Đêm Hồ Gươm: Hà Nội thao hức trong niềm rạo rực

Đêm Hồ Gươm: Hà Nội thao thức trong niềm rạo rực

Các phố phường của Thủ đô thân yêu ngập trong cờ hoa và âm vang những ca khúc về Thăng Long-Hà Nội, " ầm ầm quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân kéo về..."

Đêm đầu tiên của Đại lễ, Các phố phường của Thủ đô thân yêu ngập trong cờ hoa và âm vang những ca khúc về Thăng Long-Hà Nội, " ầm ầm quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân kéo về..." Từ chập tối xung quanh Hồ Gươm đã tấp nập người chờ xem sự kiện họ mà đã cùng ngóng đợi từ lâu. Có lẽ chưa bao giờ nơi đây lại đông đúc như thế. Dù ở lứa tuổi nào, cứ ra đường là náo nức.


Cả triệu người nô nức… quá!


Gần đến 20h, một số điểm quanh hồ Gươm chật cứng người đi bộ. Sau lưng các dãy phố gần sát hồ Gươm có rất nhiều những bãi gửi xe máy, xe xếp như nêm.

Khách nước ngoài từ những phố “Tây” như Đinh Liệt, Mã Mây cũng tràn ra đường với một tinh thần rất phấn chấn. Đặc biệt là đám thanh niên trai trẻ để “con ngựa sắt” đua tốc độ ở vòng ngoài rồi nên khá “hiền” khi đi bằng…chân.

Không ít người dân sống ở gần khu vực hồ lòng thì vui nhưng có lẽ do thói quen của việc tập đi bộ buổi tối nên họ ăn mặc khá “đơn giản” như thể đi tập thể dục. Nhiều người đi lại thoải mái như trong sân nhà mình. Để rồi đến lúc đông quá thì họ có thể chủ động chen bật những người ăn mặc lịch sự còn lo giữ gìn quần áo đẹp.

Anh Quang, một người dân ở phố Cầu Gỗ cho biết: Không khí hôm nay như một đại giao thừa nhưng lại vào mùa thời tiết không lạnh nên người ta cũng hăng hái và ăn mặc thoải mái hơn. Ban đầu  dắt các cháu đi thì thấy vui lắm nhưng chen nhau một hồi lại hơi ân hận vì đã không ngồi nhà xem vô tuyến cho sướng. Vì nhiều người Hà Nội đã chọn cách này cho nhàn.

Bác Nga, người phố Hàng Đường thì nhận xét: “Ngày Tết, người Hà Nội đổ ra hồ Hoàn Kiếm xem pháo hoa nhưng không đông như thế này vì thời điểm đó nhiều người tỉnh ngoài làm việc ở Hà Nội về quê ăn Tết và khách trong và ngoài nước đến Thủ đô cũng không thể đông đặc biệt như dịp này."

Khi được hỏi, một chị đàn bế con vừa chen chân vừa than vãn thà ở nhà  xem qua ti vi, thì  chị lại cười nói: "Là nói vậy, chứ nếu ở nhà thì lấy đâu ra không khí náo nhiệt và “sướng mắt” như có mặt tại tâm điểm.”

Một bác cao tuổi đứng gần nghe thấy câu chuyện trao đổi đã nói thêm vào: Tổ chức thế này là vui và đẹp nhưng giá Các nhà tổ chức chia bớt ra thì tốt. Đổ dồn vào Hồ Gươm, lại chủ yếu ở cửa Đền Ngọc Sơn thế này khó giữ trật tự, bởi đám đông quá lớn mà ai cũng nô nức quá.”

Lễ hội áo dài thành công đến màn cuối...

Đây là chương trình được lãnh đạo thành phố rất quan tâm. Qua tà áo dài, lễ hội về người phụ nữ Thủ đô sẽ thật sự rất ý nghĩa và cuốn hút. Từ trước giờ diễn hơn nửa tiếng bà Ngô Thị Thanh Hằng-Phó chủ tịch Thành phố Hà Nội đã đến kiểm tra phần chuẩn bị và động viên các thành viên tham gia hãy cố gắng hết mình. Sau giờ diễn Phó Chủ tịch lại đến chúc mừng thành công của chương trình.

Các bộ sưu tập áo dài thật yêu kiều được hàng trăm người mẫu đi từ trong Đền Ngọc Sơn qua cầu Thê Húc rồi dạo bước trên hơn 300m chiếu hoa tỏa ra hai phía dưới chân tháp Bút. Những chiếc xe kéo gợi về đầu thế kỷ XX thường thấy ở Hà Nội chở các bà Phán, các quý cô sang trọng được đưa lên sân khấu mở này để trình diễn. Ai cũng muốn tận mắt chứng kiến những màn tái hiện này khiến cho sóng người đã ngày một mạnh khi mỗi bộ sưu tập mới xuất hiện.

Theo chị Nguyễn Anh Thư- Giám đốc điều hành công ty Ngân An, người tham dự chương trình này từ đầu cho biết: “Đến cuối chương trình mọi việc liên quan đến trình diễn đều khá thành công. Đó là tất cả cố gắng của từng người thợ khéo tay khâu áo dài. Vì tất cả các thợ may và khâu áo cho dịp này đều không nhận tiền công để công ty có thể bớt gánh lo tài chính.”

Đặc biệt phần tái hiện Hà Nội xưa không thể tách rời những tà áo dài Hà Nội đã đem đến những thuyết phục. Ngay cả mỗi bước chân của người mẫu trên cầu Thê Húc cong vồng lên và trong không khí đêm Hà Nội đặc biệt cũng khác với khi họ sải bước trên sàn catwalk. Các cô gái đã có vẻ thật đẹp và thanh lịch.”

Chị Thư cho biết thêm: “Nhạc sĩ Trọng Đài (Tổng Đạo diễn của cả chương trình) vì đông quá không chen được đã gọi điện chúc mừng tôi về thành công của phần Lễ hội áo dài ba miền. Ông còn nhắc nhở chúng tôi chuẩn bị tinh thần cho chương trình đêm 10/10 ở sân vận động Mỹ Đình sẽ thử thách nhiều hơn nữa.”     

Chỉ có một đáng tiếc là do quá đông người nên cuối chương trình áo dài, lực lượng bảo vệ không kiểm soát được tình hình. Đám đông có phần hưng phấn quá đã xô tràn lên cầu Thê Húc, ùa vào Đền Ngọc Sơn để xem người mẫu. NSND Lê Khanh phải leo cả lên chân tháp bút để tránh bị xô, rồi điện thoại nhờ…trợ giúp!

Hà Nội thức thâu đêm trong rạo rực

Gần 12h đêm, Hồ Gươm đã hết các chương trình ca nhạc nhưng dòng người vẫn tuôn trào, phấn khởi. Nhiều tốp khách tràn lên chợ đêm Đồng Xuân xem hàng, mua bán như thể đang 8-9giờ tối. Tại đầu phố Hàng Dầu cắt phố Lò Sũ, thấy phóng viên chúng tôi ngập ngừng thì đã có mấy người mời gửi xe.

Chúng tôi hỏi: “Bây giờ là giờ lấy xe rồi chứ anh, có còn chương trình gì đâu.” Người trông xe chỉ dãy xe và cả những người đang gửi xe vào bảo: “Ban nãy đông quá, bây giờ người ta mới vào được đây để đi dạo. Còn khối người đấy thôi!”

Nhìn ra, chúng tôi quả thấy rõ rằng vẫn đông và nô nức. Qua các dãy phố như Đinh Liệt, Cầu gỗ hàng quán vẫn đắt khách như tôm tươi. Riêng phố Hàng Bồ thì cả phố thơm sực mùi mực nướng với vài chục chiếu mực có người ngồi ăn vui vẻ. Chiếu trải suốt dọc hai bên hè phố lúc sát 0h.

Gần ba giờ sáng trên đường thanh niên ở khu vực Hồ Tây vẫn vang tiếng động cơ xe máy của  các bạn trẻ lấy xe di chuyển từ Hồ Gươm đi ăn đêm rồi bát phố bằng xe máy... Thế là, Hà Nội đêm đầu của Đại lễ đã thức tới gần sáng trong rạo rực./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục