Dệt may đón đầu TPP để tăng kim ngạch xuất khẩu

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may, khi TPP ký kết, ngành dệt may Việt Nam sẽ có thể cán đích 25 tỷ USD xuất khẩu trước năm 2020.

Xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2013 ước đạt 20,4 tỷ USD, tăng trên 18% so với năm 2012, đánh dấu năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành này vượt qua con số 20 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may (Vinatex), với những cơ hội rộng mở phía trước khi hiệp định TPP sắp hoàn tất, ngành dệt may Việt Nam sẽ có thể cán đích 25 tỷ USD xuất khẩu trước năm 2020 và nâng tỷ lệ nội địa hóa lên mức 70-75% thay vì hơn 45% như hiện nay.

Nhân dịp năm mới 2014, ông Nguyễn Tiến Trường đã có cuộc trao đổi với phóng viên Vietnam+ xung quanh những kết quả của ngành dệt may, cũng như những khó khăn và thách thức trong thời gian tới.

- Xin chúc mừng kết quả đạt được của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2013, xin ông cho biết ngành dệt may đã thực hiện những giải pháp gì trong bối cảnh thị trường thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn?

Năm 2013, thị trường dệt may thế giới không sôi động, cạnh tranh thì gay gắt, trong khi Chính Phủ Việt Nam yêu cầu tăng trưởng xuất khẩu 10% và đối với các ngành ít nhất là 12%, đây là một thách thức lớn. Hiện Dệt May Việt Nam chỉ chiếm 4% tổng cầu thế giới, đạt 24 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2012. Cũng trong năm 2013, hàng may mặc Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ gần 8,6 tỷ USD tăng 14,2% chứng tỏ thị phần này được cải thiện, còn thị trường châu Âu tăng 8,8% và Nhật Bản tăng 20,5%.

Nhìn chung các thị trường chính đều tăng mạnh, riêng thị trường Hàn Quốc sau 3 năm liền duy trì tăng ở mức 5-6% đến năm 2013 ở thị trường lại đạt mức tăng 43,5%; tại thị trường Ấn Độ cũng đạt 60-70 triệu USD trong khi ngành dệt may của Ấn Độ cũng rất mạnh, hiện đứng thứ 3 thế giới sau Việt Nam, tương đương với mức đầu tư của Trung Quốc từ quy mô đến số lượng.

Kết quả xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2013 ước đạt 20,4 tỷ USD, tăng trên 18% so với năm 2012. Doanh thu ở thị trường nội địa năm 2013 đạt 22.500 tỷ đồng nhờ bán vải và sợi trong nước, tuy nhiên sản phẩm quần áo chỉ tăng 12%.

Ngoài những thương hiệu tên tuổi như May 10, Phong Phú, Việt Tiến..., Dệt May Việt Nam đang xuất hiện nhiều doanh nghiệp tiến bộ vượt bậc như Dệt kim Đông Xuân, lợi nhuận tăng 100% so với năm 2012 nhờ xuất mạnh sang Mỹ, dự kiến năm 2014 cũng tăng 100% về lợi nhuận nhờ hướng đi đúng. Bên cạnh đó, Dệt may Nam Định từ bờ vực phá sản (năm 96-97) đã hoàn chỉnh quá trình phục hồi; dự kiến chia cổ tức từ 12-14% và đã xây dựng xong nhà máy mới. Dệt kim Đông Phương cũng đã có lãi trên 10 tỷ đồng...

Về đầu tư , năm 2013, Vinatex đã triển khai 42 dự án với tổng mức đầu tư 6.360 tỷ đồng nhằm đón đầu các hiệp định thương mại mới, trong đó có 12 dự án sợi, 9 dự án may và 4 dự án khác. Đặc biệt trong tháng 8 năm 2013, Vinatex đã khởi công dự án Nhà máy sợi Phú Hưng tại Huế với quy mô 21 vạn cọc sợi, đây là dự án trọng điểm nằm trong kế hoạch đầu tư các nhà máy sợi, mục tiêu đến năm 2017 đạt khoảng 25 vạn cọc sợi của Vinatex.

- Xin ông cho biết, việc xây dựng thương hiệu của ngành dệt may Việt Nam đang thực hiện như thế nào? Tại sao thị trường nội địa, nhất là khu vực nông thôn vẫn chưa được đẩy mạnh?

Trên thế giới các thương hiệu dệt may nổi tiếng đều phải trải qua một quá trình lâu dài gây dựng mới đạt được sự thành công.

Đối với Việt Nam, một doanh nghiệp quy mô lớn cũng chỉ đạt số vốn 15 triệu USD, trong khi riêng tiền quảng cảo ở Mỹ chỉ "cưỡi ngựa xem hoa" đã mất khoảng 5 triệu USD. Do vậy, câu chuyện phát triển theo hướng bền vững là một hướng đi mà Tập đoàn dệt may Việt Nam lựa chọn.

Vinatex xúc tiến thương hiệu cho người Việt Nam trên đất Việt Nam. Nếu chỉ cần làm thương hiệu thành công cho 20 triệu người sống ở khu vực thành thị thôi cũng sẽ là cơ hội để hàng Việt tiến ra nước ngoài.

Mười năm qua cách làm thương hiệu của doanh nghiệp trong nước ở các đô thị lớn đã thành công, nhiều công ty như Việt Tiến đã mở thị phần sang Lào, Mianma... Tuy nhiên, khi cân đối tiến ra đâu, nước nào phải căn cứ xem có trụ được ở đó hay không.

- Tiến trình cổ phần hóa của tập đoàn đang thực hiện đến giai đoạn nào thưa ông?

Việc cổ phần hóa hiện đã cơ bản hoàn thành xong các phương án từ năm 2013, khâu kiểm toán cũng đã xong, còn việc phê duyệt, kiểm tra thì phải chờ các cơ quan chức năng. Chúng tôi tin rằng, 6 tháng đầu năm 2014 sẽ thực hiện IPO nhưng tập đoàn muốn có những cổ đông chiến lược phải là những thương hiệu lớn trên thế giới.

Bởi lẽ nếu bán quá sớm trước thềm TPP thì giá trị sẽ giảm, còn TPP đã đi vào hồi kết sẽ là cơ hội khách quan để nhìn thấy hiệu quả thực sự của Tập đoàn dệt may Việt Nam, cho nên không nên cứng nhắc ở các mốc vật lý.

- Vậy ngành dệt may đã chuẩn bị cho TPP như thế nào thưa ông?

Trong khối đàm phán TPP có 2 thị trường rất quan trọng đối với ngành dệt may Việt Nam là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam và Nhật Bản chiếm 11%. Như vậy, khối các nước tham gia TPP đã chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

Riêng năm 2012, đã có gần 11 tỷ USD xuất khẩu dệt may của Việt Nam và các nước TPP. Vì vậy, khối các nước TPP là thị trường quan trọng nhất của ngành dệt may Việt Nam cả trong hiện tại và tương lai. Nhận thức được tính chất quan trọng của việc mở cửa thị trường và khả năng tận dụng lợi thế do hiệp định TPP mang lại, hiệp hội dệt may VIệt Nam (Vitas) đã nghiên cứu cũng như đồng hành với quá trình đàm phán TPP.

Vitas đã hết sức quan tâm đến các nội dung đàm phán liên quan đến dệt may, nhất là trong quy tắc xuất xứ và hàng rào thuế quan. Đây cũng là 2 vấn đề mà doanh nghiệp, nhà sản xuất đều quan tâm trong hiệp định thương mại tự do. Tất cả những điều này đều nhằm thực hiện chiến lược xuyên suốt của ngành dệt may Việt Nam là đẩy mạnh tăng trưởng và quy mô xuất khẩu, từ đó có khả năng xây dựng các chuỗi cung ứng hoàn thiện và ngành dệt may có thể phát triển bền vững.

Tuy xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt ngưỡng 20 tỷ USD trước khi ký TPP, nhưng 20 tỷ USD này lại chia cho các thị trường khác nhau. Hơn nữa, tổng lượng sử dụng các loại nguyên vật liệu dưới 10 tỷ USD chưa phải là quy mô hấp dẫn để đầu tư vào khâu sản xuất nguyên liệu. Do sản xuất nguyên liệu có suất đầu tư lớn, đòi hỏi vốn lớn, trình độ kỹ thuật cao, rủi ro nhiều... Vì vậy, muốn đẩy mạnh được khu vực sản xuất nguyên liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thì một trong những yếu tố tiên quyết là phải tăng được quy mô xuất khẩu.

Nếu có quy mô xuất khẩu lớn và những lợi ích thuế quan tốt, quy tắc xuất xứ từ Việt Nam được hưởng lợi thế trên thị trường thế giới thì việc thúc đẩy, lựa chọn Việt Nam trở thành thành viên chính thức trong chuỗi cung ứng sẽ được tiến hành nhanh hơn. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ không chỉ tham gia và khâu cuối cùng, khâu đơn giản như trước đây nữa. Với lợi ích từ Việt Nam, các nhà đầu tư, các chủ thương hiệu, những nhà mua hàng lớn trên thế giới sẽ chủ động tích hợp Việt Nam vào chuối cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, khi ngành dệt may Việt Nam nâng được quy mô, mở rộng được quan hệ với các nhà cung cấp tiêu chuẩn toàn cầu với giá trị cốt lõi cao từ chính các nhà cung cấp thì bản thân ngành dệt may Việt Nam sẽ phát triển bền vững không chỉ về sản xuất, về công nghệ mà cả về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.

- Mục tiêu tăng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2014 sẽ được thực hiện thế nào thưa ông?

Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2014 của Vinatex là tập trung vào liên kết doanh nghiệp và chú trọng khâu ODM ((tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng), đưa Vinatex thành nhà cung ứng trọn gói của ngành dệt may. Tập đoàn dệt may có thể làm được sản phẩm từ đầu đến cuối, có thể sản xuất được sản phẩm, thiết kế và may mặc. Năm 2014, Vinatex cũng đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 12% so với năm 2013, doanh thu tăng 12% và giá trị sản xuất công nghiệp trên 10%.

Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục