Trong không khí tưng bừng đón Tết Canh Dần, đất trời như vui cùng lễ hội, chúng tôi về phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam)-Di sản văn hóa thế giới. Nơi đây đã thực sự thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế với nhiều loại hình và sản phẩm du lịch hết sức đặc sắc.
Trên đường phố Bạch Đằng, những ngày đầu năm, chúng tôi gặp anh Lee Stamm, sinh viên năm thứ 4 Đại học Lâm nghiệp News South Wales - Australia, cùng bạn gái là Annalies Bayles đến Hội An tham gia chương trình "Một ngày làm cư dân phố cổ". Lee nói: "Tôi tiếp cận được thông tin về tour này qua một tờ rơi quảng cáo du lịch. Thật ngạc nhiên vì nó mới và hay quá!"
Tham gia chương trình, bắt đầu 8 giờ sáng, Lee được hướng dẫn viên của Trung tâm Lữ hành Hội An đưa đến làng rau truyền thống Trà Quế-Cẩm Hà, còn bạn gái Annalies vào phố cổ để học cách làm đèn lồng.
Gia đình anh Sáu và chị Ca là cư dân địa phương đã đón Lee với thái độ hết sức mến khách. Trong 30 phút, họ giới thiệu về lịch sử của làng cùng mọi thông tin chi tiết về diện tích canh tác, đặc điểm sản phẩm, số lao động,, thu nhập bình quân của mỗi lao động... Sau đó, Lee đi tham quan các nơi để có cái nhìn khái quát, rồi bắt đầu tham gia lao động cùng cư dân bản địa.
Chủ cùng khách cuốc đất, cào tơi, bón lót bằng phân và rong lấy trên sông Cổ Cò để trồng cây cải con. Nửa buổi, gia đình anh Sáu nướng ngô trái để ăn ngay trên thửa đất vừa xới. Sau khi thưởng thức mùi thơm và vị ngọt của ngô tươi nướng, Lee được hướng dẫn các phương pháp làm đất trước khi trồng cây. Công việc diễn ra chậm rãi, nhưng có rất nhiều tiếng cười sảng khoái của người học việc và cả gia chủ. Chuẩn bị cho buổi ăn trưa, mọi người cùng tham gia chế biến các món ăn dân dã như canh trái khổ qua và "tôm hữu".
Lee đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi ăn món "tôm hữu" được hoàn thành với chất liệu và hương vị chủ yếu là từ rau. "Tôm hữu" là món ăn đặc sản ở làng Trà Quế đã có lịch sử hơn 500 năm. Sau giấc ngủ trưa trên chiếc võng, Lee chọn cây giống và trồng cải, tưới nước...; tiếp theo khách được các chủ nhân làng nghề đưa sang những luống cải đã đến kỳ thu hoạch để nhổ và bó thành từng bó để mang đi bán.
Cuối ngày, Lee không giấu được cảm xúc khi nói: "Mỗi bó cải xanh tươi như thế giá chỉ có 500 đồng. Người dân thật sự vất vả nhưng không thiếu niềm tin. Còn tôi, để được gần gũi và làm nông dân cùng những người bạn thân thiện ở đây, tôi chỉ phải trả 25 USD. Điều tuyệt vời hơn nữa là tôi nhận rất nhiều hoa được trồng ngay tại đây để tặng bạn gái trong ngày đầy ý nghĩa này!"
Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đã khảo sát để thực hiện ý tưởng khá lãng mạn này. Trung tâm xúc tiến du lịch Quảng Nam đã chính thức khởi động tour "Một ngày làm cư dân phố cổ" gồm 3 chương trình: Một ngày làm cư dân làng rau Trà Quế; ngư dân làng chài Thanh Nam và nghệ nhân sản xuất đèn lồng. Ba đơn vị được phép khai thác tour là Công ty Đầu tư và Du lịch Quảng Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn An Phú và Công ty Du lịch-Dịch vụ Hội An.
Đơn vị đầu tiên triển khai thực hiện là Công ty Du lịch-Dịch vụ Hội An. Bà Võ Thị Thu, Giám đốc công ty cho biết sau khi tiến hành khảo sát, công ty đã chính thức lập chương trình để quảng bá và báo giá tour. Theo đó, một ngày làm nghệ nhân sản xuất đèn lồng trong khu phố cổ cho đoàn khách 1-4 người, giá mỗi khách là 30 USD. Đối với 2 làng nghề rau Trà Quế và làng cá Thanh Nam, giá mỗi khách là 25 USD.
Du khách sẽ được tiếp cận những phương thức sản xuất bảo lưu tất cả các yếu tố truyền thống hình thành từ 5 thế kỷ qua; được giao tiếp và thực hiện mọi thao tác lao động, có cơ hội được chia sẻ cùng cư dân phố cổ những tâm tình cũng như suy nghĩ về cuộc sống.
Để chuẩn bị cho tour này, công ty đã mời nhiều nghệ nhân của các làng nghề làm cố vấn, phối hợp với ban dân chính thôn, chọn 5 gia đình trực tiếp lao động và có khả năng hướng dẫn du khách cùng thực hiện. Bên cạnh đó, còn tổ chức điều tra, sưu tầm kinh nghiệm và dụng cụ sản xuất, cùng với ngành du lịch Hội An trưng bày ngay tại làng nghề để du khách có cơ hội tìm hiểu sâu hơn các giá trị của nó.
Anh Tăng Ngọc Thu, chủ cơ sở sản xuất lồng đèn Hội An, tại số 190 đường Trần Phú cho biết cơ sở của anh được Công ty Du lịch-Dịch vụ Hội An chọn để thực hiện tour. Anh rất mừng khi cùng với những người nước ngoài chế tác một chiếc đèn lồng từ khâu ngâm, vót tre, đan sườn, dán vải cho đến trang trí hoàn thiện sản phẩm. Du khách rất thích thú, thậm chí có người bị xướt tay chảy máu mà vẫn vui. Anh thực sự phấn khởi vì có cơ hội để truyền đạt những kinh nghiệm về nghề truyền thống quý báu này.
Hiện nay, Trung tâm lữ hành Hội An đang tiếp tục quảng bá và đã gửi chương trình đến 100 hãng lữ hành trong nước và quốc tế. Ông Phan Chí, Giám đốc công ty cho biết đã có kế hoạch xây dựng thêm 3 chương trình mới. Đó là làm nghệ nhân của làng dệt Mã Châu-Duy Xuyên; làm bánh tráng ở Cẩm Châu và làm bánh ít trong đô thị cổ. Hiện số lượng du khách và các đối tác có nhu cầu tham gia đang tăng cao, hơn nữa đây là tour hoàn toàn mới và có sức thu hút lớn.
Chị Sugisaki Konokuma ở thành phố Yokohama-Nhật Bản vừa tham gia chương trình cho biết, chị rất bất ngờ với những phương pháp xới đất, gieo hạt... tỉ mỉ ở làng rau Trà Quế. Có lẽ, sự cần mẫn và cả mồ hôi mới cho ta ngọn rau xanh tươi đến thế. Chị tự hào được đóng vai cư dân Hội An, được uống bát nước chè xanh cùng người nông dân. Nhưng một ngày là quá ngắn so với sự lao nhọc ở đây. Chị xin cám ơn những ý tưởng khá độc đáo của người tổ chức.
Thực tế, các tour du lịch làng nghề là sản phẩm không phải mới của ngành du lịch nước ta, nhưng "Một ngày làm cư dân phố cổ" là một cuộc thám hiểm khá lý thú của du khách về những giá trị truyền thống của làng nghề. Du khách không "cưỡi ngựa xem hoa" mà trực tiếp tham gia công việc, hoà mình vào nhịp sống yên bình tuy còn nhiều vất vả của người lao động. Vì vậy, "Một ngày làm cư dân phố cổ" là một sản phẩm có tính sáng tạo độc đáo và mới lạ. Nó góp phần đa dạng hoá các loại hình dịch vụ du lịch, tạo nên những sản phẩm riêng chỉ có ở Hội An. Tour này còn là một trong những hình thức gìn giữ và phát triển khá hiệu quả những giá trị văn hoá truyền thống ở Hội An./.
Trên đường phố Bạch Đằng, những ngày đầu năm, chúng tôi gặp anh Lee Stamm, sinh viên năm thứ 4 Đại học Lâm nghiệp News South Wales - Australia, cùng bạn gái là Annalies Bayles đến Hội An tham gia chương trình "Một ngày làm cư dân phố cổ". Lee nói: "Tôi tiếp cận được thông tin về tour này qua một tờ rơi quảng cáo du lịch. Thật ngạc nhiên vì nó mới và hay quá!"
Tham gia chương trình, bắt đầu 8 giờ sáng, Lee được hướng dẫn viên của Trung tâm Lữ hành Hội An đưa đến làng rau truyền thống Trà Quế-Cẩm Hà, còn bạn gái Annalies vào phố cổ để học cách làm đèn lồng.
Gia đình anh Sáu và chị Ca là cư dân địa phương đã đón Lee với thái độ hết sức mến khách. Trong 30 phút, họ giới thiệu về lịch sử của làng cùng mọi thông tin chi tiết về diện tích canh tác, đặc điểm sản phẩm, số lao động,, thu nhập bình quân của mỗi lao động... Sau đó, Lee đi tham quan các nơi để có cái nhìn khái quát, rồi bắt đầu tham gia lao động cùng cư dân bản địa.
Chủ cùng khách cuốc đất, cào tơi, bón lót bằng phân và rong lấy trên sông Cổ Cò để trồng cây cải con. Nửa buổi, gia đình anh Sáu nướng ngô trái để ăn ngay trên thửa đất vừa xới. Sau khi thưởng thức mùi thơm và vị ngọt của ngô tươi nướng, Lee được hướng dẫn các phương pháp làm đất trước khi trồng cây. Công việc diễn ra chậm rãi, nhưng có rất nhiều tiếng cười sảng khoái của người học việc và cả gia chủ. Chuẩn bị cho buổi ăn trưa, mọi người cùng tham gia chế biến các món ăn dân dã như canh trái khổ qua và "tôm hữu".
Lee đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi ăn món "tôm hữu" được hoàn thành với chất liệu và hương vị chủ yếu là từ rau. "Tôm hữu" là món ăn đặc sản ở làng Trà Quế đã có lịch sử hơn 500 năm. Sau giấc ngủ trưa trên chiếc võng, Lee chọn cây giống và trồng cải, tưới nước...; tiếp theo khách được các chủ nhân làng nghề đưa sang những luống cải đã đến kỳ thu hoạch để nhổ và bó thành từng bó để mang đi bán.
Cuối ngày, Lee không giấu được cảm xúc khi nói: "Mỗi bó cải xanh tươi như thế giá chỉ có 500 đồng. Người dân thật sự vất vả nhưng không thiếu niềm tin. Còn tôi, để được gần gũi và làm nông dân cùng những người bạn thân thiện ở đây, tôi chỉ phải trả 25 USD. Điều tuyệt vời hơn nữa là tôi nhận rất nhiều hoa được trồng ngay tại đây để tặng bạn gái trong ngày đầy ý nghĩa này!"
Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đã khảo sát để thực hiện ý tưởng khá lãng mạn này. Trung tâm xúc tiến du lịch Quảng Nam đã chính thức khởi động tour "Một ngày làm cư dân phố cổ" gồm 3 chương trình: Một ngày làm cư dân làng rau Trà Quế; ngư dân làng chài Thanh Nam và nghệ nhân sản xuất đèn lồng. Ba đơn vị được phép khai thác tour là Công ty Đầu tư và Du lịch Quảng Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn An Phú và Công ty Du lịch-Dịch vụ Hội An.
Đơn vị đầu tiên triển khai thực hiện là Công ty Du lịch-Dịch vụ Hội An. Bà Võ Thị Thu, Giám đốc công ty cho biết sau khi tiến hành khảo sát, công ty đã chính thức lập chương trình để quảng bá và báo giá tour. Theo đó, một ngày làm nghệ nhân sản xuất đèn lồng trong khu phố cổ cho đoàn khách 1-4 người, giá mỗi khách là 30 USD. Đối với 2 làng nghề rau Trà Quế và làng cá Thanh Nam, giá mỗi khách là 25 USD.
Du khách sẽ được tiếp cận những phương thức sản xuất bảo lưu tất cả các yếu tố truyền thống hình thành từ 5 thế kỷ qua; được giao tiếp và thực hiện mọi thao tác lao động, có cơ hội được chia sẻ cùng cư dân phố cổ những tâm tình cũng như suy nghĩ về cuộc sống.
Để chuẩn bị cho tour này, công ty đã mời nhiều nghệ nhân của các làng nghề làm cố vấn, phối hợp với ban dân chính thôn, chọn 5 gia đình trực tiếp lao động và có khả năng hướng dẫn du khách cùng thực hiện. Bên cạnh đó, còn tổ chức điều tra, sưu tầm kinh nghiệm và dụng cụ sản xuất, cùng với ngành du lịch Hội An trưng bày ngay tại làng nghề để du khách có cơ hội tìm hiểu sâu hơn các giá trị của nó.
Anh Tăng Ngọc Thu, chủ cơ sở sản xuất lồng đèn Hội An, tại số 190 đường Trần Phú cho biết cơ sở của anh được Công ty Du lịch-Dịch vụ Hội An chọn để thực hiện tour. Anh rất mừng khi cùng với những người nước ngoài chế tác một chiếc đèn lồng từ khâu ngâm, vót tre, đan sườn, dán vải cho đến trang trí hoàn thiện sản phẩm. Du khách rất thích thú, thậm chí có người bị xướt tay chảy máu mà vẫn vui. Anh thực sự phấn khởi vì có cơ hội để truyền đạt những kinh nghiệm về nghề truyền thống quý báu này.
Hiện nay, Trung tâm lữ hành Hội An đang tiếp tục quảng bá và đã gửi chương trình đến 100 hãng lữ hành trong nước và quốc tế. Ông Phan Chí, Giám đốc công ty cho biết đã có kế hoạch xây dựng thêm 3 chương trình mới. Đó là làm nghệ nhân của làng dệt Mã Châu-Duy Xuyên; làm bánh tráng ở Cẩm Châu và làm bánh ít trong đô thị cổ. Hiện số lượng du khách và các đối tác có nhu cầu tham gia đang tăng cao, hơn nữa đây là tour hoàn toàn mới và có sức thu hút lớn.
Chị Sugisaki Konokuma ở thành phố Yokohama-Nhật Bản vừa tham gia chương trình cho biết, chị rất bất ngờ với những phương pháp xới đất, gieo hạt... tỉ mỉ ở làng rau Trà Quế. Có lẽ, sự cần mẫn và cả mồ hôi mới cho ta ngọn rau xanh tươi đến thế. Chị tự hào được đóng vai cư dân Hội An, được uống bát nước chè xanh cùng người nông dân. Nhưng một ngày là quá ngắn so với sự lao nhọc ở đây. Chị xin cám ơn những ý tưởng khá độc đáo của người tổ chức.
Thực tế, các tour du lịch làng nghề là sản phẩm không phải mới của ngành du lịch nước ta, nhưng "Một ngày làm cư dân phố cổ" là một cuộc thám hiểm khá lý thú của du khách về những giá trị truyền thống của làng nghề. Du khách không "cưỡi ngựa xem hoa" mà trực tiếp tham gia công việc, hoà mình vào nhịp sống yên bình tuy còn nhiều vất vả của người lao động. Vì vậy, "Một ngày làm cư dân phố cổ" là một sản phẩm có tính sáng tạo độc đáo và mới lạ. Nó góp phần đa dạng hoá các loại hình dịch vụ du lịch, tạo nên những sản phẩm riêng chỉ có ở Hội An. Tour này còn là một trong những hình thức gìn giữ và phát triển khá hiệu quả những giá trị văn hoá truyền thống ở Hội An./.
Tri Phương (Vietnam+)