Đến với không gian lễ hội “Âm vang đại ngàn” ở Tây Nguyên

Đồng bào và du khách được chìm đắm trong không gian truyền thống tại lễ hội "Âm vang đại ngàn" và trải nghiệm miễn phí sản phẩm, dịch vụ của Viettel.
Đến với không gian lễ hội “Âm vang đại ngàn” ở Tây Nguyên ảnh 1Đồng bào bị cuốn hút với bộ tính năng buôn làng của Viettel. (Ảnh: VT)

Trong hai ngày 26 và 27/4/2014, tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã diễn ra lễ hội “Âm vang đại ngàn” do Tổng Công ty Viễn thông quân đội Viettel (Viettel Telecom) phối hợp Ủy ban Dân tộc tổ chức, thu hút hơn 1.000 già làng, trưởng bản, nghệ nhân cùng hàng chục nghìn lượt đồng bào dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên và du khách.

Đến với Tây Nguyên thời điểm này, du khách vẫn được nhìn ngắm những bông cà phê cuối mùa trắng muốt còn sót lại. Nét đặc trưng Tây Nguyên mùa này là những đàn bướm hàng vạn con bay rợp trời, bướm bay lượn trên những vườn cà phê bắt đầu đậu quả. Bướm đậu lũng lẳng trên những khóm hoa dại ven đường tạo nên một khung cảnh Ban Mê thơ mộng, đắm say lòng người.

Trong cảnh sắc tuyệt đẹp ấy, bà con và du khách đến tham dự lễ hội “Âm vang đại ngàn” đã được dịp đắm mình trong không gian huyền thoại của xứ sở cao nguyên đất đỏ, được nghe những âm thanh vang vọng ngàn đời từ núi rừng trong màn biểu diễn cồng chiêng của các nghệ nhân gạo cội.

Ngoài ra, đồng bào và khách du lịch tham dự lễ hội còn được thưởng thức các màn trình diễn trang phục dân tộc; triển lãm ảnh, vật phẩm văn hóa, công cụ lao động; thi đấu; trình diễn trò chơi dân tộc; hội chợ ẩm thực…

Điểm nhấn đặc biệt của Lễ hội chính là chương trình giao lưu nghệ thuật mang đậm sắc màu văn hóa Tây nguyên với sự tham gia biểu diễn của 5 đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng.

Trong khuôn khổ lễ hội, Viettel Telecom đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức hoạt động khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho các già làng, trưởng bản 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Nông) và bà con đồng bào dân tộc tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Đã có 200 già làng, trưởng bản và 100 đồng bào thiểu số đã được các bác sĩ khám bệnh tổng quát và tư vấn sức khỏe miễn phí. Bác sĩ Nguyễn Văn Bảo Toàn, Phó khoa Khám bệnh Hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, Ban tổ chức đã chuẩn bị 26 danh mục thuốc điều trị các dạng bệnh thường gặp tại địa phương để cấp miễn phí cho đồng bào sau khi có kết quả khám bệnh.

Cũng trong khuôn khổ lễ hội “Âm vang đại ngàn”, bà con dân tộc thiểu số còn được trải nghiệm miễn phí các sản phẩm, dịch vụ của Viettel, trong đó có Bộ tính năng Tomato Buôn làng. Đây là sản phẩm được thiết kế dựa trên những nghiên cứu sâu sắc về tập quán văn hóa và sinh hoạt của đồng bào.

Ngay từ khi ra đời, Bộ tính năng Tomato Buôn làng đã được sự đón nhận của đông đảo bà con và đạt gần hai triệu thuê bao chỉ sau một năm cung cấp. Ngoài ra, bà con còn được hướng dẫn sử dụng các dịch vụ viễn thông vào mục đích phát triển kinh tế hộ gia đình và tham gia vào nhiều trò chơi đố vui với những phần thưởng có giá trị cao.

Đến với không gian lễ hội “Âm vang đại ngàn” ở Tây Nguyên ảnh 2Trải nghiệm dịch vụ miễn phí của nhà mạng. (Ảnh: VT)

Thống kê của Viettel cũng cho thấy, tính năng gọi lên tổng đài 3334 (Tổng đài hướng dẫn nông nghiệp, tin tức tổng hợp hàng tuần, kể chuyện, nghe nhạc bằng tiếng dân tộc phát 24h/24h) được bà con sử dụng nhiều nhất với gần 300.000 cuộc gọi chỉ trong tháng 1/2014. Điều này chứng tỏ tổng đài của Viettel thực sự phát huy được thế mạnh trong việc cung cấp kiến thức giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Mặt khác, các nội dung tin tức, kể chuyện, nghe nhạc bằng tiếng dân tộc cũng góp phần làm đa dạng đời sống tinh thần của bà con.

Ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao những đóng góp của Viettel Telecom nói chung, Chi nhánh Viettel Đắk Lắk nói riêng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiều năm qua. Mỗi năm, Chi nhánh Viettel Đắk Lắk đóng góp hàng chục tỷ đồng vào ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, Viettel còn triển khai nhiều hoạt động từ thiện, cộng đồng thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Ông Hiếu cũng cho rằng, việc tạo ra những lễ hội hoành tráng như “Âm vang đại ngàn” là hết sức cần thiết để giúp bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục