Đền Hùng đất thiêng cội nguồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Thời gian qua, nhờ được đầu tư tu bổ, tôn tạo nên Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ, đã trở thành một quần thể di tích khang trang, xứng tầm là nơi cội nguồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Đền Hùng đất thiêng cội nguồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ảnh 1Dâng bánh chưng, bánh giầy lên các Vua Hùng. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Cùng với sự phát triển của đất nước, những năm qua, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo xứng tầm là nơi cội nguồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đồng thời tạo nên một di tích quốc gia đặc biệt.

Ông Lưu Quang Huy, Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cho biết nhờ được đầu tư tu bổ, tôn tạo nên hiện nay Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã trở thành một quần thể di tích khang trang, bề thế hơn nhiều so với 10 năm về trước.

Chỉ tính riêng trong hai năm 2013, 2014, Khu di tích đã thực hiện tôn tạo, tu bổ một số công trình như mở rộng khuôn viên sân vườn Đền Thượng, tôn tạo cảnh quan sân vườn Đền Hạ, cải tạo toàn bộ hệ thống đường và bậc trong núi Nghĩa Lĩnh. Khởi công, tu bổ, tôn tạo chùa Thiền Quang; trồng, bảo vệ và phát triển rừng Quốc gia Đền Hùng; trồng bổ sung các loại cây bản địa, cây bóng mát, cây cảnh và các lớp thảm thực vật tại khuôn viên các khu vực trong Khu Di tích tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp và trang nghiêm hơn.

Cùng với đó là việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật như trục hành lễ, bãi đỗ xe P2 thuộc dự án trung tâm lễ hội, nhà làm việc Khu Di tích; sửa chữa, nâng cấp hệ thống phát thanh, bảng điện tử, hệ thống chiếu sáng, đường cấp nước, biển báo chỉ dẫn giao thông….

Tất cả các công trình, hạng mục trên đã làm cho cảnh quan khu di tích mang một diện mạo mới, góp phần tạo thuận lợi cho nhân dân khi hành hương về Đền Hùng.

Để kịp thời phục vụ du khách về trẩy hội Đền Hùng năm 2015, mới đây nhất, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo Chùa Thiên Quang và cảnh quan khu vực Đền Hạ đã được tỉnh Phú Thọ phê duyệt từ cuối năm 2012 với mức đầu tư hơn 67 tỷ đồng bao gồm các hạng mục như tu bổ chùa Thiên Quang, phục hồi nhà Tổ và hai dãy hành lang; tu bổ chùa Tam Quan, nội thất, đồ thờ, sân vườn, đường nội bộ khu vực chùa Thiên Quang, khu vực Đền Hạ…

Khu di tích cũng đã khánh thành công trình cải tạo đường, bậc lên xuống các đền tại núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Đây là một trong những công trình ý nghĩa nhằm giúp du khách thập phương đi lại thuận lợi hơn khi về Giỗ tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng.

Tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, nhiều công trình khác cũng đã được đầu tư để đảm bảo không gian văn hóa của khu di tích, đồng thời phục vụ nhu cầu của nhân dân khi về với đất Tổ.

Dự án Khu vực ngã năm đền Giếng đã hoàn thành phần hồ nước, các kiốt, đường dạo, sân vườn và hạ tầng kỹ thuật.

Cũng trong khu vực này, công trình nhà chụp ảnh nghệ thuật, nhà trưng bày nghệ thuật cũng đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.

Dự án Trung tâm lễ hội với các hạng mục sân trước cổng đền, trung tâm lễ hội đã được xây dựng xong phần sân lễ hội, khán đài, bảng thông tin điện tử, nhà vệ sinh, đường điện từ đồi Công Quán lên đền Thượng, cải tạo cảnh quan từ ngã năm đền Giếng đến hồ Gò Cong, bãi đỗ xe đồi Mui Rùa.

Một trong những công trình được quan tâm xây dựng nữa là bãi đỗ xe rộng 7,5ha ở phía Quốc lộ 32C, bãi đỗ xe số 2 đã được hoàn thành đưa vào sử dụng kịp thời phục vụ người dân khi về với Lễ hội đền Hùng, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu bãi gửi xe ở những mùa lễ hội truớc…

Theo Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng Lưu Quang Huy, từ năm 2010 đến nay, nguồn vốn phân bổ cho các dự án thuộc Khu di tích Đền Hùng khoảng trên 700 tỷ đồng, trong đó có hơn 100 tỷ đồng là nguồn tiền của nhân dân đóng góp và công đức.

Năm 2015, Khu di tích tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án công chính vào khu Trung tâm lễ hội, cải tạo cảnh quan một số công trình vành đai khu di tích…

Khác với việc xây dựng, sửa chữa các công trình dân dụng, việc tu bổ di tích là một lĩnh vực khoa học đặc thù. Để thực hiện tốt, đòi hỏi những người thực hiện dự án phải có kiến thức và có sự phối hợp của nhiều ngành khoa học vì dự án còn mang tính bảo tồn lịch sử, văn hóa.

Chất lượng, tính khoa học của công trình phụ thuộc vào trình độ chuyên ngành của người thiết kế và thi công.

Một yếu tố quan trọng nữa chi phối chất lượng công trình tu bổ di tích là vật liệu kiến trúc. Các công trình tu bổ, xây dựng các đền, chùa tại Di tích lịch sử Đền Hùng đều là những vật liệu có chất lượng cao, được sản xuất bằng công nghệ truyền thống, vì vậy, đã tạo nên những công trình kiến trúc đẹp, bền vững.

Nhìn lại mốc thời gian kể từ khi có quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng Đền Hùng của Thủ tướng Chính phủ (năm 2004) đến nay đã hơn 10 năm, với sự chung tay, hợp sức của Đảng, Nhà nước, và các tầng lớp nhân dân, công tác tu bổ tôn tạo di tích lịch sử Đền Hùng đã được triển khai thực hiện tích cực và hiệu quả.

Đền Hùng vẫn bảo tồn được những nét cổ kính và không gian lễ hội đặc sắc, cùng với đó, tại Khu di tích đã có thêm nhiều hạng mục công trình văn hóa mới, các cơ sở hạ tầng và cảnh quan môi trường được đầu tư khang trang,thu hút đông đảo du khách về chiêm bái.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã được quan tâm đầu tư xứng tầm; các nơi thờ tự trang nghiêm, có không gian rộng mở thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên, đồng thời đáp ứng mong mỏi của du khách thập phương khi đến Đền Hùng.

Đặc biệt, công tác tổ chức lễ hội ngày càng chuyên nghiệp, duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống, an ninh trật tự được đảm bảo đã tạo thành công cho mỗi mùa lễ hội, thể hiện lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên của mỗi người con đất Việt./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục