Đền Voi Phục, đền Quán Thánh đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt

Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt là sự vinh danh những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của “Thăng Long Tứ Trấn,” góp phần tạo dựng nét đặc sắc riêng của Thăng Long-Hà Nội.
Đền Voi Phục, đền Quán Thánh đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn - đền Voi Phục, đền Quán Thánh. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 29/5, quận Ba Đình (Hà Nội) đã long trọng đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt “Thăng Long Tứ trấn” - đền Voi Phục, đền Quán Thánh.

Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành phố Hà Nội cùng đông đảo nhân dân.

“Thăng Long Tứ trấn” gắn với việc ra đời của kinh đô Thăng Long thời nhà Lý, là nơi thờ bốn vị thần trấn giữ bốn phương huyết mạch, ngày đêm bảo vệ cho Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn được yên bình.

Đó là đền Bạch Mã trấn ở phía Đông, thờ thần Long Đỗ; đền Voi Phục trấn ở phía Tây, thờ thần Linh Lang Đại Vương; đền Kim Liên trấn ở phía Nam, thờ thần Cao Sơn Đại Vương và đền Quán Thánh trấn ở phía Bắc, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ.

Với giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hoá đó, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 93/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đợt 12 cho 5 di tích trên cả nước, trong đó có di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật “Thăng Long Tứ trấn.”

Sở hữu vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm, đền Voi Phục là một trong “Tứ trấn Thăng Long”. Ngôi đền là nơi thờ phụng thần Linh Lang - một nhân vật lịch sử đã có công giúp vua Lý Thánh Tông dẹp giặc Tống.

Là “Tây trấn chính từ”, đền Voi Phục tọa lạc ở phía Tây thành Thăng Long, nay là phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Ngôi đền nằm trên gò Long Thủ và được bao quanh giữa những tán cây cổ thụ xanh tốt.

Ngôi đền còn được gọi là đền Linh Lang được bản thần tích trại Thủ Lệ phản ánh xuất hiện vào đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072). Đức thần được thờ là Hoàng tử Linh Lang, có nguồn gốc là con của Long Vương thác sinh vào làm con một bà phi tên là Hạo nương của vua Lý Thánh Tông,. Đức thần đã có công giúp vua Lý Thánh Tông đánh giặc Trinh Vĩnh (giặc Tống). Sau khi mất, ngài còn hiển thánh giúp chúa Trịnh Tùng đánh dẹp nhà Mạc. Bản thần tích được Đông các Đại học sĩ ở Hàn Lâm viện soạn vào năm 1572 (niên hiệu Hồng Phúc nguyên niên).”

Tương truyền rằng, Linh Lang Đại vương sinh ra đã có diện mạo tuấn tú, khôi ngô, càng lớn lại càng tỏ rõ là chàng trai văn võ song toàn. Thời thơ ấu, hoàng tử sống cùng mẹ trong cung ở khu Thị Trại, ngày nay là phường Thủ Lệ. Lúc bấy giờ, đất nước rơi vào thế lâm nguy khi giặc Tống liên kết với quân Chiêm Thành lăm le xâm lược bờ cõi Đại Việt. Nhà vua xuống chiếu tìm nhân tài đánh giặc cứu nước.

Khi sứ giả đi ngang qua Thị Trại, hoàng tử Linh Lang đã nhờ sứ giả về tâu với vua xin một lá cờ hồng, một cây giáo và một thớt voi. Theo huyền tích được lưu truyền trong dân gian, sau khi nhận đủ phẩm vật vua ban, Linh Lang hoàng tử thét lớn: “Ta là thiên tướng” và ngay sau đó con voi phủ phục xuống để hoàng tử ngự lên. Trên lưng voi, hoàng tử Linh Lang chỉ đạo hơn năm nghìn binh mã đánh thẳng vào nơi đóng quân của giặc. Tiếng voi gầm, ngựa hí cùng khí thế hào hùng của quân ta đã khiến giặc Tống sợ hãi phải bỏ cả gươm giáo để chạy thoát thân.

Vậy nhưng không lâu sau chiến thắng vẻ vang đó, hoàng tử Linh Lang lâm bệnh nặng và qua đời. Nhà vua khi ấy vô cùng tiếc thương bèn phong hoàng tử Linh Lang làm Linh Lang Đại vương và cho lập đền thờ.

Từ đó, để lý giải cho tên đền Voi Phục, dân gian vẫn gắn liền ngôi đền thờ Linh Lang Đại Vương với sự tích con voi phủ phục khi nghe tiếng thét của hoàng tử. Ở cổng đền ngày nay vẫn còn giữ hai bức tượng voi phủ phục hai bên để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng đã đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ bờ cõi.

Ngôi đền có tiền đường ba gian hai dĩ, chính điện bày lỗ bộ, bên trái đặt trống đại, bên phải treo chuông đồng, hai đầu hiện có xây áp vào hai mái nhỏ che cặp ngựa tế hồng, bạch. Hậu cung thượng điện gồm ba gian, có bàn thờ với các pho tượng bằng gỗ và đồng. Mái đền chính được đắp lưỡng long trên nóc, bốn phía có các đầu đao cong vút mang hình rồng, phượng, lân, hổ. Hậu đường, cũng là nơi thờ mẫu thân của thần Linh Lang và Tam tòa Thánh Mẫu, gồm năm gian có cửa bức bàn với kèo cột làm bằng gỗ lim.

Một điều đặc biệt là các pho tượng đá từ thềm tam quan đến thềm hậu đường đều mô phỏng hình con cá sấu trước và trong khi hóa rồng.

Đền Voi Phục là một trong những địa điểm tâm linh được nhân dân hết mực tôn kính. Vào năm 1994, nhân dân Thủ Lệ đã quyên góp để đúc lại quả chuông cao 93cm, thân chia bốn múi và có đúc nổi dòng chữ “Tây trấn thượng đẳng.”

Đền Quán Thánh nằm tại phường Quán Thánh, quận Ba Đình, được xây dựng vào những năm đầu khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, trên gò Hồi Long phía Đông Bắc hồ Tây.

Đền Quán Thánh là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ - một vị thần trấn giữ hướng Bắc kinh thành Thăng Long. 

Năm 1823, Vua Minh Mạng đổi tên đền là Trấn Vũ Quán. Đến đời vua Thiệu Trị năm 1842, đổi tên là đền Quán Thánh như hiện nay. 

[Đón bằng xếp hạng Di tích QG đặc biệt Thăng Long tứ trấn-đền Kim Liên]

Theo tài liệu của Ban Quản lý đền Quán Thánh, tương truyền Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thiên thần trấn cửa Bắc môn thiên phủ vào thời nhà Tùy (năm 589-600) giáng sinh đầu thai làm con vua nước Tĩnh Lạc (Trung Quốc). Lớn lên, Huyền Thiên bỏ ngôi hoàng tử, vào tu ở núi Vũ Dương (Trung Quốc).

Sau 42 năm tu luyện, Huyền Thiên đắc đạo, sang du ngoạn nước ta, đến sông Nhị Hà, làng Long Đỗ (Hà Nội ngày nay) vào tu đạo tại một ngôi đền bên Hồ Tây, dùng đạo pháp khử trừ các loại yêu quái để cứu dân rồi hóa. Do đó, người dân nhớ ơn nên lập đền thờ tại phường Đồng Xuân, huyện Thọ Xương gọi là Huyền Thiên Quan.

Đền Voi Phục, đền Quán Thánh đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt ảnh 2Đền Quán Thánh, địa điểm tâm linh nổi tiếng Hà Nội, là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Cũng theo tài liệu của Ban Quản lý đền, còn một truyền thuyết nữa liên quan đến Huyền Thiên Trấn Vũ. Theo tài liệu này, vào đời Hùng Vương, tại rừng Thiết Lâm, làng Long Đỗ có hồ tinh 9 đuôi làm hại dân. Ngọc Hoàng sai thần Huyền Thiên hạ giáng, dùng phép thuật giết hồ tinh rồi cả khu Thiết Lâm sụp xuống thành hồ (tức là Hồ Tây ngày nay). Vì thế, Vua Lý Thái Tổ sau khi xây thành Thăng Long cho lập đền thờ Huyền Thiên ở phía tây bắc thành để trấn yêu quái.

Còn truyền thuyết Việt Nam cho rằng, Trấn Vũ là vị thần ở núi Sái (nay thuộc làng Thụy Lôi, huyện Đông Anh) có công giúp An Dương Vương trừ tà ma quấy rối việc xây thành Cổ Loa. Ông từng du ngoạn Hồ Tây và trừ hồ tinh chín đuôi lẩn quất ở núi đá cạnh hồ.

Là một ngôi đền với lối kiến trúc khá độc đáo, hằng năm đền Quán Thánh thu hút đông đảo người dân đến tham quan, trong đền có thờ một pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc vào năm 1677.

Bức tượng đồng đen Huyền Thiên Trấn Vũ cao 3,96 m, nặng 4 tấn. Tượng có đầu tròn, đội mũ ni, tai to, khuôn mặt đầy đặn với đôi mắt mở to, mũi cân phân, miệng ngậm, râu dài…Tượng toát lên vẻ uy nghi, đầy sức mạnh nhưng rất tinh tế ở các đường nét, có hồn và mang dáng vẻ riêng biệt. Trên mình tượng mặc áo đạo sĩ, ngồi trên một tảng đá lớn, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng vị rùa. Sở dĩ tượng cầm thanh kiếm chống lên lưng rùa và tay kiếm có rắn quấn quanh vì Trấn Vũ là vị thần nổi tiếng của Đạo giáo, có tài bắt quyết trừ ma, nhất là trong việc hàng phục rùa và rắn đã trở thành loài yêu quái.

Ngoài pho tượng đồng nổi tiếng trên, đền Quán Thánh còn có những đồ vật bằng đồng rất lớn khác như chiếc khánh đồng từ thời Tây Sơn, đôi đèn bằng đồng chạm trổ rất cầu kỳ, cùng vạc đồng, lư hương đồng… và 52 bộ hành phi câu đối từ các thời.

Đền được công nhận Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia đợt đầu năm 1962. Đặc biệt Bảo vật Quốc gia tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2016 càng khẳng định thêm giá trị lịch sử quý giá của di tích đền Quán Thánh.

Tại lễ đón bằng Di tích Quốc gia đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình Tạ Nam Chiến khẳng định Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt là sự ghi nhận, vinh danh những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của “Thăng Long Tứ Trấn” đã luôn vững bền, trường tồn cùng với thời gian, góp phần tạo dựng những nét độc đáo, đặc sắc riêng của mảnh đất Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Đây là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Ba Đình. Trải qua gần 20 năm liên tục, được gìn giữ, bồi đắp, tôn tạo và hoàn thiện bằng nguồn lực xã hội hoá, hàng chục di tích lịch sử của quận, trong đó có hai đền Voi Phục và Quán Thánh đã được hoàn thành với quy mô như ngày nay với tổng kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Đền Voi Phục, đền Quán Thánh đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt ảnh 3Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chia sẻ niềm vui với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Ba Đình, đồng thời đề nghị quận Ba Đình quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị những di tích lịch sử trên địa bàn.

Chủ tịch thành phố cũng nhấn mạnh quận cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ và phát huy các di tích quốc gia đặc biệt.

Đồng thời, quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và triển khai đồng bộ các giải pháp tu bổ, tôn tạo di tích có tính thường xuyên, lâu dài, nhằm tạo bước đột phá, lưu lại dấu ấn đậm nét đối với nhân dân Thủ đô, với du khách trong nước và quốc tế.

Ban quản lý di tích cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm cho di tích thực sự kiểu mẫu, văn minh để nơi đây xứng đáng là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi “Thăng Long Tứ Trấn”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục