Gò Đống Thây hóa đống rác

Di tích Gò Đống Thây biến thành… gò đống rác

Được công nhận là di tích lịch sử, song Gò Đống Thây ở Thanh Xuân - Hà Nội bị bỏ hoang và đang biến thành một bãi rác công cộng...
Được công nhận là di tích lịch sử từ tháng 9/1990 nhưng cho đến nay, Gò Đống Thây vẫn bị bỏ hoang và chưa một lần nào được trùng tu tôn tạo.

Nguy hiểm hơn là khu di tích này đang bị những người dân xung quanh biến thành một bãi rác công cộng, do đó nó có nguy cơ sẽ trở thành phế tích.

Khu di tích thành… bãi rác

Gò Đống Thây có  tên chữ Hán là Thất Tinh Gò, là chiến trường quân Tây Sơn đã chôn xác giặc Thanh năm 1789. Khu di tích lịch sử này có diện tích hơn 26.700m2 nằm trên địa bàn phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Ngay đầu đoạn đường rẽ từ Khuất Duy Tiến vào khu tập thể Đại học Kiến trúc đã xuất hiện tấm biển ghi rõ “Gò Đống Thây – di tích lịch sử đã được xếp hạng năm 1990, cấm xâm phạm”. Bên cạnh đó là một tấm biển ghi lại chiến tích Gò Đống Thây.

Tuy nhiên, các tấm biển này lại bị "lực lượng" bán trà đá lấn chiếm, ngồi che khuất khiến nhiều người đi qua nếu không để ý thì không thể biết có hai tấm biển tồn tại ở vị trí này.

Đi vào mấy trăm mét nữa, khu di tích lịch sử Gò Đống Thây được đánh dấu bằng một tấm biển mốc giới xiêu vẹo, han gỉ nên không thể nhìn thấy những dòng chữ được viết trên đó. Bên dưới là lớp hàng rào bảo vệ đã gãy hết nan nên chẳng còn chức năng bảo vệ hay rào chắn... Chính vì thế, những người dân xung quanh khu di tích đã tự do ra vào và biến cả khu di tích trở thành một bãi rác.

Tràn ngập trong khu di tích là các loại rác, các loại cây cối dại mọc um tùm. Địa phận của khu di tích không được quy hoạch rõ ràng và bao quanh cẩn thận nên khi bước vào, người ta sẽ có cảm giác cả khu như là một bãi đất hoang.

Hơn nữa, cả một khu di tích có diện tích rất rộng nhưng lại không hề có một tấm biển chỉ báo nào để dẫn đường. Đi sâu vào trong, chúng tôi vẫn chỉ thấy những ngôi lều lụp xụp, sập xệ. Chính vì thế phải đi lòng vòng và hỏi nhiều lần chúng tôi mới tìm được đường vào am thờ trong gò vì lối vào am chỉ có một con đường nhỏ duy nhất, cây cối lại mọc um tùm chắn hết đường nên khó quan sát. Bao quanh chân tòa am thờ nhỏ là phong phú các loại... rác phế liệu, và vài túp lều xộc xệch, tạm bợ lấn chiếm và bịt hết lối đi.

Bác Nguyễn Hữu Vân, bảo vệ của khu di tích cho biết, bác cũng đã nhiều lần nhắc nhở những người dân xung quanh không được đổ rác vào trong khu di tích, nhưng nhiều người dân vẫn lén lút tìm cách đổ trộm. Thỉnh thoảng, cơ quan chức năng lại phải đưa xe đến chở những đống rác trong khu di tích đi chỗ khác, nhưng ngay sau đó tình trạng này lại tiếp diễn...

Chưa một lần tu sửa, tôn tạo

Không chỉ bị biến thành bãi rác, Gò Đống Thây còn trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng một cách bừa bãi của nhiều hộ dân xung quanh. Đi vào địa phận khu di tích thấy ngay trước mắt là cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu của những ngôi nhà lá tạm bợ, xiêu vẹo. Những người dân xung quanh đây cho biết đó là nơi sinh sống của một số đội xây dựng do thiếu chỗ ở nên làm lều ngay trong khu di tích để ở tạm.

Do tình trạng mất vệ sinh và cỏ dại mọc um tùm như thế nên gò Đống Thây còn bị biến thành nhà vệ sinh lộ thiên của một số đối tượng vãng lai.

Bác Nguyễn Văn Kha, một người dân sinh sống ở ngay gần khu vực gò Đống Thây hai chục năm nay cho biết thêm, khu di tích còn thường xuyên là nơi tụ tập của các đối tượng tệ nạn, đặc biệt là các con nghiện.

Tình trạng đó diễn ra trong suốt một thời gian dài, đặc biệt có những đối tượng rất nguy hiểm còn biến khu di tích trở thành nơi trú ẩn và buôn bán ma túy.

Không thể nhìn khu di tích bị xâm hại thêm, nhiều lần bác Nguyễn Hữu Vân đã phải đề nghị đội trật tự và công an phường Thanh Xuân Trung hỗ trợ để dẹp các hiện tượng tệ nạn xã hội diễn ra xung quanh khu di tích. “Tôi chỉ mong muốn khu Gò Đống Thây thực sự được trong sạch theo đúng nghĩa của một khu di tích để chúng ta không cảm thấy hổ thẹn với lịch sử vẻ vang của cha ông mà thôi,” bác Vân chia sẻ.

Tuy nhiên, bác Vân cũng cho biết, đó chỉ là những giải pháp “dẹp loạn” tức thời nên hiệu quả chỉ mang tính trước mắt, một thời gian sau tình trạng đó lại tái diễn.

Cũng theo bác Vân, từ khi được công nhân là di tích lịch sử từ năm 1990 đến nay, cả khu di tích vẫn chưa được một lần nào tu sửa và tôn tạo. Chính vì thế, cùng với sự xâm hại bừa bãi của những người dân xung quanh thì các cơ quan chức năng cũng đã và đang lãng quên một trong những di tích lịch sử rất có ý nghĩa...

Vì vậy, bác Kha và nhiều người dân trong khu vực mong muốn trong tương lai, các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp tu sửa, cải tạo và quy hoạch rõ ràng, khoanh vùng khu di tích để ngăn chặn những hành vi xâm phạm làm "biến dạng" một khu di tích ngay giữa lòng Thủ đô./.

Nguyễn Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục