Dệt may tìm thị trường mới để thúc đẩy xuất khẩu

Bên cạnh thị trường truyền thống, ngành dệt may cần mở rộng thêm những thị trường mới để thúc đẩy xuất khẩu và tìm nguồn thu mới.
"Giải pháp hỗ trợ tìm kiếm nguồn lực và cơ hội mở rộng xuất khẩu dệt may Việt Nam" là nội dung Hội thảo do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phối hợp với Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Công ty Dun & Bradstreet (D&B) tổ chức sáng 9/8, tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp trong ngành dệt may đã được các chuyên gia đến từ những lĩnh vực liên quan đến thương mại, xuất khẩu trong ngành chia sẻ kinh nghiệm và những thông tin mới nhất, tổng quan về tiềm năng và hạn chế của ngành dệt may, giải pháp tìm khách hàng cho thị trường mới.

Cùng đó, các chuyên gia cũng đưa ra cách tiếp cận thêm những khách hàng tiềm năng ở thị trường truyền thống giúp tháo gỡ những khó khăn hiện tại cho doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành, khẳng định thêm vị thế xuất khẩu dệt may Việt Nam với thế giới cũng như đánh giá độ tin cậy và năng lực thanh toán của đối tác trong quá trình giao thương... cho doanh nghiệp trong ngành.

Kinh tế khủng hoảng ảnh hưởng tới sức tiêu thụ của ngành dệt may trong nước. Mặc dù vậy, bảy tháng qua xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn đạt 9,3 tỷ USD, so với cùng kỳ vẫn giữ tăng trưởng 7-8%. Nếu so với tăng trưởng của cả nước 22% thì tỷ lệ tăng trưởng đó là khiêm tốn nhưng điều này đã thể hiện được nỗ lực của toàn ngành trong việc giải quyết khó khăn.

Đánh giá về sự sụt giảm thị trường, bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas, cho rằng đến nay, hầu hết các thị trường xuất khẩu dệt may lớn vẫn chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Riêng đối với Hàn Quốc, khi Việt Nam có hiệp định thương mại tự do đã làm cho sức tiêu thụ, xuất khẩu tăng mạnh và có thể còn cao hơn nữa.

Nhưng nếu nhìn từ 2011 kinh tế không lạm phát lớn, đơn hàng xuất khẩu vẫn nhiều, lúc đó doanh nghiệp có điều kiện nâng giá đơn hàng xuất khẩu và chủ yếu nhà nhập khẩu đi tìm nhà xuất khẩu. Nhưng năm nay thị trường Mỹ gặp phải vấn đề nợ công, thất nghiệp nên ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Đáng lưu ý là thị trường Mỹ và EU thời gian qua có mức tăng trưởng thấp hơn, riêng EU khủng hoảng đồng euro đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường xuất khẩu khiến cho nhiều khách hàng đã giảm đơn hàng thậm chí những công ty bán lẻ phải đóng cửa.

Theo bà Dung, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may, giải pháp đầu tiên vẫn là công tác thị trường. Bên cạnh những thị trường truyền thống cần mở rộng thêm những thị trường mới, thị trường ngách để tìm nguồn thu mới thúc đẩy xuất khẩu.

Ngoài ra, các chương trình xúc tiến thương mại tới đây cũng phải làm tốt hơn nữa công tác tìm kiếm bạn hàng, chuẩn bị thông tin của các doanh nghiệp để tiếp cận thị trường đạt hiệu quả cao./.

Uyên Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục