Đến 8/5 mới khắc phục xong sự cố cầu Đuống

Ngày 5/5, ông Huỳnh Hùng, Trưởng ban cơ sở hạ tầng - Cục Đường sắt Việt Nam cho biết kết quả kiểm tra cho thấy, sự cố mặt cầu dầm số 4 của cầu Đuống bị lún, rạn nứt là khá nguy hiểm. Nếu không tổ chức phòng vệ, vẫn để các xe trọng tải lớn đi vào khu vực trên sẽ dẫn đến sụt lún lớn, gây hậu quả khó lường.

Ngày 5/5, ông Huỳnh Hùng, Trưởng ban cơ sở hạ tầng - Cục Đường sắt Việt Nam cho biết kết quả kiểm tra cho thấy, sự cố mặt cầu dầm số 4 của cầu Đuống bị lún, rạn nứt là khá nguy hiểm. Nếu không tổ chức phòng vệ, vẫn để các xe trọng tải lớn đi vào khu vực trên sẽ dẫn đến sụt lún lớn, gây hậu quả khó lường.

Đoàn kiểm tra của Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất phương án khắc phục là gia cố lại khu vực bên dưới dầm cầu số 4; đồng thời, đặt tấm tôn lớn trên bề mặt khu vực xảy ra sự cố rồi sau đó sẽ tiến hành gia cố lại. Dự kiến thời gian gia cố khoảng 3 ngày. Tuy nhiên, theo ông Hùng, đây chỉ là biện pháp trước mắt, còn về lâu dài sẽ sửa chữa, bảo dưỡng lớn. “Việc sửa chữa lớn Cục đã có kế hoạch và sẽ thực hiện ngay trong năm nay”- ông Hùng nói.

Theo Công ty Quản lý Đường sắt Hà Hải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đến ngày 8/5 tới, việc sửa chữa lại khu vực bị sụt lún mới có thể hoàn thành. Do đó từ nay đến đó, các đơn vị thi công vẫn phải rào chắn khu vực xảy ra sự cố. Trước mắt, công ty sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng ngăn chặn không cho các xe có trọng tải lớn qua cầu.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó phòng Cơ sở hạ tầng, Cục Đường sắt, cho biết thêm trong chiều 5/5, các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải cũng đã họp bàn nghiên cứu các biện pháp bảo vệ cầu. Qua đó, Bộ yêu cầu Công ty tư vấn khảo sát thiết kế giao thông vận tải nghiên cứu cụ thể khả năng chịu tải qua cầu; trong đó xác định rõ phương tiện trọng tải bao nhiêu tấn thì được phép qua cầu.

Dự kiến, trong ngày mai (6/5), tư vấn sẽ có phương án cụ thể về việc cấm các xe có trọng tải từ bao nhiêu tấn trở lên qua cầu. Đồng thời sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phân làn cho các phương tiện có trọng tải lớn, không được phép qua cầu đi theo trục đường Quốc lộ 1A mới Hà Nội - Bắc Ninh qua cầu Phù Đổng hoặc qua cầu Thăng Long. Do khu vực xảy ra sự cố là hành lang đường bộ của cầu nên các hoạt động chạy tàu vẫn diễn ra bình thường.

Theo Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải Nguyễn Hoài Trung, cầu Đuống được xây dựng năm 1981, với thiết kế ban đầu chỉ cho phép xe đơn tải trọng 30 tấn chạy qua. Nhưng trên thực tế, cầu Đuống luôn phải “gánh” số phương tiện quá tải qua cầu, đặc biệt là phía hạ lưu do lưu lượng xe quá tải khai thác chủ yếu nên phần đường bộ bị ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng.

Lớp mặt nhựa bêtông bị bong vỡ thường xuyên, đồng thời lớp bêtông cốt thép tầng phòng nước phải chịu lực gây phá hoại đến lớp tấm đan bêtông cốt thép làm tấm đan rạn nứt, tụt, sập gây tiềm ẩn nguy cơ cho an toàn giao thông, đặc biệt gây ra hiện tượng rung cầu với biên độ khác thường.

Theo ông Nguyễn Hoài Trung, tính đến nay đã có 38 tấm đan bị rạn nứt, trong đó có 16 điểm bị sụt nguy hiểm. Với trách nhiệm của mình, công ty đã gia cố khẩn cấp 8 vị trí sụt bằng cách dùng tôn đỡ tấm đan từ phía dưới, cũng như rải nhựa, vá trám ổ gà… bằng nguồn kinh phí duy tu thường xuyên. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí thường xuyên này hiện không thể đáp ứng được yêu cầu khai thác hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục