Đêm nhạc Ngô Xuân Bính: Tri ngộ, giao hòa giữa nhạc và thơ

Được xem là cuộc tri ngộ và giao hòa giữa thơ và nhạc, đêm nhạc “Tri ngộ- Giao hòa” gồm những ca khúc được phổ nhạc của giáo sư Ngô Xuân Bính sẽ diễn ra đêm 24/1 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Đêm nhạc Ngô Xuân Bính: Tri ngộ, giao hòa giữa nhạc và thơ ảnh 1Giáo sư Ngô Xuân Bính (Ảnh: BTC)

Được xem là cuộc tri ngộ và giao hòa giữa thơ và nhạc, đêm nhạc “Ân khúc-Giao hòa” gồm những ca khúc được phổ nhạc của giáo sư, viện sĩ, võ sư chưởng môn Ngô Xuân Bính sẽ diễn ra đêm 24/1, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trong không gian ấm cúng và sang trọng của Nhà hát Lớn, công chúng Thủ đô sẽ thưởng thức không gian âm nhạc đúng nghĩa trong sự tổng hòa của những tên tuổi nghệ sỹ hàng đầu hiện nay.

Cụ thể, đêm nhạc “Ân khúc-Giao hòa” hội tụ các nghệ sỹ biểu diễn hàng đầu làng nhạc Việt như Trọng Tấn, Anh Thơ, Tùng Dương… sẽ thể hiện những tác phẩm âm nhạc do 10 nhạc sỹ tên tuổi của Việt Nam phổ nhạc trên lời thơ Giáo sư Ngô Xuân Bính như nhạc sỹ Nguyễn Cường, Đức Trịnh, Nguyễn Huy Thông, Phú Quang, Trần Phú Củ, Trần Xuân Phương…

Với tên gọi “Ân khúc-Giao hòa,” qua nhạc và thơ những người thực hiện chương trình muốn truyền tới thông điệp cuộc sống gần gũi, giản dị, nhưng cũng là những triết lý phương Đông sâu sắc.

Qua đó, người nghe sẽ thấu hiểu những giá trị nhân văn cội rễ của người Việt, dù trong cuộc sống hiện đại, đôi lúc đã bị lãng quên, nhưng những giá trị đó vẫn âm ỉ, trở thành động lực, là niềm tin, chỗ dựa để vượt qua chướng duyên của cuộc sống.

Cùng sự dẫn chuyện của nhà văn Chu Lai, đêm nhạc “Ân khúc-Giao hòa” là không gian âm nhạc đích thực đậm chất âm hưởng dân gian, khai thác nét đẹp của âm nhạc cổ truyền Việt Nam nhưng đi vào lối mòn, nệ cổ mà đầy sáng tạo, mới mẻ.

Ban tổ chức tiết lộ, đêm nhạc sẽ là không gian âm nhạc đa sắc của những ca khúc thể hiện xu thế cuồn cuộn giàu âm hưởng dân gian, nhưng cũng tinh thần đương đại của nhạc pop, rock…

Theo đó, đêm nhạc sẽ gồm hai phần “Ân khúc” và “Tri ngộ” với những ca khúc được phổ thơ giáo sư Ngô Xuân Bính như “Chợ quê,” “Nỗi nhớ quê,” “Thả thuyền bến mơ,” “Hà Nội trong tôi,” “Tượng nhà mồ,” “Tháp Chàm,” “Trầu cau,” “Lão xẩm”…

Nhạc sỹ Huy Thông, cố vấn chương trình nói về chất thơ của giáo sư Ngô Xuân Bính: “Thơ của ông không dễ đọc, không phải ai đọc thì cũng sẽ thích. Thơ của ông vì thế không dễ cảm, để dễ dàng phổ nhạc.

Sự trăn trở, và độ nén của một tình yêu hướng về đất nước và văn hóa truyền thống đầy ắp cả bảy tập thơ lên tới hàng nghìn bài của ông đã là điều đáng để chúng ta nể phục về đề tài và cảm hứng thi ca. Từ con tôm, con tép đến những vấn đề lớn của thời đại đều biến thành thơ qua sự chiêm nghiệm của giáo sư Ngô Xuân Bính. Tính tư tưởng và triết lý nhân sinh ấy khi giao hòa với nhạc điệu và cảm hứng của người nhạc sỹ đã được chắp cánh thành nhạc phẩm.”

Chính vì vậy, có thể nói “Ân khúc- Giao hòa” là đêm thơ nhạc lan tỏa những “ân khúc” và “tri ngộ” giữa những tâm hồn nghệ sỹ để cùng giao hòa, cùng đập một nhịp đập con tim, cùng lắng đọng trong tình yêu quê hương đất nước và cảm những ân tình với cuộc sống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục