Thành cổ dần hoang phế

Di tích thành cổ Hóa Châu-Huế đang dần hoang phế

Di tích thành cổ Hóa Châu-Huế được phát hiện đã lâu nhưng do chưa được xếp hạng và có kế hoạch bảo tồn nên đang dần hoang phế.
Lãnh đạo xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho biết, thành cổ Hóa Châu được phát hiện đã lâu nhưng do chưa được xếp hạng nên di tích này ngày càng hoang phế do không có kinh phí để gìn giữ, bảo tồn.

Sau bốn năm (từ năm 2009 đến tháng 3/2013) phối hợp nghiên cứu khu vực thành cổ Hóa Châu giữa Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế với Đại học Osaka và Đại học Kanda (Nhật Bản) cho nhiều kết quả mới.

Theo giáo sư, tiến sỹ Nishimura Masanari (Đại học Osaka) sau đợt khảo sát trên diện rộng lần này cho thấy thành Hóa Châu không chỉ có hai vòng lũy thành mà còn có chu vi thành ngoài hơn 4.700 mét, vòng thành ngoài quy mô rất lớn so với các thành cổ Chămpa khác.

Quá trình sử dụng thành này kéo dài từ thế kỷ 9,10 đến thế kỷ 14,15. Một số hiện vật thu được qua các đợt khảo sát phần nào khái quát được nét sinh hoạt xưa ở khu vực thành cổ Hóa Châu. Đây cũng là cơ sở khoa học để đề nghị xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cho thành cổ Hóa Châu.

Trước đó, vào năm 1997, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế, Sở Văn hóa Thông tin tiến hành khai quật và phát hiện thành cổ Hóa Châu. Sau khi khai quật thí điểm ba hố với diện tích 200m2 ở nội thành Hóa Châu, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật thuộc ba tầng văn hóa là Chămpa, Trần-Lê và Nguyễn. Ngay lập tức, khu vực này được dựng cột mốc bằng bêtông để đánh dấu ranh giới, bảo vệ.

Theo đánh giá của các nhà khảo cổ, toàn bộ di vật của thành cổ hiện đang nằm trong lòng đất ở độ sâu chừng 2m. Tuy nhiên hiện nay khu vực này một phần đã thành ruộng trồng lúa, trồng rau; cột mốc lập khi đó đến nay đã bị xê dịch.

Các cột đá to với chiều dài hơn 1m có các chữ viết, chạm khắc thời Chămpa cũng đang nằm phơi mưa, nắng, bị cây cối bao phủ, nét chữ phai mờ đến độ chữ còn chữ mất. Bên cạnh nội thành, dãy thành quách bằng đất bao quanh cũng đang bị xâm phạm nghiêm trọng.

Theo sử sách, Hóa Châu là một thành cổ có trước năm 1306 của người Chiêm Thành trên đất Lý Châu, đến khi thuộc về Đại Việt mới đổi thành Hóa Châu. Từ đó, thành cũ của người Chăm được gọi là Hóa Thành, sau đó Hóa Thành là trung tâm, lỵ sở của Châu Hóa, rồi lộ Thuận Hóa, phủ Triệu Phong.

Hóa Châu được trùng tu năm 1632, để đề phòng quân Chiêm xâm lấn... Đến thời kỳ các chúa Nguyễn, thì Hóa Châu không còn là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế nữa và dần dần hoang phế./.
 
Quốc Việt (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục