Đền Hùng - Điểm đến tâm linh của người Việt

Gần đến ngày chính Giỗ tổ Đền Hùng (10/3 âm lịch), những chuyến xe khách, hàng đoàn xe máy từ mọi miền trên cả nước đổ về Đền Hùng.
Gần đến ngày chính Giỗ tổ Đền Hùng (10/3 âm lịch), những chuyến xe khách, hàng đoàn xe máy từ mọi miền trên cả nước đổ về Đền Hùng (thành phố Việt Trì-Phú Thọ), kinh đô của thời đại Hùng Vương.

Điểm đến tâm linh

Anh Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hanoi Redtour nhận định, dịp Lễ hội Đền Hùng sẽ thu hút rất đông du khách. Những năm gần đây, nhu cầu đầu xuân ra Bắc du lịch kết hợp đi lễ, cầu bình an của người dân các tỉnh phía Nam ngày càng tăng. Nếu như cách đây 4-5 năm, chùa Hương là sự lựa chọn hàng đầu thì trong ba năm lại đây, du khách miền Nam lại chọn các điểm đến như Đền Hùng, Yên Tử và gần đây nữa là chùa Bái Đính.

Đối với Lễ hội Đền Hùng năm nay, Nhà nước đã xác định đây là ngày Quốc giỗ, nghi lễ chính thức của Đảng, Nhà nước, được tuyên truyền rất nhiều, lại là ngày nghỉ chính thức, nên càng thu hút được sự quan tâm của du khách.

Theo nhận định của các hãng lữ hành, đối với khách các tỉnh phía Bắc, do cự ly vừa phải nên khách chủ yếu đi lễ theo hình thức tự tổ chức và chỉ lựa chọn một điểm là Đền Hùng. Trong khi đó, đối với các tỉnh phía Nam, khách sẽ kết hợp đi lễ tại Đền Hùng với việc tham quan các danh thắng miền Bắc như Hà Nội, Sa Pa, Hạ Long (sẽ thêm Yên Tử), Tam Cốc-Bích Động (sẽ thêm đi lễ tại chùa Bái Đính).

Dịp Giỗ Tổ năm nay được nghỉ ba ngày, là một trong những dịp cao điểm của du lịch, do vậy, tất cả các dịch vụ đều căng, đặc biệt là vé máy bay cho du khách các tỉnh miền Trung và miền Nam ra Bắc.

Ông Hoan nhận xét, cơ sở hạ tầng dịch vụ, đặc biệt là khách sạn tại khu vực Đền Hùng, thành phố Việt Trì còn rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu. Tuy vậy, điều lo lắng nhất là tình trạng tắc đường. Sẽ có một lượng lớn xe đổ về Phú Thọ trong những ngày này nên tắc đường rất dễ xảy ra. Lễ hội Đền Hùng sẽ diễn ra từ 1-10/3 âm lịch, do vậy khách đến vào những ngày đầu sẽ đỡ căng thẳng hơn.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Vietravel, đơn vị có tiếng “gom khách lẻ” cho biết, từ tháng Ba, công ty đã triển khai chương trình tour hướng về Đất Tổ này và thu được kết quả rất khả quan. Lượt khách du lịch theo các tuyến đến Đền Hùng chiếm khoảng 15% trong tổng số khách tham gia tour trong và ngoài nước trong dịp này. Tour đang được du khách quan tâm là Hà Nội-Đền Hùng-Hạ Long-Yên Tử (4 ngày).

Dù vậy, đại diện Vietravel cũng khuyến cáo, thông thường vào các dịp lễ, giá dịch vụ tại các điểm diễn ra sự kiện, lễ hội thường tăng từ 150-200% so với ngày thường, vì vậy để có một chuyến tham quan vui và tiết kiệm, du khách nên đặt dịch vụ tour tại các công ty du lịch uy tín. Đồng thời, lượng khách về Đền Hùng dịp chính hội rất đông nên để không bị kẻ xấu lợi dụng trộm cắp, du khách cần chú ý giữ gìn tư trang, không mang nữ trang (kể cả hàng si mạ).

Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Thế hệ trẻ, đồng thời là Phó trưởng nhóm kích cầu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, phần đông người dân Thành phố Hồ Chí Minh từ trước đến nay thường đi viếng tại Đền thờ các vị Vua Hùng tại Thảo Cầm Viên. Gần đây, khu du lịch Suối Tiên cũng đầu tư một đền thờ trong khuôn viên và hàng năm tổ chức rất quy mô. Một số quận trong thành phố như Gò Vấp, Bình Thạnh cũng có Đền thờ Vua Hùng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng thờ Tổ của người Việt.

Như vậy, trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, nói riêng về du lịch, khách trong Nam sẽ tập trung vào những tour ngắn ngày vừa đi lễ, vừa đi tham quan khu du lịch Đại Nam và Suối Tiên. Du khách nào có điều kiện ra Bắc sẽ ghé qua Phú Thọ.

Công ty Thế hệ trẻ cũng tổ chức ba đoàn ra miền Bắc kết hợp đi Đền Hùng nhưng đến trước ngày chính hội, bởi theo nhận định của người điều hành tour, ngày 10/3 âm lịch sẽ rất đông.

Lượng khách tăng

Có mặt tại thành phố Việt Trì dịp này, mọi người sẽ cảm nhận sự gia tăng đột biến về lưu lượng người, phương tiện hướng về Đền Hùng. Từ 17/4 (4/3 âm lịch), do là ngày cuối tuần, du khách quanh vùng về Đền Hùng đông nườm nượp. Các chuyến xe khách luôn lấy cớ là ngày lễ để nhồi nhét khách. Xe ôtô 30 chỗ luôn phải tải tới 40-45 khách/xe. Dòng xe đổ về Đền Hùng xếp thành hàng dài qua cầu Việt Trì.

Trên đường từ cổng chính lên đền Hạ, chúng tôi gặp bà Tâm, năm nay đã ngoài 80 tuổi cùng các con cháu đi tour theo hình thức nhóm gia đình vừa từ Tiền Giang ra thăm Đất Tổ. Dù phải leo hàng trăm bậc thang nhưng khuôn mặt bà cụ lộ rõ sự phấn khởi. Cụ Tâm tâm sự: “Vượt cả ngàn cây số đến nơi thờ Tổ, tôi phải thăm, bái lạy hết các đền. Có như vậy khi nhắm mắt xuôi tay về với các cụ cũng thỏa nguyện...”

Còn hai vợ chồng ông bà Nguyễn Đức Chính ở quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã ngoài 60 tuổi cũng vừa bắt chuyến tàu hôm trước ra thăm anh em ở miền Bắc, rồi thuê xe đến Đền Hùng thắp nén hương bái vọng tổ tông. Ông Chính cho biết: “Lá rụng về cội. Lúc về già nghĩ đến nguồn gốc tổ tông mà đau đáu cõi lòng. Giờ mới thỏa ước nguyện."

Đó là tâm tư của rất nhiều người đứng tuổi khi về với cội nguồn. Chính vì vậy, nhu cầu về thăm Đất Tổ rất lớn dịp này. Theo Khu di tích lịch sử Đền Hùng, từ ngày 14-18/4 (tức ngày 1-5/3 âm lịch), đã có khoảng 1,5 triệu lượt người về Đền Hùng, trong đó hai ngày 17-18/4 (thứ bảy và chủ nhật), lượng khách lên đến hàng vạn lượt người, đông hơn những năm trước khoảng 30%. Dự kiến, lượng khách đến với lễ hội ngày cao điểm có thể lên tới 30 vạn lượt, và tổng số lượt người đến lễ hội là khoảng 5 triệu lượt khách.

Theo nhận định của các doanh nghiệp lữ hành, khách đến Đền Hùng chủ yếu là để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tham quan khu di tích lịch sử; trong khi các sản phẩm du lịch khác như vui chơi, cắm trại vẫn còn rất mờ nhạt nên khó lưu giữ chân du khách. Xét trên khía cạnh thuần túy về du lịch, Phú Thọ đã làm tốt công tác “thu hút khách," nhưng chưa có nhiều chiêu khiến du khách “tiêu tiền” mua các sản vật của địa phương, giữ chân khách./.

Xuân Cường (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục