Đi chợ Giáng sinh

Đi chợ Giáng sinh ở các khu trung tâm tại London

Bất chấp tuyết và mưa, dòng người đổ đi chọn quà Giáng sinh tại các khu "thiên đường mua sắm" ở London, hệt ngày áp Tết ở Việt Nam.
Khi đêm Chúa Giáng sinh đang đến rất gần, bất chấp thời tiết lạnh, tuyết và mưa, dòng người đổ đi mua sắm tại các khu trung tâm trên các phố Bond, Oxford, Regent, Knightsbridge nằm ở trung tâm London-khu được mệnh danh là "thiên đường mua sắm" của thế giới, dường như dài vô tận, hệt như cảnh đi chợ ngày áp Tết ở Việt Nam.

Đối với người dân London, có lẽ phần chuẩn bị mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc nhất và cũng là phần hấp dẫn nhất của đêm Chúa Giáng sinh là việc đi mua quà cho người thân trong gia đình.

Đi đâu để tìm quà mua cho người thân là chủ đề chúng tôi, những phóng viên thường trú nước ngoài sống tại Anh, đưa ra tán gẫu trong một buổi gặp với các nhà báo Anh. Đối với những người đã sống và làm việc tại London vài ba năm thì những khu trung tâm mua sắm nói trên chẳng còn gì đặc biệt, hấp dẫn nữa.

Một cô bạn "nghiện" shopping người gốc Scotland, nơi người dân nổi tiếng về lòng mến khách, đã chỉ cho chúng tôi đến khu chợ chuyên bán đồ cho Giáng sinh mà theo cô đó là khu chợ Giáng sinh dành cho những người Anh "gốc" và có tiền, đến đó bạn sẽ hiểu hơn giới người Anh tầng lớp trung lưu trở lên chuẩn bị cho Giáng Sinh ra sao.

Khu cửa hiệu mái vòm mang tên Burlington Arcade

Khu cửa hiệu sang trọng Burlington Arcade có từ những năm đầu thế kỷ 19, nằm sau phố Bond chạy từ đường Piccadilly đến Burlington Gardens. Burlington Arcade được công nhận là một kiệt tác về kiến trúc cũng như bề dày lịch sử.

Đây là phố có mái vòm các cửa hiệu dài nhất Anh và có lẽ là nơi mua sắm đẹp nhất, thoải mái nhất, bởi sự yên tĩnh, thư thái, hoàn toàn khác biệt với khu mua sắm ồn ào đông như chảy hội tại các trung tâm mua sắm khác ở London.

Nơi đây được mệnh danh là một trong những "kho báu ẩn mình" của thành phố London, bởi tuy chỉ có 40 cửa hiệu nhưng toàn những mặt hàng cao cấp, các sản phẩm bày bán ở đây thường nổi bật nhờ đặc tính độc đáo và được làm bằng tay.

Từ những chiếc áo len Casomia mềm mại nhất cho đến những những đồ trang sức cổ từ thế kỷ 16 trở lại đây, loại nước hoa hương vị vô cùng riêng biệt, đồ thuộc da làm bằng tay chất lượng cao cấp nhất thế giới, đồng hồ Rolex cổ, cho đến kẹo sokola Ladurée thượng hạng thế giới của Pháp cũng có mặt tại đây.

Đến mùa Giáng Sinh, trong suốt cả tháng 12, cứ thứ 5 hàng tuần các ca sĩ hát nhạc Giáng sinh từ Học viện Âm nhạc Hoàng Gia Anh lại đến đây hát từ 6-7 giờ tối.

Bước chân đến Burlington Arcade bạn được bước trên thảm đỏ thẫm chạy suốt dọc đường đi, hai bên được trang hoàng bằng hai hàng cây thông xanh sẫm xinh xắn được trang trí độc nhất bằng những bóng đèn nhỏ xíu sáng trắng trông hệt những ngôi sao nhỏ lấp lánh.

Ở đây bạn sẽ gặp những nhân viên lễ tân ăn mặc theo kiểu Anh truyền thống mũ cao và áo vét đuôi tôm, tác phong phục vụ ở đây cũng rất khác với các khu mua sắm thường thấy, từ cách hỏi cho đến cách trả lời khách hàng đều toát lên vẻ quý tộc mà tôi chỉ thấy trên phim chứ không phải trong cuộc sống thường ngày của thành phố London đa sắc tộc ngày nay.

Các cửa hiệu bán đồ trang sức cổ như Daniel Bexfield Antiques, Johnson Walker bày bán các đồ trang sức có từ thế kỷ 17-20 với giá trung bình vài nghìn bảng Anh.

Nhưng ấn tượng nhất ở đây có lẽ là cửa hàng có bộ sưu tập đồng hồ Rolex cổ. Với bộ sưu tập gồm 500 chiếc Rolex sản xuất từ 1915 đến 1970, đây được coi là cửa hàng có bộ sưu tập đồng hồ Rolex cổ lớn nhất thế giới với giá bán rẻ nhất là 1.850 bảng (tương đương khoảng 50 triệu VND), có chiếc được sản xuất năm 1966 có giá bán gần 5.000 bảng (khoảng 150 triệu VND).

Có lẽ một số người cho rằng giá đó không có gì là "khủng" cả, nhưng đây chỉ là nơi để mọi người mua sắm quà tặng nhau trong ngày Giáng sinh như quà Tết của Việt Nam vậy, chứ không phải là quà vào dịp thật đặc biệt trong đời người như sinh nhật lần thứ 18, đám cưới vàng, đám cưới kim cương.

Sau khi đi xem các cửa hiệu một vòng tôi quyết định đến cửa hàng bán kẹo sokola Ladurée của Pháp, thương hiệu kẹo này được đánh giá là loại kẹo sokola thượng hạng trên thế giới có từ 1862.

Trước đây, Ladurée chỉ được bán ở nơi duy nhất tại Anh là tại cửa hàng nổi tiếng trên thế giới Harrods, nơi những nhân vật giàu có và nổi tiếng của Anh và thế giới thường đi mua sắm. Cửa hàng này nổi tiếng với câu nói: "Tại Harrods, bạn có thể tìm thấy tất cả mọi thứ có trên thế giới".

Tại cửa hàng kẹo Ladurée, cửa hàng nhỏ chỉ rộng khoảng hơn chục mét vuông, khách hàng luôn phải xếp hàng ra tận ngoài cửa để đợi mua kẹo, và kẹo ở đây được tính giá theo từng chiếc. Một hộp 12 chiếc kẹo to hơn đồng xu chút xíu được bán với giá khoảng 500.000 đồng Việt Nam.

Mọi người mua kẹo Ladurée cũng để làm quà tặng nhau và để gia đình dùng khi ngồi uống trà sau bữa tối đêm Giáng sinh hoặc năm mới.

Fortnum & Mason: Khu mua sắm đồ chuyên cho Giáng sinh

Bên kia đường, đối diện với Burlington Arcade là tòa nhà 5 tầng Fortnum & Mason, có từ đầu thế kỷ 18 với khởi đầu là cửa hàng bán rau quả, hiện giờ chỉ bày bán chuyên các đồ dùng, đồ ăn uống và quà tặng cho X'mas. Cửa hàng này nổi tiếng bởi các sản phẩm thực phẩm chất lượng rất cao, tất nhiên là khác xa so với các hàng bán tại siêu thị.

Hai tầng đầu tiên bày bán đồ ăn như mứt, bánh, kẹo, trà, càphê, bánh Pudding Giáng sinh, mật ong, các loại rượu, các loại rau tươi, thịt, cá, gà Tây, pho mát chuyên phục vụ cho ăn đêm Giáng sinh.

Người đi mua sắm tại Fortnum & Mason chủ yếu là người Anh gốc, tôi nhận ra qua giọng nói và cách ăn mặc. Hầu như không thấy ai ăn mặc kiểu "quần bò, áo khoác budông".

Giá ở đây so với siêu thị chênh nhau rất nhiều và có rất nhiều loại hàng không tìm thấy ở siêu thị. Một hộp bơ có pha rượu rum để ăn sáng có giá 5 bảng, trong khi đó 1 hộp bơ loại phổ thông cỡ như vậy  tại siêu thị chỉ có giá hơn 1 bảng,  hay lọ mứt ăn sáng có giá tới 8 bảng trong khi đó ở siêu thị giá cao nhất chỉ 4 bảng,.....

Fortnum & Mason còn là nơi nổi tiếng bán Christmas Hampers (quà X'mas đóng thành lẵng), kiểu lẵng quà X'mas đã có tại đây hơn 300 năm, đây cũng là một trong những nét đặc trưng quà Giáng sinh của người Anh. Lẵng quà này có thể gồm các loại kẹo sokola, bánh quy, đồ uống.

Điều khác biệt là người Anh đến đây ai cũng lựa chọn kỹ và mỗi thứ chỉ lấy rất ít, khác hẳn với cảnh mua bán tại siêu thị, xe chở hàng nào cũng chất đầy ngất. Cô bạn người Anh của tôi giải thích bởi vì ở đây mọi thứ đều đắt và có lẽ điều quan trọng hơn là người Anh thích chất lượng hơn số lượng.

Người Anh tự hào và trân trọng, gìn giữ những nét văn hóa lâu đời của mình. Những người được cho là người Anh thực thụ bao giờ cũng thích "truyền thống" hơn là "hiện đại".

Thực tế, tại các khách sạn, quán ăn, cửa hàng mà cách bài trí, ăn mặc theo kiểu truyền thống Anh thì giá bao giờ cũng đắt hơn nhiều so với các cửa hàng bài trí theo kiểu hiện đại.

X'mas tại các siêu thị

Các cửa hàng cao cấp như Burlington Arcade, Fortnum & Mason không hề có bán kiểu "đại hạ giá " trước ngày Giáng sinh, trong khi tại các siêu thị, mở đầu là Tesco, sau đấy là Asda và Sainsbury, từ ngày 23/12 đã bắt đầu cuộc chiến "đại hạ giá". Còn John Lewis, Debenhams, Comet, Halfords và B&Q hạ giá vào ngày 24/12.

Theo dự đoán của IMRG, năm nay, mỗi người mùa hàng trên mạng tiêu trung bình khoảng 27,9 bảng cho ngày Giáng sinh, cao hơn năm ngoái. Doanh số bán hàng trên mạng chiếm từ 12-15% tổng doanh số bán lẻ.

Công ty New West End Company khảo sát 600 cửa hàng bán lẻ trên các phố Bond, Oxford, Regent thì tổng doanh số bán hàng từ đầu tháng 11 đến Giáng sinh ước chừng khoảng 1 tỷ bảng.

Theo Krishan Rama, làm việc tại tập đoàn bán lẻ Anh, sở dĩ doanh thu bán hàng năm nay tăng vì mọi người đều tin tưởng hơn năm ngoài rằng thời kỳ kinh tế tồi tệ nhất đã qua rồi, cho dù năm 2010 vẫn còn chứa nhiều bất ổn. Hàng hóa tràn ngập khắp nơi, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ mua được tất cả những gì mình muốn nếu như chờ đến tận ngày 24/12 mới mua.

Người London năm nay sẽ đón Giáng sinh cùng với vẻ quyến rũ vốn có của đường phố London dưới ánh đèn vàng mờ và màu sắc lóng lánh như pha lê của những bụi tuyết phủ nhẹ./.

Diễm Quỳnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục