“Đi cửa sau”... may đồng phục cho học sinh

Không ít doanh nghiệp đã phải “méo mặt” vì chạy theo những hợp đồng may đồng phục cho học sinh tưởng là vô cùng "béo bở".
“Năm nay tôi không muốn làm hợp đồng may đồng phục cho học sinh nữa”, câu nói của chủ nhà may T.D ở Cổ Nhuế, Từ Liêm khiến nhiều người trong nghề ngạc nhiên. Bởi, đã từ lâu, các hợp đồng may đồng phục cho học sinh này đối với họ là vô cùng “béo bở”.

Thế nhưng, cũng như chủ nhà may T.D, không ít doanh nghiệp đã phải “méo mặt” vì chạy theo những hợp đồng đó.

Những cuộc chạy đua

Tuy năm học mới chưa bắt đầu, nhưng rất nhiều doanh nghiệp may mặc ở Hà Nội đã đổ xô nhau tìm đến các trường học xin may đồng phục cho học sinh. Có doanh nghiệp còn xúc tiến công tác “săn đón” nhà trường từ lúc năm học cũ mới bước sang kỳ hai.

Chị T, giám đốc một công ty TNHH vừa lấy được ba hợp đồng may đồng phục cho học sinh không giấu được sự vui mừng xen lẫn mệt mỏi. Chị đã ví von việc đi lấy hợp đồng như một cuộc vượt cạn. “Dù có người quen giới thiệu nhưng mình đã phải chủ động tiếp cận hiệu trưởng từ năm học cũ. Phải dành nhiều thời gian tư vấn và mời đón lắm. Thậm chí đến phút cuối, có doanh nghiệp khác nhảy vào đặt vấn đề hoa hồng cho nhà trường, mình suýt bị loại. May mà mình được người quen làm trong truờng cho biết nên đã ứng phó kịp thời.”

Không ít doanh nghiệp, hòng kiếm được hợp đồng đã không ngần ngại đi “cửa sau”. Doanh nghiệp sẵn sàng chi cho nhà trường khoản hoa hồng, thường từ 10% đến 20%, có trường hợp đến 25%.

Anh Kh ở Từ Liêm vừa “để tuột” hợp đồng may đồng phục cho học sinh cho biết, vì có nhiều doanh nghiệp cạnh tranh, anh phải đặt vấn đề hoa hồng với nhà trường và được nhất trí với mức hoa hồng 20%. Nhưng sau đó nhà trường thông báo, có nhà may khác nâng mức hoa hồng 25%. Lúc này anh đành bỏ cuộc.

Một xưởng may ở Thanh Xuân chuyên may về áo chống nắng. Do mặt hàng này mang tính chất thời vụ nên bà chủ cũng tranh thủ “đá đưa” thêm nhận may đồng phục cho học sinh. Nhờ có người nhà làm trong trường nên lấy được hợp đồng không khó, nhưng cũng phải trích chút ít phần trăm “làm quà” cho trường.

Có trường học không cần đến khoản hoa hồng nhưng lại quen may riêng chỗ con cháu của hiệu trưởng nên các doanh nghiệp khác có cạnh tranh thế nào cũng “đứng ngoài mà khóc”.

Ai là người chịu thiệt?


Việc các doanh nghiệp phải chi phần hoa hồng cho nhà trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đồng phục của học sinh.

Chị H, phụ huynh của một học sinh ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm than thở, năm học vừa qua con chị còn hai tháng nữa ra truờng cũng phải may đồng phục. Không may nhà trường không cho vào lớp. May 2 bộ đồng phục (đông-hè) và một bộ đồng phục thể dục thể thao hết 450.000 đồng, nhưng vừa mặc được một thời gian thì tuột chỉ và rách do chất vải “rởm”. Nhà chị lại phải bỏ tiền túi ra cửa hàng may bộ khác cho con. Chị như trút được gánh nặng khi năm nay con chị không còn học ở đó nữa.

Con gái chị Vân đang học ở một trường tiểu học của quận Hoàng Mai. Chị phải đóng hơn một trăm nghìn tiền đồng phục cho con, nhưng lại không hề yên tâm khi cho con gái mình mặc bộ đồng phục đó. Chất vải pha nhiều ni lông không thấm được mồ hôi. Mùa hè con chị lại hay ho do bị mồ hôi nhiễm ngược vào phổi…

Anh Hòa ở Đê La Thành thì ngao ngán: “Khi đóng tiền đồng phục cho con tôi không nghĩ nó lại phải mặc cái váy quăn tít, suốt ngày phải là. Chất vải kém quá”.

Ngoài học sinh phải gánh chịu hậu quả của những bộ đồng phục, thì không ít doanh nghiệp đã được nhận may đồng phục cũng không sung sướng gì.

Chủ nhà may T.D, tâm sự, suốt mấy năm qua anh chị nhận may đồng phục cho một số trường học. Bon chen lắm mới kiếm được hợp đồng. Nhưng chưa hết, họ lại còn phải cạnh tranh nhau ngay cả trong việc trích lại cho trường tiền hoa hồng, nên lãi không được bao nhiêu. Đã thế, trong thời gian may đồng phục cho học sinh lại phải bỏ qua nhiều khách hàng tiềm năng khác...

Năm học mới sắp bắt đầu, nhiều trường học đã thu tiền đồng phục của học sinh. Các doanh nghiệp cũng đã cầm trong tay những bản hợp đồng may đồng phục. Nhưng, khi vẫn tồn tại hiện tượng “chạy đua giành hợp đồng” thì liệu các bậc phụ huynh có dám hy vọng vào những bộ đồng phục tốt hơn cho con mình?
Thuý Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục