Đi tìm lời giải cho căng thẳng giữa Nga và Ukraine

Lực lượng hải quân Nga bắt giữ 3 tàu của Ukraine với cáo buộc xâm phạm biên giới Nga bất hợp pháp, còn Ukraine cho biết đã báo cho phía Nga, nhưng FSB lại khẳng định không hề nhận được thông báo nào.
Đi tìm lời giải cho căng thẳng giữa Nga và Ukraine ảnh 1Các tàu hải quân Ukraine bị lực lượng tuần duyên Nga bắt giữ sau khi xâm phạm lãnh hải Nga ở Eo biển Kerch, ngày 26/11 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng cnbc/Reuters/Sputnik/BBC cùng đưa tin, sáng 25/11, lực lượng hải quân Nga đã bắt giữ 3 tàu của Ukraine là Berdyansk, Nikopol và Yana Kapu với cáo buộc xâm phạm biên giới của Nga một cách bất hợp pháp.

Ukraine cho biết nước này đã báo trước cho phía Nga, nhưng Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) lại khẳng định không hề nhận được thông báo nào.


Khẩu chiến Nga-Ukraine...

Những ngày qua, chính quyền Nga cáo buộc các thủy thủ Ukraine cố tình hành động như vậy nhằm khiêu khích Moskva.

Họ cho rằng các tàu của Ukraine đã vi phạm lãnh hải của Nga ở Biển Đen và rằng các tàu đó "đã tiến hành các hành động nguy hiểm," không đáp lại các hướng dẫn của Ban Quản lý Biên giới của Cơ quan An ninh Liên bang Nga và Hạm đội Biển Đen.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26/11 vừa qua cho rằng Ukraine đã vi phạm Luật Hàng hải và Luật Quốc tế, đồng thời khẳng định "chắc chắn các quan chức Ukraine biết rõ vụ việc này."

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang tìm cách nâng uy tín cá nhân trước cuộc bầu cử vào năm 2019 bằng vụ đối đầu với Nga nói trên.

Phát biểu tại một diễn đàn đầu tư ngày 28/11 vừa qua, ông Putin nói: "Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko phải làm vậy để khiến tình hình căng thẳng thêm.”

Hãng tin nhà nước Nga TASS dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Peskov nói rằng "sẽ là sai lầm nếu giảm tầm quan trọng và nguy hiểm của những hành động khiêu khích như vậy (của Ukraine)."

Cùng ngày, Nga cho biết sẽ điều thêm nhiều hệ thống tên lửa đất đối không tân tiến S-400 tới bán đảo Crimea.

Người phát ngôn khu quân sự phía Nam của Nga Vadim Astafyev, được các cơ quan thông tấn Nga dẫn lời ngày 28/11 vừa qua cho biết một tiểu đoàn tên lửa S-400 mới sẽ sớm được đưa đến Crimea và bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay.

[Kiev xem xét ngăn chặn tàu của Nga tiến vào các cảng của Ukraine]

Việc triển khai tên lửa này có thể đã được lên kế hoạch từ lâu, nhưng thời điểm thông báo nói trên dường như nhằm gửi một thông điệp tới Ukraine và phương Tây rằng Nga rất cương quyết bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của mình.

Về phản ứng của Ukraine, nước này gọi việc Nga bắt giữ 3 tàu của nước này là một "hành động gây hấn" và vi phạm hiệp ước năm 2003 giữa hai nước, theo đó cho phép các nước tự do sử dụng eo biển Kerch và Biển Azov.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc với Nga, Tổng thống Poroshenko cũng đã tuyên bố thiết quân luật trong vòng 30 ngày. Quyết định của ông được Quốc hội Ukraine ủng hộ và có hiệu lực đói với 10 khu vực biên giới của Ukraine.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Poroshenko nói rằng "đất nước đang đứng trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh toàn diện với Nga."

Tuy nhiên, phía Ukraine cũng thừa nhận rằng trên những chiếc tàu bị Nga bắt giữ có nhiều sỹ quan tình báo Ukraine.

Giám đốc, giáo sư của Viện Khoa học Xã hội và Quan hệ Quốc tế thuộc trường Đại học Quốc gia Sevastopol Chikharev cho rằng Tổng thống Petro Poroshenko đang theo đuổi chính sách chia rẽ đất nước bằng việc áp đặt thiết quân luật.

Ông nói: "Trước hết, cần lưu ý rằng việc thiết quân luật tại một số khu vực sẽ gây ra sự chia rẽ nghiêm trọng hơn nữa ở Ukraine và điều này cho thấy chế độ Poroshenko hoàn toàn vô trách nhiệm trong cuộc đấu tranh giành quyền lực, họ thậm chí chấp nhận nguy cơ đánh mất sự thống nhất đất nước.”

Chuyên gia này tin rằng trong tháng tới, nước Nga có thể sẽ phải đối mặt với những hành động khiêu khích tiếp theo của chính quyền Ukraine ở trên biển và trên đất liền - đó là logic của một cuộc chiến tranh.


... và tác động đối với quan hệ Nga-Mỹ

Việc Nga đưa thêm tên lửa vào Crimea có thể phá vỡ cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị G20 ở Argentina vào cuối tuần này.

Từ trước đến nay, Mỹ vẫn luôn nói rằng việc Nga triển khai hệ thống tên lửa tới bán đảo Crimea là một hành động "không tốt."

Đi tìm lời giải cho căng thẳng giữa Nga và Ukraine ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 27/11 vừa qua, ông Trump nói với giới truyền thông rằng ông có thể hủy cuộc gặp với người đồng cấp Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 do vụ việc vừa diễn ra ở eo biển Kerch giữa Nga và Ukraine.

Ông nêu rõ: "Tôi không thích và hoàn toàn không muốn thấy sự hung hăng đó” và cho biết thêm ông sẽ sớm nhận được báo cáo đầy đủ về vụ việc, đó là “một văn bản (báo cáo) có ý nghĩa quyết định, có lẽ tôi sẽ không có cuộc gặp với ông Putin.”

Nhà khoa học chính trị, Phó Giám đốc Viện Phát triển Tư tưởng Quốc gia Hiện đại (Nga) Igor Shatrov nói: “Nhiều chuyên gia cho rằng một trong những mục tiêu của các hành động khiêu khích ở eo biển Kerch là nhằm phá vỡ cuộc gặp ông Trump và ông Putin. Mục tiêu này có thể đạt được. Ai đó đang tìm cách tách ông Trump ra khỏi các mối liên hệ với ông Putin. Điều này được thể hiện rõ trong suốt thời gian qua.

Họ làm như vậy vì thấy ông Trump đang cố gắng thể hiện sự độc lập của ông ấy và họ lo sợ Tổng thống Trump có thể không nghe lời khuyên của các trợ lý. Trên thực tế, ông Trump thường xuyên không nghe lời khuyên của các trợ lý và muốn nâng mối quan hệ với Nga lên một cấp độ khác."

Mặc dù vậy, ngày 28/11 vừa qua, Nga bày tỏ hy vọng cuộc gặp Tổng thống Putin và người đồng cấp Trump sẽ vẫn diễn ra theo kế hoạch.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết cuộc gặp vẫn đang được c huẩn bị và Nga chưa nhận được bất kỳ thông tin nào khác từ phía Mỹ.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tăng cường nỗ lực giúp đỡ Ukraine. EU, qua tuyên bố của Ngoại trưởng Áo - hiện là Chủ tịch luân phiên của EU - không loại trừ khả năng tăng cường trừng phạt Nga. Ba Lan và các nước Baltic ủng hộ điều này.

Phát biểu với các phóng viên ở Geneva ngày 28/11 vừa qua, Ngoại trưởng Nga nói rằng Mỹ nên ngừng khuyến khích các hành động khiêu khích của Ukraine mà thay vào đó ngay lập tức làm trung gian hòa giải giữa Kiev và những người nổi dậy tại những khu vực của Ukraine.

Ông nêu rõ: "Việc Mỹ khích lệ những hành động khiêu khích của Ukraine nhằm tạo ra một vụ rùm beng với mục đích chính trị trong nước của họ làm tôi vô cùng thất vọng... Tôi nghĩ chúng ta chưa nhìn thấy hết hệ lụy của những hành động khiêu khích đó.”

Dư luận chung

Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu địa chính trị Eurocontinent Pierre-Emmanuel Thomann cho rằng vụ việc ở Eo biển Kerch không phải là xung đột địa phương mà đây là vấn đề địa chính trị thế giới, bắt nguồn từ sự cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Nga.

[Kiev xem xét ngăn chặn tàu của Nga tiến vào các cảng của Ukraine]

Ông nói: “Thực tế, các nước EU đang bảo vệ Ukraine cũng đồng thời là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)."

Theo ông Thomann, chiến lược địa chính trị của Mỹ là “cắt đứt con đường của Nga từ Biển Đen đến biển Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Đó là lý do tại sao Nga cực kỳ nhạy cảm với việc duy trì an ninh ở Biển Đen, trong khi Ukraine đi theo chiến lược đối đầu với Nga và là quốc gia đóng vai trò ngăn cản Nga tiếp cận Địa Trung Hải.”

Nhìn chung, dư luận cho rằng dù Nga và Ukraine đều "cứng giọng" với nhau, nhưng khó có khả năng bùng phát chiến tranh.

Trong bài viết mang tựa đề “Thị trấn Tarman không tin chiến tranh sẽ nổ ra với Kiev,” phóng viên báo Le Figaro cho biết đã đến thị trấn nhỏ bé này của nước Nga, bên bờ biển Azov để tìm hiểu xem người dân ở đó nghĩ gì về sự cố vừa xảy ra giữa Hải quân Nga và Ukraine.

Câu trả lời của người dân tại đây rất rõ ràng: Không thể có chiến tranh vì người Ukraine thừa biết họ không có phương tiện hải quân để đối phó với hạm đội Nga. Ngư dân tại Tarman không ngần ngại đổ lỗi cho chính quyền Kiev là bên gây sự.

Báo Pháp Le Figaro cho rằng việc chỉ số uy tín của cả hai tổng thống Nga và Ukraine "tuột dốc" có thể là nguyên nhân gây căng thẳng bất ngờ trên biển Azov.

Tờ báo viết: “Moskva và một phần của phe đối lập Ukraine cáo buộc Poroshenko thổi bùng căng thẳng để nâng cao uy tín, trong bối cảnh ông phải đối mặt với một cuộc bầu cử khó khăn vào tháng 3/2019, khi ông muốn làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ thứ hai.

Còn Ukraine cho rằng chính ông Putin mới là bên sinh sự, lý do cũng là nhằm nâng cao uy tín trong mắt người dân Nga."

Theo Le Figaro, dù vẫn còn ở mức cao là 66%, nhưng chỉ số tín nhiệm của Putin đã giảm từ vài tháng nay, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục