Đến với Tây Nguyên

Đến với vùng đất Tây Nguyên đại ngàn

Nghĩ về Tây Nguyên là nghĩ tới rừng đại ngàn, là những con thác đổ ầm ầm trắng xóa cùng với những đàn voi rừng hoang dã...
Nghĩ về Tây Nguyên là nghĩ tới rừng đại ngàn, là những con thác đổ ầm ầm trắng xóa, những đàn voi rừng hoang dã và người dân tộc có nước da đen với mái tóc xoăn tít và ánh mắt của núi rừng...
 
Nhậu Y Jut, Dạo Y Ngông

Chỉ cần một câu: “Sắp tới đi đâu?” – Đáp: “Chưa biết đi đâu cả”. – Đi Tây Nguyên không?” – Đáp: “Tây Nguyên à, hay đấy, ok thôi!”

Vậy là lên đường, chỉ cần chuyển tiền tới tài khoản của một người, biết ngày giờ ra sân bay, hẹn hò điện thoại, còn chưa hề biết bạn đồng hành của mình có những ai, lịch trình như thế nào, ăn ở ra làm sao… Thời nay, đi là thế đó.

Tới sân bay, kẻ cầm theo chiếc bành mỳ gặm dở, ba lô trên vai, kẻ hớt hơ hớt hải vừa từ chỗ làm tới. Kẻ vác theo laptop bởi chỉ mấy tiếng nữa phải có công việc giao dịch, cho dù đã dứt khoát rằng, đã đi là … “don’t work, don’t worry”. (không công việc, không lo lắng)…

Chưa đầy 2 tiếng, sân bay Buôn Mê Thuột có hàng ghế băng bằng gỗ tạo nên một vẻ khác biệt. Mưa đầu mùa bay sầm sập trong thành phố lạ vào buổi tối lang thang tại đường Y Jut.

Theo Du Giang (một thành viên của phuot.com), con đường Y Jut chính là địa điểm ăn đêm, nơi có rất nhiều loại bún, đồ nhậu, và cả xị đế cho những ai thích ngồi lai rai đêm bên vỉa hè. Ngoài kia, dưới mưa, dưới ánh đèn vàng, những anh chàng hát rong đang rền rĩ lời nhạc vàng chợt làm nao nao những kẻ từ xa tới.

Đã muộn, chúng tôi vẫy một chiếc xe taxi đi tìm quán café, nhưng không còn quán nào mở cửa. Đi mãi tới đường Y Ngông, hỏi anh lái xe rằng Y Ngông là ai, anh nói là một vị anh hùng nào đó và còn sống.

Buổi tối hôm ấy, khi tôi cầm cuốn sách văn hóa Tây Nguyên của tác giả Linh Nga Niedam mới biết tác giả chính là con gái của Bác sỹ Y Ngông – đại biểu Quốc hội đầu tiên của Tây Nguyên và Du Giang chính cháu của Y Ngông. Chi tiết này thật thú vị.
 
Những chú voi còn sót lại

Đường tới Buôn Đôn (xã Krông na – Đăk Lăk) cách thành phố khoảng 40km. Hóa ra, trước kia buôn Đôn là thủ phủ của vùng đất Tây Nguyên nắng và gió này. Cũng lạ, bởi sau khi Pháp dời vị trí trung tâm sang Buôn Mê Thuột, Buôn Đôn đã lại trở nên bình thường, hoang vắng đến thế sao.

Du lịch dường như mới chỉ bắt đầu, nhưng cũng có vẻ đã cạn kiệt nếu như không biết cách chăm chút. Từ xa đã thấy những chú voi chậm rãi chở khách trên lưng. Lần đầu tiền được nhìn thấy voi, thấy chúng cao quá, lừng lững nhưng đôi mắt voi thì thật hiền.

Chú nào là chú voi con ở Bản Đôn, chưa có ngà nên còn trẻ con? Hình như không còn, bởi chú voi tôi đang cưỡi đây 36 tuổi mà đầu đã có vẻ… hói trọi, lơ thơ vài chiếc lông. Đặc biệt, lông đuôi hầu như không còn nữa.

Chiếc ghế trên lưng voi có thể ngồi được đến 3 người. Sau khi đi vòng quanh làng, voi bắt đầu từng bước lội xuống sông Sêrêpok – dòng sông chảy ngược huyền thoại. Con sông vốn là hợp lưu của sồng “đực” Krông Kno, sông “cái” Krông Ana, ở khúc sông này nước đỏ và cuồn cuộn như nước sông Hồng.

Có những khúc quanh chập chùng toàn rễ và cành cây si cổ thụ rủ xuống mặt sông, quấn chằng chịt quanh nhau. Voi thuộc đường, cứ thể đi xuyên trong rùng cây si làm khách bỗng như thấy mình đang đi trong miền cổ tích của rừng đại ngàn.
 
Thi thoảng, lúc phải lội xuống chỗ sâu, voi dò dẫm từng bước một, gần như khuỵu chân xuống làm khách thót tim, có đoạn voi lội ngập cả đôi mắt rất thương…
 
Hiện nay, khách thường thíchh mua những chiếc nhẫn bạc, dây chuyền bạc luồn lông voi ở trong vì tin rằng chúng sẽ đem lại may mắn và sức khỏe. Bọn trộm gần đây thường hay cắt trộm lông voi để bán, đã có nhiều chú voi bị cắt trộm đuôi, nên chủ thường cắt trước chứ không để rơi vào tay bọn trộm.

Chúng chết dần chết mòn, vào mỗi mùa giao phối, voi thường bị xích ở những nơi chật hẹp, không được thả ra những khu rừng để voi đực voi cái tự tìm đến nhau. Bởi thả voi ra, là mất.
 
Ở Buôn Đôn, có lẽ những giây phút trên lưng voi mang lại nhiều cảm giác và cảm xúc nhất rồi đến những cây cầu treo dài bằng mây, nứa, song. Du Giang nói rằng, những lần đến đó, cô thường nhảy múa rung chuyển cả cây cầu, cho đã.
 
Du Giang và ca sĩ Siu Black, số cân nặng gần bằng nhau, “ngồi cùng một bên máy bay có thể nghiêng”, vậy mà nhảy nhót được trên cây cầu treo này thì đủ biết đặc điểm lạ kỳ của cây cầu.
 
Quả thật, khi đi trên cầu này, người ta không đi rón, đi rén, mà đi cứ sầm sập, làm sao cho cây cầu lắc lư chao đảo, rung lên bần bật vừa sợ vừa … thích.
 
Buôn Đôn có người M’Nông và người Ê Đê cùng chung sống. Đến nghĩa trang của vua Voi N’Thu K’ Nul, cũng thuộc trong những điểm du lịch. Hơi buồn vì chúng đơ sơ và hiu hắt, với những kiến trúc trên ngôi mộ cũng mộc mạc, trên bia mộ ghi chiến công săn được bao nhiêu con voi nhưng nhìn xung quanh hầu như không thấy mộ cổ theo truyền thống với những bức tường nhà mồ. Khác đến ngẩn ngơ một lúc rồi lại rút lui.
 
Viagra… Ama Kông

Điều hơi buồn tiếp theo chính là ngôi nhà cổ nhất buôn Đôn của vua săn voi N’Thu K’ Nul. Trước kia, ngôi nhà có giá trị bằng 12 cặp ngà voi dài. Ngày nay, ngôi nhà bằng gỗ quí các loại ấy đang dần xập xệ và được … “trùng tu” lại, đã xuất hiện những mái nhựa “đắp lên”.

Trong nhà ít vật dụng, có thanh kiếm vua Bảo Đại tặng trước kia treo trên vách nhà, nhưng giờ không thấy đâu. Nghe nói nó cũng được mang đi… “trùng tu”. Ngôi nhà này vua săn voi Ama Kông (người M’nông gốc Lào) được thừa hưởng làm chủ.

Ông xứng đáng với cái tên gọi bởi đã bắt được gần 300 con voi, trong đó có con voi trắng rất quý cúng tiến cho vua Bảo Đại và vua Thái Lan nên được ban thưởng rất nhiều của quý. Tuy nhiên có một thứ Ama Kông nổi tiếng không kém, đó là bài thuốc quý gia truyền và do kinh nghiệm trong những lần đi rừng thu phục voi.

Bài thuốc này của Ama Kông có tác dụng tăng cường sinh lực, có người nói đùa rằng: Cho vài giọt vào bát bún, sợi bún cứng lên, cho vào nồi cá kho, cá cũng phải ngóc đầu dậy.

Cứ nhìn lão tướng săn voi giờ gần trăm tuổi mà vẫn còn khỏe mạnh lắm. Cụ chỉ mới ly dị cô vợ thứ 4 thua cụ dễ đến 50 tuổi. Với người Ê đê, Lào và M’nông theo chế độ mẫu hệ, nên sau mỗi cuộc chia tay với vợ, cụ Ama Kông lại mất đi một ít của nả như nhà cửa, vàng bạc, đồ đạc… Cụ cứ ra đi với bà vợ mới là lại làm lại từ đầu.

Giờ ít voi và hầu như không kiếm được tiền từ voi, cụ kiếm tiền từ thuốc Ama Kông bán cho mọi người, bài thuốc hiệu nghiệm đến nỗi cụ đã phải vất vả để tranh đấu giành lại thương hiệu và bản quyền thuốc thật của mình.

Giờ đây, ngôi nhà cổ chất đầy thuốc thuộc sở hữu của con gái cụ Ama Kông, mê Lĩnh vẫn hàng ngày bán với giá 100.000 đồng/gói về ngâm rượu giúp các quý ông tăng cường sinh lực.

Rời khỏi ngôi nhà cổ, có lẽ chỉ còn đọng lại hình ảnh mê Lĩnh to cao lừng lững, mặc áo hai dây, cổ đeo chiếc dây chuyền to bự, miệng vẫn nhau trầu bỏm bẻm đứng bán hàng những gói thuốc được đóng bao bì in trên túi nilong rất chuyên nghiệp.

Thác khói Draysap hay chuyện một mối tình

Tiếp tục, chúng tôi thuê xe máy đi đến thác Draysap cách Buôn Mê Thuột khoảng 30km. Thác nằm trong cụm thác Gia Long, Draysap, Draynu, Trinh nữ.

Ở miền đất Tây nguyên, hầu như chỗ nào cũng gắn với một sự tích, một huyền thoại, hoặc một chuyện tình buồn. Có cô gái người Ê đê tên là H’mi rất xinh đẹp nổi tiếng một vùng. Một hôm, hai người đang tình tự trong rừng thì bỗng nhiên có một con quái vật đầu to, mắt đỏ lừ, từ miệng tung ra những cột nước cuốn nàng H’mi đi mất.

Chàng trai đi tìm nàng mãi, nhưng không thấy. Chàng đau khổ, về sau chết hoá thành một cây cổ thụ đứng bên cạnh tảng đá to.

Còn chỗ thác nước đang gầm réo vốn là chỗ biến mất của con quái vật chính là thác Draysap. Lại nói về nàng H’mi, không khuất phục quái vật, nàng tự tử chết, hoá thành thác Draynu.

Hai thác được mệnh danh là thác chồng, thác vợ suốt ngày suốt đêm gầm réo gọi tên nhau. Draysap và Draynu đều bắt nguồn từ sông Sêrêpok, tung bọt trắng xoá, với độ cao trên 100m, hơi nước bốc lên nghi ngút như khói.

Bao quanh các thác có những thảm thực vật phong phú, làm không khí trong làn mát rượi. Bên trên núi có trồng cây hồ tiêu, cây bông, đặc biệt ở đây có rất nhiều loại bướm.

Đường dẫn từ thác Draysap đến thác Draynu đi qua một cây cầu treo khá đẹp. Từ trên nhìn xuống Draysap dũng mãnh chảy cuồn cuộn, bọt khói dâng tràn như hình tượng của một Tây Nguyên mạnh mẽ.

Xung quanh có nhiều nhà dân tộc, khách có thể ngồi ở đó thưởng thức món cơm lam, gà nướng, cá lăng nấu lá giang chua, và các đồ rừng cùng ché rượu cần đậm đà.

Rời khỏi thác Draysap hùng vĩ, bên đường vàng rực những cây hoa bọ cạp, những cánh rừng cao su xanh mướt, những cây hồ tiêu và cây café thẳng tắp làm cho con đường Tây Nguyên xanh thêm như lời của một bài hát./.
(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục