Di sản hát Xoan - sau vinh danh vẫn cần chăm lo tiếp

Hát Xoan Phú Thọ là 1 trong 13 di sản của cả nước được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới nhưng còn không ít nỗi lo...
Hát Xoan Phú Thọ vinh dự là một trong 13 di sản của cả nước được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Mất rất nhiều công sức để đạt được vinh dự này, nhưng sau vinh danh còn không ít nỗi lo...

Theo thống kê, Phú Thọ còn có hơn 100 nghệ nhân hát Xoan, nhưng hiện nay chỉ còn 37 nghệ nhân có thể nhớ, truyền dạy và am hiểu về hát Xoan. Đa số các cụ đều cao tuổi, trí nhớ, sức khỏe ngày càng suy giảm, giọng hát, nhịp phách không còn linh hoạt chuẩn xác. Các cụ nghệ nhân tay nghề cao cũng chỉ có thể nhớ và truyền dạy được 23/31 bài bản Xoan cổ.

Nếu như năm 2010, cả tỉnh còn 33 nghệ nhân trên 80 tuổi, đến nay 7 cụ đã mất, đem theo nhiều thể cách, bài bản mà Phú Thọ chưa kịp tổ chức để các cụ truyền dạy cho con cháu. Còn 38 nghệ nhân có tuổi từ 60-80 cũng không còn nhiều khả năng truyền dạy hát Xoan. Bên cạnh đó, môi trường diễn xướng của hát Xoan đang bị đặt trong tình trạng “báo động đỏ.”

Theo các nhà nghiên cứu nhìn nhận, từ 1945 đến 1975 hát Xoan gần như không được thực hành và dần mai một do chiến tranh kéo dài, phần khác do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của hát Xoan trong đời sống cộng đồng. Hiện nay, nhiều vùng hát Xoan cổ đang bị đô thị hóa, lớp trẻ ít người yêu thích hát Xoan, những nghệ nhân trẻ theo Xoan chưa thực hành được nhiều bài bản, chưa kế thừa được đầy đủ bài bản, lề lối, phong tục hát Xoan cổ.

[Hát Xoan - Di sản văn hóa truyền khẩu vùng đất Tổ]

Qua khảo sát ở địa bàn Phú Thọ và Vĩnh Phúc cho thấy có 18 xã; trong đó Phú Thọ 15 xã, Vĩnh Phúc 3 xã, có nguồn gốc về hát Xoan, nhưng hiện nay cũng chỉ còn bốn xã ở Phú Thọ tổ chức hát Xoan vào dịp lễ Hội mùa Xuân. Đáng tiếc hơn, trước đây, cả hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc có 31 di tích liên quan đến hát Xoan, hiện nay 15 di tích đã mất hoàn toàn, còn hai di tích đang xuống cấp nghiêm trọng. Các di tích khác mặc dù còn nhưng việc bảo tồn cũng gặp không ít khó khăn.

Sau một năm được vinh danh, hát Xoan Phú Thọ đã có những bước “trở mình” tích cực. Tính đến năm nay đã có 11/30 đình làng - không gian diễn xướng hát Xoan cổ được công nhận là Di tích Văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia. Miếu Lãi Lèn, di tích vật thể gắn với sự tích ra đời của hát Xoan bị hoang phế từ lâu đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đầu tư khôi phục với tổng kinh phí lên đến 36 tỷ đồng, hiện nay hạng mục chính công trình đã được hoàn thành.

Bên cạnh đó, đã có 13 câu lạc bộ hát Xoan được thành lập ở Phú Thọ đem đến nhiều hoạt động để duy trì sức sống mới của di sản này trong đời sống đương đại. Nhiều huyện, thành thị cũng đã có kế hoạch triển khai thực hiện chương trinh hành động “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.”

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Phú Thọ cũng đã cũng phối hợp với nhiều chuyên gia, nhạc sỹ nghiên cứu, sưu tầm biện soạn xuất bản được 4.000 đĩa CD và trên 3000 cuốn sách “Hát Xoan Phú Thọ;” đồng thời, tổ chức các lớp truyền dạy hát Xoan cho đông đảo quần chúng nhân dân tham gia; tổ chức các cuộc liên hoan tiếng hát Xoan tại các dịp lễ lớn…

Ủy ban Nhân dân tỉnh đã lên nhiều kế hoạch hành động cụ thể như xây dựng quy chế phong tặng danh hiệu nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ; tiến hành nghiên cứu, kiểm kê, truyền dạy hát Xoan cho đông đảo quần chúng nhân dân, đưa hát Xoan vào trong trường học; có kế hoạch đầu tư quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo các di tích liên quan đến di sản văn hoá phi vật thể hát Xoan…/.

Lâm Đào An (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục