Di dời dân cư thuộc khu vực 1 di tích Kinh thành Huế

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đang xây dựng đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế.
Di dời dân cư thuộc khu vực 1 di tích Kinh thành Huế ảnh 1Một số hộ dân sống trên thượng thành (khu vực 1 cần bảo vệ nghiêm ngặt) của di tích. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đang xây dựng đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế.

Theo đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các sở ngành, cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù về di dời, hỗ trợ vốn, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân trong phạm vi khu vực I di tích Huế.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, hiện khu vực 1 Kinh thành Huế có khoảng 4.200 hộ dân sinh sống.

Do sống trong khu vực không được tu sửa, nâng cấp, cùng với diện tích chật hẹp, địa hình đồi dốc, đi lại khó khăn, người dân trong khu vực nghèo khó, sống trong nhà tạm bợ nên các điều kiện về vệ sinh môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích...

[3.800 hộ dân sinh sống trên khu vực di tích Kinh thành Huế cần di dời]

Thừa Thiên-Huế dự tính chia làm 2 giai đoạn di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế. Giai đoạn 1, thực hiện từ năm 2019 - 2021, triển khai di dời các hộ dân trong phạm vi di tích Kinh thành Huế gồm: tường thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ, với khoảng 2.938 hộ. Giai đoạn 2, thực hiện từ năm 2022 - 2025, tiếp tục di dời các hộ dân trong phạm vi di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành, di tích Trấn Bình Đài, với khoảng 1.263 hộ.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, tổng kinh phí di dời, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế khoảng 2.735 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 1 khoảng 1.880 tỷ đồng và giai đoạn 2 khoảng 855 tỷ đồng.

Ngoài ra, phần hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ di dời, giải phóng mặt bằng với quy mô 105ha, tổng mức đầu tư 1.362 tỷ đồng.

Cùng với việc di dời là phương án, chính sách hỗ trợ sinh kế cho 2.938 hộ dân và việc phát huy giá trị di tích sau di dời dân cư đã được tính đến.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, đây là một dự án lớn nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử và bảo tồn các giá trị văn hóa do tiền nhân để lại cũng như đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan đô thị; đồng thời, phát huy giá trị di tích phục vụ phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương, ổn định và nâng cao đời sống của hàng nghìn người dân sinh sống trong các khu vực di tích.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Huế và các sở ngành liên quan tập trung rà soát và nghiên cứu cụ thể trong từng giai đoạn thực hiện, nhất là đề xuất nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Bên cạnh đó, thành phố Huế và các đơn vị liên quan tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện việc di dời.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục