Đền Bạch Mã - Danh thắng lịch sử đất Thăng Long

Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, vị thần đã phù trợ vua Lý Thái Tổ định đô, xây thành và được phong là Thành hoàng quốc đô Thăng Long.

Đền Bạch Mã trước kia thuộc phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, nơi cửa sông Tô Lịch đổ ra sông Hồng (đoạn sông Tô Lịch nơi đây đã bị lấp), nay ở địa chỉ ở số 76 phố Hàng Buồm, thành phố Hà Nội.

Từ bờ hồ Hoàn Kiếm theo các phố Hàng Đào, Hàng Ngang sẽ gặp phố Hàng Buồm (bên tay phải), số nhà 76 bên trái phố chính là đền Bạch Mã.

Đền được đề cập đến trong ''La Thành cổ tích vịnh,'' soạn năm Lê Chiêu Thống Mậu Thân (1788)

Rồng cuộn đất thiêng thành thắng cảnh
Tích truyền Bạch Mã trấn danh châu
Cao vương chuyện cũ nay bùn đất
Vật đổi sao dời đã mấy Thu.

Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, hiệu Quảng Lợi Bạch Mã đại vương. Đền lấy tích từ câu chuyện kể về Lý Thái Tổ cầu thần Long Đỗ mong được phù trợ định đô, xây thành, nên nằm mơ thấy một con ngựa trắng, bằng dấu chân của mình, đã chỉ cho nhà vua biết đường thành Thăng Long phải qua những đâu thì thành đắp mới được vững vàng.

Khi xây xong thành, nhà vua đã phong thần Long Đỗ là Thành hoàng quốc đô Thăng Long và đặt tên cho đền là Bạch Mã.

Tương truyền, đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 và đã được trùng tu nhiều lần.

Đền Bạch Mã là một trong Thăng Long tứ trấn, phía đông là đền Bạch Mã, phía Tây là đền Voi Phục (thờ hoàng tử Linh Lang đại vương), phía bắc là đền Trấn Võ, phía nam là đền Cao Sơn đại vương (tức Kim Liên ngày nay).

Trong đền còn bức hoành phi ghi bốn chữ: ''Đông trấn chính từ'' (đền chính trấn giữ phía Đông). Vào năm 1939, dựng thêm Văn Chỉ bên trái đền, lại dựng phương đình (tức đình hình vuông) để làm nơi cúng lễ.

Về kiến trúc, đền được xây dựng theo kiểu ghép bốn tòa nhà khác nhau trong một khuôn tường rộng theo mặt đường phố và sâu. Căn nhà ngoài cùng sát phố là tiền tế, nối với nhà đại bái ở phía trong bằng tòa phương đình. Phía sau nhà đại bái là tòa hậu cung.

Đền quay mặt về phía đông nam. Trong đền hiện còn giữ được 15 tấm bia, các bia chép sự tích đền và thần, nghi lễ cúng bái, các lần trùng tu tôn tạo... Tấm bia cổ nhất vào đời Chính Hòa 8 (1687). Lúc đó đền thuộc phủ Phụng Thiên, huyện Thọ Xương, phường Hà Khẩu. Triều Nguyễn có bia đề Minh Mạng I (1820), Tự Đức I (1848).

Trong đền có đôi câu đối:


Phù quốc tộ ư La Thành, vạn cổ uy thanh truyền mã tích.
Ngật tôn từ vu giang tứ, thiên thu vượng khí trấn Long Biên

Dịch nghĩa:


Giúp nước thịnh ở La Thành, muôn thuở uy danh truyền dấu ngựa.
Bên sông nước, nghìn năm, vượng khí giữ Long Biên.

Đền Bạch Mã với diện tích trên 500m2, quả là một công trình đồ sộ còn được gìn giữ, bảo quản khá tốt. Tuy đền đã được trùng tu nhiều lần, nhưng cơ bản vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc thời Trần, Lê. Các cửa võng, các mảng điêu khắc trong đền mang tính nghệ thuật cao.

Vào thời Trần, tuy ba lần quân Mông-Nguyên sang xâm lược, đốt phá kinh thành nhưng may mắn đền vẫn được vô sự lúc hoàn giả Kinh đô.

Thái sư Trần Quang Khải đã có thơ đề:


Hỏa tức tam diện thiêu bất cập
Phong lôi nhất trận triển nham khuynh.

Tạm dịch:

Lửa bốc ba lần không cháy đến
Gió bừng một trận chẳng hề nghiêng.

Về sau ở thế kỷ 18, Hoàng giáp Trần Bá Lãm có thơ đề:

Mạch dẫn bàn long truyền thắng địa,
Tích lưu Bạch Mã trấn danh châu.
Cao Vương vãng sự câu thần thổ
Vật hoán tinh di kỷ độ Thu.

Tạm dịch:


Mạch dẫn rồng nằm kia đất đẹp
Dấu xưa ngựa trắng giữ danh đô.
Cao Vương việc cũ không đâu hết
Vật đổi sao dời độ mấy Thu.

Đền Bạch Mã thường xuyên tiếp đón các du khách trong và ngoài nước đến viếng, tìm hiểu về một trong những di tích lịch sử văn hóa của Thăng Long-Hà Nội, nơi có vị thần Long Đỗ Thành hoàng quốc đô Thăng Long ngự trị, đã và đang phù trợ cho nhân dân./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục