"Đến hè lại lên," Thủ đô lại điệp khúc thiếu khu vui chơi cho trẻ

Hà Nội hiện có hơn 10 triệu dân, trong đó có gần 2 triệu trẻ em dưới 16 tuổi, trong khi nội thành chỉ có 21 công viên và 32 vườn hoa, trong đó có nơi như quận Thanh Xuân không có một khu vui chơi nào.
"Đến hè lại lên," Thủ đô lại điệp khúc thiếu khu vui chơi cho trẻ ảnh 1Kéo co - một trò chơi dân gian mang đậm tính đoàn kết được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Theo thống kê mới đây, toàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 10 triệu dân, trong đó có gần 2 triệu trẻ em dưới 16 tuổi. Con số đó cho thấy, nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em trên địa bàn Thủ đô rất cao, đặc biệt là dịp nghỉ Hè.

Nhiều khu dân cư “bỏ quên” sân chơi trẻ em

Số liệu được đưa ra mới đây tại hội thảo “Vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư ở Hà Nội” do Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam tổ chức, cho thấy nội thành Hà Nội có 21 công viên và 32 vườn hoa với diện tích 320ha, chiếm 1,9% diện tích đất tự nhiên, tương đương mỗi người dân trong nội thành Hà Nội chỉ có 2,08m2 vườn hoa, sân chơi.

Tỷ lệ đất vườn hoa, sân chơi ở quận Hai Bà Trưng cao nhất thành phố cũng chỉ chiếm 12,83% đất tự nhiên, trong khi ở quận Thanh Xuân, tỷ lệ này là 0%.

Tại hội thảo này, nhiều kiến trúc sư cũng đưa ra hiện trạng bình quân không gian xanh ở Hà Nội mới chỉ đạt mức rất thấp là 1,7m2/người. Trong khi đó, quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ của thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có diện tích bình quân 2,43m2/người.

Chuyện thiếu sân chơi cho trẻ em không chỉ tồn tại ở các khu dân cư cũ của Hà Nội, những “phố nhỏ,” “ngõ nhỏ” mà xảy ra cả ở các khu đô thị mới - những nơi mà trong quy hoạch xây dựng đều dành đất cho vườn hoa, sân chơi. Tuy nhiên, để tăng mật độ nhà ở nên khi xây dựng, nhiều chủ đầu tư thường cắt giảm diện tích vườn hoa, sân chơi cho các cháu thiếu nhi, thậm chí bỏ quên.

Khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính là một trong những khu đô thị mới có mật độ dân cư đông nhất hiện nay, đặc biệt là cư dân trẻ. Tuy nhiên, khu vực xung quanh các tòa nhà dày đặc ôtô, xe máy, khó có thể tìm thấy một không gian đặt các trang thiết bị vui chơi cho trẻ em, có chăng, chỉ tồn tại một số khu vui chơi trong nhà và phải trả phí.

Cách đó không xa, khu tái định cư Nam Trung Yên có hơn chục tòa nhà nằm san sát nhau nhưng cũng không có được một vườn hoa hay khu vui chơi đúng nghĩa. Trẻ con muốn chơi đùa chỉ có thể vui chơi tại vỉa hè của các tòa nhà, thế nhưng hiện nay những vỉa hè này cũng đã bị chiếm dụng nhiều làm hàng quán.

Hay như khu chung cư Kim Văn-Kim Lũ, hiện có 4 tòa nhà cao tầng, mỗi tòa có hơn 1.000 căn hộ, phần lớn là các gia đình có trẻ nhỏ nhưng sân chơi dành cho các cháu không hề có. Điều này cho thấy sự thiếu trách nhiệm của các chủ đầu tư cũng như của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giám sát xây dựng các khu chung cư, khu đô thị mới. Sự thiếu trách nhiệm của người lớn đã làm ảnh hưởng đến quyền vui chơi của trẻ em

Xây dựng sân chơi trẻ em nhờ “xã hội hóa”

Trước thực trạng “khát” sân chơi cho trẻ em nhiều năm qua, người dân tại các khu dân cư, khu đô thị mới và nhiều tổ chức, cá nhân ở Hà Nội đang nỗ lực để giành lại sân chơi cho các em.

Dịp nghỉ Hè, trẻ em ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội rất vui khi được chơi đùa trong một khoảng sân hơn 100m2. Để tạo được khoảng sân chơi này với các thiết bị đơn giản như xích đu, cầu trượt, bập bênh…, Hội Phụ nữ phường Giáp Bát đã phải mất 3 năm “đấu tranh,” quyết tâm lấy lại không gian vui chơi các cháu.

Bà Nguyễn Thị Biển, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ phường Giáp Bát, Hà Nội chia sẻ: Chị em trong Hội đã làm hàng rào quanh khu vực 100m2 này để lấy không gian chơi cho các cháu nhưng cứ làm hôm trước thì hôm sau lại bị phá.

Vì ở đây, có nhiều hộ dân thu nhập thấp, tận dụng khu vực trống để bán hàng, có nhà thì căng dây phơi quần áo, làm công trình phụ. Hội phụ nữ phải thay nhau ra trực, không để hộ dân lấn chiếm, có những lúc căng thẳng phải nhờ đến sự hỗ trợ của lực lượng công an. Nhờ vậy, đến nay, khu vui chơi này đã được trả lại đúng mục đích.

Tại tòa nhà CT6, phường Định Công, quận Đống Đa, khu sân chơi cho trẻ em 5 năm trước đây từng là bãi đỗ xe. Vì vậy, tổ dân phố đã họp bàn tìm nhiều biện pháp giải phóng bãi đỗ xe, sau đó quyết định mua ghế đá quây xung quanh sân.

Tiền mua ghế đá được cư dân của tòa nhà đóng góp. Nhờ có sự ủng hộ, đồng thuận của các hộ dân, đến nay sân chung tòa nhà CT6 đã được sử dụng làm nơi vui chơi cho trẻ em.

Đến khu vực quận Cầu Giấy, có thể coi đây là địa phương dẫn đầu Hà Nội trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư các khu vui chơi cho trẻ em. Tại nhiều phường trên địa bàn, nhờ sự quan tâm của chính quyền và người dân, một số khu đất xen kẹt hoặc những mảnh sân chung trong các khu tập thể đã trở thành điểm vui chơi cho các cháu nhỏ. Điển hình là khu Trung Kính Hạ (phường Trung Hòa), có một mảnh đất trống hơn 2.000m2.

Tháng 8/2013, Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy đã đầu tư hạ tầng, san nền, lát gạch, trồng cây xanh, xây hàng rào xung quanh và kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ trang thiết bị vui chơi, làm thảm cỏ nhân tạo trên diện tích hơn 400m2. Tổng mức đầu tư khu vui chơi này là hơn 2,7 tỷ đồng.

Các trang thiết bị vui chơi đều là hàng tốt, bền, đẹp, phù hợp với nhu cầu, an toàn lâu dài cho trẻ nhỏ. Sân chơi này được các hộ dân nhiệt tình ủng hộ, cùng bảo vệ, giữ gìn tài sản chung.

Trên địa bàn quận Cầu Giấy, hàng loạt khu vui chơi đã được đầu tư trong các cụm dân cư, đem lại “làn gió mới,” niềm vui cho trẻ em nơi đây, góp phần quan trọng đáp ứng quyền vui chơi của trẻ.

Có thể kể đến như nhà văn hóa phường Dịch Vọng Hậu; nhà văn hóa phường Mai Dịch; sân chơi tổ 24, tổ 27 phường Trung Hòa; sân chơi khu A10, A11 phường Nghĩa Tân.

Đặc biệt, những đồi cỏ nhân tạo tại công viên Cầu Giấy và công viên Nghĩa Đô, được đầu tư nhiều trang thiết bị đồ chơi hiện đại, đưa vào khai thác từ năm 2012 đến nay không chỉ tạo sân chơi cho trẻ em khu vực lân cận, mà còn là điểm đến hấp dẫn của trẻ em những khu vực khác trong Thủ đô.

Bà Ninh Thị Hồng (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam ) cho rằng: Thiếu sân chơi cho trẻ em một phần thể hiện sự nghèo nàn về văn hóa, mặt khác cho thấy chất lượng cuộc sống thấp. Việc tổ chức không gian vui chơi nằm ngay trong khu dân cư là cần thiết, bởi trẻ em phải được tiếp cận sân chơi vài giờ mỗi ngày để phát triển toàn diện thể chất và tinh thần.

Từ thực tế trên cho thấy, ở đâu có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và người dân thì ở đó trẻ em sẽ có sân chơi và điểm vui chơi an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục