Đề xuất xóa nợ thuế: 'Nếu không đúng, doanh nghiệp đâu có chịu'

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, nếu thực hiện xóa nợ thuế, cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính đến đâu, các bộ khác thế nào, kiểm tra chủ thể được xóa ra sao để đảm bảo công bằng, minh bạch.
Đề xuất xóa nợ thuế: 'Nếu không đúng, doanh nghiệp đâu có chịu' ảnh 1Trong tổng số nợ đọng do cơ quan quản lý thuế, có tới hơn 1/3 là nợ không còn khả năng thu hồi. (Ảnh: TTXVN)

Việc kiểm tra giám sát của các hiệp hội, các doanh nghiệp trong quá trình xóa nợ thuế theo phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) là không thể thiếu. Điều cần làm là ứng dụng công nghệ thông tin để quá trình thực hiện được công khai, minh bạch.

Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có buổi trò chuyện với phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh về vấn đề này.

Môi trường kinh doanh sẽ tốt lên

- Bộ Tài chính vừa đề xuất xóa nợ thuế cho một số đối tượng với tổng số tiền dự kiến xóa lên tới 27.700 tỷ đồng. Đề xuất này có hợp lý không và kinh nghiệm các nước trong vấn đề trên ra sao, thưa ông?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Thực ra việc xóa nợ thuế hầu hết các nước trên thế giới đều làm. Hàng năm, các nước đều có số lượng thuế nhất định chưa thu được, có khoản sau 1-5 năm có thể thu hồi được nhưng có khoản được xác định là không thể thu hồi.

[Luật Quản lý thuế: Băn khoăn cơ quan quản lý vừa thu thuế, vừa xóa nợ]

Với các nước phát triển, họ có cơ chế mang tính pháp lý cho phép cơ quan quản lý Nhà nước được xóa nợ thuế. Tất nhiên đó không phải là cơ quan thuế mà là các cơ quan quản lý Nhà nước. Ngoài Bộ Tài chính, cơ quan thuế, còn có thành phần khác như các hiệp hội kinh doanh ngành nghề, các bộ liên quan. Cơ quan này sẽ xác định chủ thể nợ thuế không thể thu được do điều kiện bất khả kháng như chết, phá sản, giải thể hay không.

Tuy nhiên, rõ ràng, nhiều khoản là không thu được. Đặc biệt, Việt Nam và một số nước có khoản gọi là phạt chậm nộp tính theo ngày. Vì thế, ngoài khoản nợ thuế, phạt chậm nộp cứ thế sẽ đội lên nhiều. Doanh nghiệp không kinh doanh được, phá sản rồi nhưng nợ thuế vẫn còn nên về nguyên tắc vẫn phải tính chậm nộp vì khoản đó chưa được khoanh, xóa.

Khoản này rất lớn và không giải quyết được vấn đề gì vì chủ thể không xác định được hoặc không có khả năng trả nợ. Chúng ta trong thời gian dài không làm việc này nên bây giờ thành khoản nợ lớn, năm ngoái là 26.500 tỷ đồng, hiện thì là 27.700 tỷ đồng. Vài chục nghìn tỷ đồng này phải xin xóa đi.

Việc xóa nợ sẽ làm môi trường kinh doanh tốt lên, giúp nhà đầu tư hết trách nhiệm với doanh nghiệp phá sản, từ đó có đường hướng phục hồi để tái khởi nghiệp, có cuộc sống bình thường. Đó là điều cần thiết.

- Có ý kiến là phạm vi xóa nợ khá rộng và liệu có công bằng không? Ví dụ người nộp thuế nghiêm túc thì phải nộp nhưng có khi người không nghiêm túc, cố tình nhập khẩu ồ ạt giá rẻ rồi tự giải thể thì được xóa nợ?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Vấn đề bây giờ là làm sao xóa công khai minh bạch. Theo tôi việc tổ chức thực hiện cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính đến đâu, các bộ khác thế nào, kiểm tra chủ thể được xóa ra sao để đảm bảo công bằng, minh bạch. Đây là vấn đề được mong muốn nhất. Đừng để lợi dụng xóa nợ thuế để nhập nhằng không nộp thuế, khiến giảm nguồn thu, bất bình đẳng.

Ngay trong dự thảo Bộ Tài chính nên phác họa các nét cơ bản về vấn đề trên.

Đề xuất xóa nợ thuế: 'Nếu không đúng, doanh nghiệp đâu có chịu' ảnh 2Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, cần ứng dụng công nghệ thông tin để quá trình xóa nợ được công khai, minh bạch. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Tốt nhất là ứng dụng công nghệ thông tin"

- Phần nhiều nợ thuế đề xuất xóa là của là người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh. Quan trọng là làm sao tránh được tình trạng lách luật, giả chết để được xóa nợ, thưa ông?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Bộ Tài chính phải là cơ quan chủ đạo đứng ra xem xét và có sự kết hợp của cơ quan khác như công an, chính quyền địa phương để kiểm tra các doanh nghiệp thuộc địa bàn của mình. Đặc biệt, theo tôi, cần có sự kiểm tra giám sát của các hiệp hội ngành nghề. Vấn đề này cực kỳ quan trọng. Doanh nghiệp cùng địa bàn biết nhau cả, đơn vị nào tình trạng sản xuất kinh doanh ra sao. Nếu có gì mờ ám, họ hoàn toàn có thể tố cáo, đề nghị cơ quan quản lý xem lại trường hợp này, trường hợp kia.

Việc kiểm tra giám sát của các hiệp hội, các doanh nghiệp trong ngành nghề là không thể thiếu được. Đây là điều kiện quan trọng để xóa nợ thuế chuẩn xác.

Để làm được điều này tốt nhất nên ứng dụng công nghệ thông tin, đăng tải công khai các doanh nghiệp được xóa, lý do lên website. Các doanh nghiệp vào trang web là tìm được ngay ai được xóa, xóa bao nhiêu, nếu không đúng thì các doanh nghiệp khác đâu có chịu.

Theo tôi, trong dự thảo nghị quyết, Bộ Tài chính nên có đường hướng cụ thể về việc sẽ thực hiện như thế nào với công khai, minh bạch.

- Đề xuất này nhiều lần đã nâng lên đặt xuống trong khi nợ treo thì ngày một nhiều lên. Theo ông, làm sao để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất là cơ chế xóa nợ thuế đảm bảo chính xác, đúng đối tượng, công bằng, không làm thất thoát tiền của Nhà nước.

Nếu đại biểu Quốc hội thấy xóa nợ mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, để lại thì không thu được mà nặng gánh thì họ sẽ chấp nhận. Quan trọng là phương thức thực hiện và cách giám sát.

Nếu thuyết minh của cơ quan soạn thảo rõ ràng, quy định rõ chính quyền làm gì, các hiệp hội, ngành nghề làm gì, tới đâu, mọi thứ rõ ràng, công khai thì các đại biểu sẽ chấp nhận.

- Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục