Đến 2015, 60% văn bản được trao đổi dạng điện tử

Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2015, 60% số văn bản, tài liệu chính thức của các cơ quan Nhà nước sẽ được trao đổi dưới dạng điện tử.
Sáng 24/8, hội thảo Hợp tác phát triển công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam lần thứ 16 với chủ đề “Phát triển, kết nối và thu hẹp khoảng cách số hướng đến chính quyền điện tử” đã chính thức khai mạc tại Đồng Nai.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành Trung ương; 63 tỉnh, thành phố cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam và thế giới.

Hội thảo lần này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông với gần 60 tham luận được trình bày, tập trung vào các vấn đề như mô hình kinh nghiệm cơ quan điện tử, chính quyền điện tử tỉnh, bộ, ngành; đảm bảo an ninh thông tin; đào tạo nguồn nhân lực; giải pháp và dịch vụ công nghệ.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ở Việt Nam, ngành công nghệ thông tin đã có bước phát triển vượt bậc với tổng doanh thu toàn ngành năm 2011 đạt 20 tỷ USD. Mạng truyền số liệu chuyên dùng hiện đã có quy mô toàn quốc, kết nối đến gần 4.000 điểm tại tất cả các trụ sở bộ, ngành, địa phương.

Dự kiến đến năm 2014, mạng này sẽ mở rộng tới hơn 11.000 xã, phường trong cả nước. Hiện đã có 29/30 bộ, cơ quan ngang bộ, 63/63 tỉnh, thành phố có cổng thông tin điện tử. Các cơ quan Trung ương và địa phương đã triển khai được hơn 94.000 dịch vụ công mức 1 và 2, gần 900 dịch vụ công mức 3 và 11 dịch vụ công mức 4.

Năm 2012, Chính phủ điện tử Việt Nam được Liên hiệp quốc xếp hạng 83/190 nước trên thế giới, tăng 7 bậc so với năm 2010.

Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết nhiệm vụ trọng tâm của đề án chiến lược đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông là thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước. Mục tiêu đến năm 2015 là xây dựng, hoàn thiện và ứng dụng cơ sở hạ tầng thông tin trong nội bộ các cơ quan chính quyền, đồng thời cung cấp thông tin dịch vụ hành chính công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Để đảm bảo hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu Chính phủ điện tử, phó Giáo sư, tiến sỹ Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai đề xuất xây dựng chính quyền điện tử thành công phải triển khai nhiều biện pháp, bắt đầu từ việc ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong các cơ quan hành chính Nhà nước.

Để làm được điều này, chúng ta cần thay đổi nội hàm của thuật ngữ “phương thức làm việc theo truyền thống,” nghĩa là làm cho cán bộ công nhân viên chức chuyển từ nhận thức làm việc theo phương thức thủ công sang làm việc có ứng dụng công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích cán bộ công nhân viên chức ứng dụng công nghệ thông tin thông qua các phong trào thi đua, bắt buộc và trở thành thói quen; khen thưởng những người làm việc theo phương thức sử dụng công nghệ thông tin.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu đặt ra là đến 2015, 60% số văn bản, tài liệu chính thức của các cơ quan Nhà nước sẽ được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử; 50% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp và người dân được nộp qua mạng. Để hoàn thành mục tiêu này, Ban Cơ yếu Chính phủ đã sẵn sàng cung cấp, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nhằm triển khai ứng dụng chứng thực số tới các cơ quan Nhà nước.

Trong khuôn khổ hội thảo, ban tổ chức cũng đã trao tặng máy tính cho Hội Người cao tuổi, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Đồng Nai; phát học bổng cho sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin xuất sắc có hoàn cảnh gia đình khó khăn tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Đồng Nai; tổ chức hội nghị Hội đồng Trung ương các hội tin học thành viên./.

Công Phong (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục