Đền Chèm, Lý Ông Trọng và tục thờ thần khổng lồ

Đền Chèm thờ Lý Ông Trọng được coi là tàn tích tục thờ cúng cổ xưa của người Việt - tục thờ thần khổng lồ hay còn gọi Sơn Thần.
Đã từ rất lâu, đền Chèm gắn với một nhân vật huyền thoại cuối thời Hùng Vương - Lý Thân, hay còn gọi là Lý Ông Trọng.

Thần phả Đền Chèm ghi rằng Lý Ông Trọng sống trong khoảng thời Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18) và thời An Dương Vương.

Tương truyền xưa kia ở làng Chèm có một thanh niên vóc người to lớn tên là Lý Thân. Ông tham gia quân đội Tần chống giặc Hung Nô phía Bắc. Sự kiện này nếu có thật thì phải xảy ra ở thế kỷ thứ 4, thứ 3 trước Công Nguyên, tức khi nước Tần bắt đầu nổi lên vào cuối thời Chiến Quốc và trở thành đế chế nhà Tần ở nửa sau thế kỷ 3 trước Công nguyên.

Theo khảo sát gần đây nhất về dòng họ Lý thì có khả năng dòng họ Lý Thân thuộc tộc Tây Âu, sau này là nòng cốt của bộ Tây Vu thời Tây Hán.Dòng tộc Lý này di chuyển từ vùng các tiểu quốc người Việt ở Lĩnh Nam (như Điền, Dạ Lang, Ai Lao, Tây Âu…) chạy về phía nam sau khi bị Sở rồi Tần o ép giành đất.

Trong khung cảnh đó, câu chuyện Lý Thân tham gia quân Tần đánh Hung Nô chỉ có thể xảy ra khi nhà Tần đã thống nhất thiên hạ (cuối thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên).

Lý Thân sau khi tham gia quân đội nhà Tần đã chạy xuống phía nam, tới vùng đất Âu Lạc. Đây cũng là thời điểm xảy ra cuộc sáp nhập Tây Âu-Lạc Việt với vai trò nổi lên của Thục Phán An Dương Vương.

Việc Lý Thân không tham gia quân Tần nữa khiến nhà Tần phải làm tượng hình nhân đóng giả ông để dọa quân Hung Nô chứng tỏ mối bất hòa đã diễn ra gay gắt giữa quân Tần ở Lĩnh Nam với khối tộc Tây Âu (diễn ra trong khoảng từ năm 219 đến năm 208 trước Công nguyên).

Điều đáng chú ý là hành trạng của Lý Thân không ghi lại công đức giống như các vị thần hay thành hoàng khác ở nước ta (như có công đánh giặc giữ nước, khai khẩn lập làng hay dạy nghề…) nhưng ông lại được coi như một biểu trưng đối kháng trong tâm linh người Việt. Giới nghiên cứu đặt câu hỏi, vì sao Lý Thân được nhân dân tôn kính và thờ phụng?

Tài liệu trong các sách sử cung cấp hai dữ liệu có thể lý giải điều này. Một là Lý Thân có cơ thể khổng lồ phi thường và chữ "Thân" mang tên ông có thể ám chỉ điều đó. Người Tần làm tượng khổng lồ của ông là để dọa quân Hung Nô.

Hai, tên thờ phụng của Lý Thân là "Ông Trọng". Trọng là chữ Hán ghi âm Việt “Đùng” hay “Tùng” trong nghĩa “to đùng to đoàng”. Thờ Ông Trọng tức là thờ Ông Đùng. Đó là hiện tượng rất phổ biến trong xã hội Mường cổ truyền.

Những hòn núi đá to lớn đứng một mình sừng sững thường được người Mường gọi là Ông Đùng và thờ cúng như một thần linh khổng lồ. Ông Đùng - Ông Trọng chính là ông Khổng Lồ , một biểu trưng được thờ cúng trong thần thoại Việt Nam.

Những thông tin trên cho ta thấy có sự kết hợp giữa hiện tượng một nhân vật lịch sử có thân thể to lớn khác thường với tục thờ thần khổng lồ của người Việt cổ.

Đền Chèm thờ Lý Ông Trọng được ghi nhận là tàn tích phong tục thờ cúng rất cổ xưa của người Việt - tục thờ thần khổng lồ hay còn gọi thần đá, thần núi (Sơn Thần). Và việc thờ phụng Lý Ông Trọng có thể là hiện tượng thu nhỏ của việc thờ thần Sơn Tinh ở Núi Tản (Ba Vì) trong tâm linh Việt Cổ./.
Tiến sĩ Nguyễn Việt-Nguyễn Mạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục