Trường Lũy thành phế tích?

Di tích Quốc gia Trường Lũy bị xâm hại trầm trọng

Hiện nay việc bảo vệ Di tích Quốc gia Trường Lũy tại tỉnh Quảng Ngãi còn nhiều bất cập và đang bị xâm hại đến mức báo động,
Tháng 3/2011, Di tích Trường Lũy, tỉnh Quảng Ngãi được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ký Quyết định xếp hạng di tích cấp Quốc gia.

Tuy nhiên, hiện nay việc bảo vệ di tích Trường Lũy còn nhiều bất cập. Tình trạng xâm hại di tích đã đến mức báo động, nếu không kịp thời có biện pháp bảo vệ, di tích Trường Lũy có nguy cơ thành phế tích.

Trường Lũy được xây dựng từ trước thế kỷ XVII-XIX, có chiều dài 127,4km, kéo dài từ huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đến huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Riêng địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có chiều dài 113km, Trường Lũy đi qua địa phận 8 huyện của Quảng Ngãi, thành lũy đắp bằng đất và đá xếp rộng từ 2-4m, cao từ 2-3m. Hiện nay, trên dọc lũy vẫn còn những đoạn lũy ở Hành Dũng, Hành Tín Đông ở huyện Nghĩa Hành; Ba Động (thuộc huyện Ba Tơ... khá nguyên vẹn.

Di tích Trường Lũy đi qua địa bàn huyện Ba Tơ có chiều dài 22km. Nhiều người dân ở dọc khu vực di tích chưa hiểu hết giá trị độc đáo của nó đã vô tình xâm hại.

Ngày 14/2 vừa qua, ông Trần Văn Thiết, ở xã Ba Động, huyện Ba Tơ thuê xe ủi san ủi một đoạn di tích Trường Lũy dọc theo Quốc lộ 24 với chiều dài 28m để trồng cây. Sau khi phát hiện hành vi này, Ủy ban Nhân dân xã Ba Động, huyện Ba Tơ lập biên bản và đình chỉ.

Ông Trần Văn Khiết cho rằng, ông không hề hay biết đây là khu vực di tích, vì nơi đây không có biển báo là di tích quốc gia. Ông nói: “Lâu nay tôi không nghe ai tuyên truyền, không ai nói đây là bờ lũy. Tại khu vực này hàng chục năm nay tôi canh tác và trồng cây keo khai thác xong, nên tôi nghĩ ủi ra cho đất bằng phẳng tiện canh tác xen canh mì với cây keo.”

Qua sự việc xâm hại di tích này cho thấy việc tuyên truyền để người dân sống xung quanh khu vực di tiích hiểu rõ ý nghĩa về giá trị của di tích và có trách nhiệm bảo vệ di tích còn hạn chế.

Ông Võ Văn Sỹ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ba Động, huyện Ba Tơ trăn trở: “Đối với địa phương, sau khi tỉnh công bố là biết Trường Lũy đi qua xã, nhưng về mặt quản lý Nhà nước thì bản đồ hiện trạng xã cũng chưa có. Thứ hai là trách nhiệm của cơ quan chức năng do chưa cắm mốc, cơ quan quản lý di tích cần có biển báo và cắm mốc để dân biết, nếu đi qua thôn nào thì xã giao cho trưởng thôn đó phải quản lý. Từ vụ việc xâm hại này, thời gian tới xã giao cho các thôn quản lý cho tốt.”

Do chưa có bản đồ hiện trạng di tích, kể cả việc cắm mốc di tích nên địa phương vẫn còn lúng túng trong việc bảo vệ di tích Trường Lũy. Di tích này lại nằm rải rác trong rừng nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa có Quy chế bảo vệ di tích này.

Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết đề án bảo vệ gắn với phát triển du lịch di tích Trường Lũy Sở đã làm nhưng chưa được phê duyệt. Trong thời gian sắp tới chúng tôi tiếp tục tuyên truyền giá trị di tích Trường Lũy, phổ biến pháp luật liên quan đến Trường Lũy để nhân dân các địa phương có ý thức bảo vệ di tích cấp quốc gia.

Ngay sau khi phát hiện việc xâm hại di tích Trường Lũy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân huyện Ba Tơ tổ chức kiểm tra, xác định thực trạng Di tích Quốc gia Trường lũy tại xã Ba Động, huyện Ba Tơ bị xâm hại.

Trên cơ sở đó, Sở khẩn trương thực hiện việc đo đạc, cắm mốc giới bảo vệ đối với toàn bộ Di tích Quốc gia Trường lũy; đồng thời chủ trì phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Ba Tơ xử lý và yêu cầu đối tượng vi phạm khôi phục hiện trạng như ban đầu phần di tích Quốc gia Trường lũy bị xâm hại đảm bảo đúng quy định./.

Nguyễn Đăng Lâm (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục