Đêm trắng không ngủ để những ‘cánh chim sắt’ vượt bão giông

Những cơn mưa như trút táp mạnh vào ô cửa kính máy bay, gió giật ào ào làm máy bay chao đảo, nhiều hành khách nín thở và bật khóc trong đêm 25, rạng sáng 26/11 khi cơn bảo số 9 đổ bộ.
Đêm trắng không ngủ để những ‘cánh chim sắt’ vượt bão giông ảnh 1Nhân viên phục vụ mặt đất Vietnam Airlines cầm ô che cho hành khách khi lên xe ôtô, tránh bị mưa tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Anh Tuấn/VNA)

Những cơn mưa như trút táp mạnh vào ô cửa kính máy bay, gió giật ào ào làm máy bay chao đảo, nhiều hành khách nín thở và bật khóc trong đêm 25, rạng sáng 26/11 khi cơn bảo số 9 đổ bộ vào miền Nam. Nhiều chuyến phải bay chờ và sau đó được điều hướng, hạ cánh tại sân bay khác, đảm bảo an toàn hàng không.

Nhưng ít ai biết được rằng, để có một hành trình dài của “cánh chim” vượt bão trong đêm, nhiều bộ phận của Vietnam Airlines đã có một đêm trắng không ngủ. Cần mẫn, tận tâm và sống chung với lo lắng, họ bật òa niềm hạnh phúc cùng hành khách khi những “chú chim sắt” đậu an toàn ở các sân bay khác nhau.

Giúp khách nhập cảnh bằng... chứng minh thư

Chiều ngày 25/11, máy bay mang số hiệu VN125 của Vietnam Airlines cất cánh theo lịch trình Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh. Ngồi trên khoang lái, hành khách Nguyễn Thành Long (Hà Nội) tranh thủ chợp mắt trong khoảng 2 giờ đồng hồ để trở về nhà sum họp gia đình sau vài ngày đi công tác.

Hơn một tiếng sau đó, cơ trưởng chuyến bay thông báo khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đang có bão, đề nghị hành khách thắt dây an toàn bởi rất có thể máy bay sẽ phải bay chờ để khi điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

[Hủy và lùi nhiều chuyến bay đến Nha Trang, Đà Lạt do bão số 9]

Tuy nhiên, do gió giật mạnh, mưa ào ào như trút táp mạnh vào ô cửa kính, máy bay chao đảo mỗi khi nghiêng cánh lượn vòng khiến anh Long và một số hành khách bắt đầu cảm thấy lo lắng và nín thở cầu mong chuyến bay hạ cánh an toàn.

Chỉ đến khi cơ trưởng thông báo “do điều kiện thời tiết xấu nên quý khách chuẩn bị hạ cánh tại sân bay quốc tế Pochentong ở Phnom Penh-Campuchia” anh Long mới ngỡ ngàng và thở phào nhẹ nhõm bởi sắp được đặt chân xuống đất.

Anh Vương Thành Phi, đại diện khai thác của Vietnam Airlines tại sân bay Pochentong-Phnom Penh cho biết, hãng phục vụ 4 chuyến bay chuyển hướng sang Phnom Penh. Trong đó chuyến VN600 và VN125 bị chuyển hướng 2 lần trong điều kiện thời tiết tại sân bay đến Tân Sơn Nhất không đảm bảo. Do đó, Vietnam Airlines đã đưa hành khách và tổ bay về khách sạn Phnom Penh nghỉ qua đêm và đợi đến 8 giờ 30 ngày 26/11 theo kế hoạch bay mới.

Do đang là ngày nghỉ lễ của Campuchia (Water Festival) nên các đơn vị cung cấp dịch vụ đa số đều nghỉ lễ, chi nhánh đã gặp nhiều khó khăn trong việc đặt khách sạn và xe vận chuyển ở thời điểm khoảng 20-21 giờ tối, việc này là khó khăn.

Áo ướt sũng vì mồ hôi, giọng nói khàn đi vì liên tục giải đáp thắc mắc và trấn an hành khách tại nơi xứ người, anh Phi cho hay, VN125 là chuyến bay nội địa nên hơn nửa hành khách sử dụng Chứng minh thư trong khi phải có hộ chiếu để làm thủ tục thị thực nhập cảnh. Vì vậy, Vietnam Airlines đã nỗ lực thuyết phục Công an cửa khẩu xin ‘ngoại lệ’ để đồng ý cho khách Quốc tịch Việt Nam nhập cảnh vào Campuchia bằng Chứng minh thư.

Đối với một số khách nước ngoài, hãng đã hỗ trợ và hướng dẫn khách làm thủ tục xin Visa nhập cảnh một cách nhanh nhất đồng thời hỗ trợ phát sinh chi phí làm thủ tục xin Visa.

“Do lượng khách đông, đến cùng lúc, cùng với nhiều thủ tục tại Campuchia, thời gian phục vụ kéo dài từ 15 giờ ngày 25/11, đến 2 giờ đêm toàn bộ gần 400 khách và tổ bay đã được đưa về khách sạn nghỉ ngơi,” anh Phi thở phào nói.

Ngay 6 giờ 30 sáng 26/11, hãng đã đã mở quầy để đón khách lên sân bay. Hơn 11 giờ, toàn bộ khách đã được giải toả lên các chuyến bay trở về Tân Sơn Nhất đảm bảo an toàn.

“Chỉ đến khi máy bay hạ cánh tại Thành phố Hồ Chí Minh, những tràng pháo tay của hành khách trên chuyến bay là lời cảm ơn của hành khách đến phi hành đoàn và đội ngũ nhân viên không thể tránh khỏi những thiếu sót trong công tác phục vụ hành khách nhưng đã nỗ lực hết mình, một đêm thức trắng để đảm bảo các chuyến bay được an toàn và hành khách trở về một cách nhanh nhất,” anh Phi tự hào chia sẻ.

Trắng đêm vì "thượng đế"

Đêm 25/11, những tiếng chuông điện thoại ở Trung tâm điều hành khai thác Vietnam Airlines, Đoàn bay, Đoàn tiếp viên, các sân bay liên tục vang lên chỉ đạo, xử lý từng chuyến bay, xếp lịch cho từng tổ phi công, tiếp viên, giải quyết từng trường hợp hành khách với mục tiêu, đảm bảo an toàn tuyệt đối các chuyến bay và phục vụ hành khách tốt nhất do ảnh hưởng của cơn bão.

Ông Đinh Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm điều hành khai thác của Vietnam Airlines-người trực tiếp tham gia và điều hành, xử lý các chuyến bay cho biết, Trung tâm cùng với các bộ phận, các đầu sân bay đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Sau những nỗ lực của các đơn vị, toàn bộ các chuyến bay đều khai thác an toàn.

“Các trực ban trưởng liên tục tiếp nhận cuộc điện thoại từ các đầu sân bay để trao đổi và thống nhất cách xử lý từng chuyến bay, từng trường hợp khách, tìm từng tổ bay, tổ tiếp viên làm nhiệm vụ,” ông Tuấn cho hay.

[Hành trình chinh phục hãng hàng không 4 sao của Vietnam Airlines]

Nhiều tổ bay, tổ tiếp viên dự bị được gọi điện điều động lúc 3-4 giờ sáng nhưng đã ngay lập tức lên sân bay làm nhiệm vụ mà không một tiếng kêu ca, phàn nàn.

Đêm trắng không ngủ để những ‘cánh chim sắt’ vượt bão giông ảnh 2Những chiếc chăn ấn được hãng hàng không Vietnam Airlines phát cho hành khách trong thời gian chờ chuyến bay vì ảnh hưởng của bão số 9. (Ảnh: Anh Tuấn/VNA)

“Họ dắt bộ cả cây số vì xe chết máy, lội bộ qua nhiều đoạn đường ngập nước hay thậm chí ngã dưới con mưa tầm tã. Nhưng với việc cả nghìn hành khách đang chờ đợi tại sân bay lại thúc giục những tiếp viên nhanh chóng làm nhiệm vụ, trọng trách đưa ‘thượng đế’ đi, đến theo lịch trình,” ông Phan Ngọc Linh, Đoàn trưởng Đoàn tiếp viên chia sẻ.

Để kịp thời ứng phó, đại diện Vietnam Airlines tại Tân Sơn Nhất đã điều động tối đa nhân sự để trực phục vụ hành khách. Tất cả khách được cung cấp thông tin đầy đủ và phục vụ theo đúng tiêu chuẩn trong thời gian chờ chuyến bay tại sân bay. Đồng thời, hãng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tại sân bay chuyển khách (chấp nhận mọi hạng vé) để lấp đầy các chuyến bay sớm.

Ngoài ra, các nhà hàng, phòng chờ... tại sân bay được Vietnam Airlines phối hợp hoạt động hết công suất để cung cấp các bữa ăn, chỗ nghỉ ngơi cho khách. Hơn 600 chăn mền đã được phát cho những hành khách không về khách sạn mà ở lại nhà ga chờ.

Sau khi cơn bão qua đi, ngoài việc tận mắt chứng kiến những cơn gió giật mạnh, những trận mưa như trút nước làm đường phố ngập nặng, hành khách cũng được tận mắt chứng kiến sự nhiệt tình, tận tâm phục vụ khách hàng của Vietnam Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đây chính là điểm nhấn đặc biệt giúp hành khách bớt lo lắng, cảm thông hơn với hãng bay trong những tình huống bất khả kháng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục