Di tích lịch sử ở Nam Định có nguy cơ bị xóa sổ

Hầu hết các di tích cách mạng trên địa bàn thành phố Nam Định đều không được giữ gìn và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Hiện nay, tại Nam Định, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng đang bị "đối xử tàn tệ" dẫn tới nguy cơ bị xóa sổ trong nay mai.

Hầu hết các di tích cách mạng được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn thành phố Nam Định như Khu Chỉ huy sở của Thành ủy Nam Định, Cửa hàng ăn uống dưới hầm, Hầm cắt tóc, Nhà số 7 Bến Ngự - nơi thành lập chi hội đầu tiên của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội Nam Định... đều không được giữ gìn với đúng tầm của nó.

Khu Chỉ huy sở của Thành ủy Nam Định được xây dựng cuối năm 1966, bao gồm nhà chỉ huy và hầm chỉ huy. Hầm chỉ huy có chiều dài hơn 14m, có hai cửa lên và xuống, trên mỗi cửa có nhà chỉ huy xây gạch và đắp luỹ đất bên ngoài. Đây là nơi Thành ủy Nam Định làm việc và hội họp, chỉ huy sản xuất, chiến đấu trong thời kỳ chống Mỹ, đặc biệt là những lúc có máy bay giặc bắn phá.

Khu Chỉ huy sở của Thành ủy Nam Định đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử-văn hóa từ năm 1979.

Sau 44 năm được xây dựng và 31 năm kể từ khi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, giờ đây khu di tích này hầu như đã bị lãng quên.

Khu Chỉ huy sở của Thành ủy Nam Định hiện nằm trong khu đất thuộc Công ty cổ phần in Nam Định quản lý.

Ở khu vực này không ai có thể tìm thấy tấm biển ghi danh di tích. Nhà Chỉ huy đã được Công ty in Nam Định sửa chữa, trưng dụng làm nơi làm việc, sản xuất. Hầm chỉ huy cũng đã bị bịt kín... Nếu không được giới thiệu từ trước, không ai có thể nhận ra đây là một di tích lịch sử.

Cũng như Khu Chỉ huy sở của Thành ủy, di tích Cửa hàng ăn uống dưới hầm thành phố Nam Định cũng bị đối xử một cách "tàn tệ." Di tích này là một công trình kiến trúc khá đặc biệt với hình dáng là một giao thông hào hình chữ Z nửa chìm, nửa nổi. Cửa hàng ăn uống dưới hầm là di tích đã gắn liền với lịch sử vừa sản xuất, vừa chiến đấu của quân dân thành phố Nam Định trong thập kỷ 60-70 của thế kỷ 20.

Năm 1979, Cửa hàng ăn uống dưới hầm đã được Nhà nước cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Thế nhưng, di tích lại được chính quyền giao cho các tổ chức, cá nhân sử dụng mà không hề có sự quản lý, giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng.

Hiện khu di tích này đã được doanh nghiệp và hộ gia đình biến thành của riêng, trong đó cửa hàng ăn uống được dùng làm quán càphê, cửa hầm phía trước bị bịt hoàn toàn, cửa hầm phía sau được doanh nghiệp xây dựng thành các kiốt kinh doanh xe máy, kính mắt. Hầm được doanh nghiệp trưng dụng làm kho, thậm chí một phần của hầm còn bị đập phá hoàn toàn.

Cũng ra đời trong cuộc chiến đấu của quân dân Thành Nam chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược, Cửa hàng cắt tóc dưới hầm ở đường Nguyễn Du, thành phố Nam Định là nơi đảm bảo an toàn tính mạng cho thợ cắt tóc cũng như khách hàng.

Nhà hầm cắt tóc được xây dựng chìm xuống đất, sâu 1,2m, trên nóc lợp ngói có xếp một lượt bao trấu để chống bom bi, xung quanh nhà được đắp lũy đất bảo vệ. Nơi đây như một biểu tượng, chứng minh rằng trong những lúc chiến tranh ác liệt nhất, hoạt động thường ngày ở Thành Nam vẫn diễn ra bình thường.

Cửa hàng cắt tóc dưới hầm đã được nhiều đoàn đại biểu, đoàn khách, nhà báo trong nước và quốc tế đã đến thăm... và đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1979.

Chiến tranh kết thúc, sau khi được công nhận là di tích lịch sử, Cửa hàng cắt tóc dưới hầm được chính quyền địa phương giao cho ông Đào Quang Thiều, người thợ cắt tóc ở đây trong suốt thời kỳ chiến tranh quản lý, sử dụng. Nay cửa hàng được con trai ông Thiều tiếp tục kế nghiệp.

Sau nhiều năm năm tồn tại, Cửa hàng cắt tóc dưới hầm chưa từng được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm, đầu tư tu sửa nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện lũy đất bao quanh hầm và những bao trấu chống bom bi trên nóc hầm không còn nữa, các vách cửa, vì kèo đều bị mối mọt, mái ngói bị rột nát trông rất thảm hại./.

Phạm Văn Tiếp (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục