Công tác Thị trường Vốn (Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2012) đề xuất giải pháp thay thế quy định biên độ giá trên thị trường chứng khoán như hiện nay.

Theo Nhóm Công tác Thị trường Vốn, từ năm 2011 đến nay, chỉ số VN-Index lao dốc xuống mức 330 điểm, sau đó tăng trở lại mức 490 điểm rồi điều chỉnh về ngưỡng 434 điểm và đây là chỉ số thấp nhất từ trước tới nay ở thị trường châu Á, trừ Nhật Bản.

Bỏ biên độ giá

Quan sát diễn biến thị trường chứng khoán khu vực thời gian gần đây, ông Terence F. Mahony, Trưởng Nhóm Công tác Thị trường Vốn chỉ ra, ngoài Đài Loan và Thái Lan (nơi thị trường có tình trạng bong bóng do đầu cơ thái quá) còn lại tất cả các thị trường châu Á khác đều đã phục hồi và vượt qua các mức đỉnh trước đây.

Ông Terence cho rằng, sự biến động các chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã phản ánh tình trạng thiếu lòng tin của nhà đầu tư cũng như thiếu hỗ trợ về thể chế.

Trên thị trường thứ cấp, tính thanh khoản tiếp tục là vấn đề, mặc dù các Sở giao dịch chứng khoán đã thực hiện nới rộng giờ giao dịch, theo ông Terence một trong những nguyên nhân chính là do tỷ lệ biên độ giao dịch hạn chế chuyển động tự nhiên của giá.

“Đành rằng tỷ lệ này được đặt ra để bảo vệ nhà đầu tư trước hiện tượng sụt giá mạnh nhưng cũng làm vướng víu sự vận hành tự nhiên của thị trường,” ông Terence nói.

Về việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam, Nhóm Công tác Thị trường Vốn cho rằng còn có một số điểm hạn chế cần phải khắc phục.

Hiện, cơ chế mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài hiện còn khá cồng kềnh và phải mất đến gần 6 tháng để mở một tài khoản, trong khi ở phần lớn những nơi khác chỉ mất một tuần.

Một thị trường mở thực sự nghĩa là không tồn tại một hạn chế nào. Tuy vậy, các cơ quan nhà nước cũng phải kiểm soát được các lợi ích nội địa, đặc biệt là trong những doanh nghiệp nhà nước.

Do đó, Nhóm Công tác Thị trường Vốn đề xuất giải pháp, nên quy định “một loại cổ phiếu” không có quyền bỏ phiếu dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, doanh nghiệp sẽ có thể thu hút được vốn từ nước ngoài. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng nên cân nhắc nới giới hạn sở hữu nước ngoài trong ngân hàng nội địa nên lên mức 49% cho sát với thực tế hơn.

Tạo hàng trên thị trường sơ cấp


Cổ phần hóa và cải cách doanh nghiệp là nội dung quan trọng nhất trong phát triển thị trường vốn.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường vốn mà còn nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Tuy nhiên, Nhóm công tác Thị trường vốn cho rằng hoạt động này chưa có nhiều kết quả thực sự kể từ khởi đầu thuận lợi vào năm 2007.

Vì sao từ đó cho đến nay vẫn chưa có tiến triển cụ thể, theo ông Terence, chìa khóa để cổ phần hóa thành công là định giá và cách duy nhất để làm được điều này là thuê tư vấn độc lập (các ngân hàng đầu tư danh tiếng) có khả năng đứng ra định giá và chào bán cổ phần theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Cổ phần hóa là xương sống của các chính sách kinh tế phù hợp và Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của những thị trường mới nổi khác. Hai ngành chủ lực cần cổ phần hóa trước mắt là Viễn thông và Ngân hàng.

"Cổ phần hóa phải là nhân tố cốt yếu trong chính sách của Chính phủ, trong đó xác định 2-3 ứng cử viên để cổ phần hóa trong vòng 9-12 tháng tới. Quá trình này không thể tiếp tục chỉ là dậm chân ở mức thảo luận mà phải biến thành hành động," Báo cáo của Nhóm công tác dẫn lời các chuyên gia nhận định.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chuyên môn chính và không mở rộng ra các lĩnh vực không liên quan khác. Việc đó sẽ khiến các công ty nhà nước khó có thể hoạt động hiệu quả và làm tăng nguy cơ thua lỗ. Tăng cường tính kỷ luật và sự nhất quán trong hoặc định kế hoạch là điều kiện tiên quyết để vận hành hiệu quả, phát triển và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thành công./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục