Đi tìm tương lai ảo

Những người Việt đi tìm tương lai ảo ở nước Anh

Sống trong túp lều tạm bợ ở một khu rừng tại Pháp, những người Việt nhập cư bất hợp pháp tồn tại với ảo mộng tìm cơ hội sang Anh.
Trên nền tuyết trắng xóa của một cánh rừng ở phía Bắc nước Pháp, thấp thoáng phía sau những cành cây khẳng khiu, nổi lên một vài cái túp lều tạm bợ. Ít ai biết rằng đó là nơi tạm trú của những người Việt nhập cư bất hợp pháp.

Họ đang chờ đợi để tìm cơ hội sang Anh, nơi mà họ cứ ngỡ rằng đó là thiên đường, để rồi trải qua biết bao gian nan, nếm trải biết bao cùng cực mà thiên đường ảo mộng đó vẫn mờ mịt như sương mù London.

Ngày 28 Tết Canh Dần, trong gió lạnh và mưa tuyết, chúng tôi theo chân một số tình nguyện viên thuộc các tổ chức nhân đạo mang đồ tiếp tế đến những người Việt ở rừng Angres để họ ăn Tết.

Đón chúng tôi từ bìa rừng là những nụ cười rạng rỡ ánh lên trên những gương mặt khắc khổ. Hơn một chục người, đa số là thanh niên dẫn chúng tôi lên lỏi trong rừng cây mùa đông trơ trụi lá cành.

Những túp lều cất lên tạm bợ, đủ để che nắng, che mưa, nhưng không đủ để chống chọi với cái giá rét của mùa đông nước Pháp.

Củi được bỏ thêm vào lò để tăng hơi ấm cho căn lều chính, những cốc trà nóng khiến cho câu chuyện có phần rôm rả hơn.

Có thể vì nghĩ rằng chúng tôi cũng là thành viên của nhóm hoạt động từ thiện nên những "Người Rừng" ở Angres không ngại ngần cởi mở, giãi bày. Cũng có thể họ nghĩ rằng kể ra miệng cũng là một cách để làm vợi bớt đi những nỗi cơ cực mà họ đã trải qua, và cũng để lấy can đảm cho chặng đường đi sắp tới.

Qua giọng nói và những lời tự giới thiệu, chúng tôi được biết rằng những người sống ở khu lều trại này đến từ các tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình, Nghệ An, ... đa số đều chỉ có trình độ phổ thông, một số đã có gia đình con cái, từng sống nơi quê nhà bằng những công việc khá ổn định, mặc dù không kiếm được nhiều.

Không ai còn giữ giấy tờ tùy thân. Ngay cả cái tên họ tự giới thiệu cũng không biết là tên thật hay giả. Nhưng nhìn nét khắc khổ, hãi hùng trên những gương mặt bơ phờ bởi sương gió dặm đường, chúng tôi tin rằng những điều họ kể về chuyến hành trình gian nan và vất vả mà họ đã trải qua để đến được bờ biển Manche phần nhiều là sự thật.
 Những túp lều tạm bợ, nơi ở của người Việt nhập cư bất hợp pháp ở rừng Angres. (Ảnh: Thu Hà/Vietnam+)
 Những túp lều tạm bợ, nơi ở của người Việt nhập cư bất hợp pháp ở rừng Angres. (Ảnh: Thu Hà/Vietnam+)
Nord-Pas-de-Calais, điểm dừng chân của những người nhập cư bất hợp pháp

Cách Paris 250km về phía Tây Bắc là thị xã Calais, thuộc vùng Nord-Pas-de-Calais, nơi nổi tiếng với con đường hầm Eurotunnel xuyên qua eo biển Manche, nối Anh với Pháp và lục địa châu Âu.

Đây cũng là nơi tập trung những người nước ngoài, nhập cư bất hợp pháp, sống chui lủi trong các cánh rừng đầm lầy rậm rạp và ít người lui tới. Do sống chủ yếu trong rừng nên báo chí và dân địa phương thường gọi họ là "Người Rừng."

Họ ẩn náu ở đó để tìm cơ hội bám vào các xe tải, theo những chuyến phà đi qua biển, hoặc theo đường hầm Eurotunnel để vào Anh, nơi họ tin rằng sẽ có được một cuộc sống mới sung sướng hơn.

Số người nhập cư bất hợp pháp ở Calais đã có lúc lên đến 700-800 người, đông nhất là người đến từ các quốc gia ở Trung Đông, châu Phi, những nơi thường bị chiến tranh, xung đột hoặc nghèo đói, thiên tai hoành hành như Afghanistan, Iraq, Somalia, Nigeria... Tuy nhiên, cũng có những người đến từ các nước Đông Âu, hay những nước đang phát triển ở châu Á.

Những người dân nhập cư bất hợp pháp này thường co cụm thành từng nhóm, sống theo cộng đồng dân tộc, trong các lán trại ngoài rừng hoặc trong những khu nhà cất tạm bợ.

Người có tiền thì chờ sự sắp xếp của một số "đường dây" đưa người qua biên giới. Người không có tiền thì hoặc tự chui vào xe tải, lên phà vượt biển sang Anh, hoặc bám theo tàu hay ôtô, chạy qua đường hầm Eurotunnel qua biển Manche để tới quốc đảo.

Không ít trường hợp đã bị tai nạn, tử vong, hoặc bị bắt đưa vào trại tạm giam ở Pháp, Hà Lan, Đức, rồi sau đó bị trả về quê hương nếu xác định được danh tính và nơi cư trú.

Một điều lạ là không ai trong số những người nhập cư bất hợp pháp ở Calais có ý định ở lại Pháp hoặc Bỉ, mà đều chỉ muốn tìm đường sang Anh, nơi họ cho rằng có thể sống và làm giàu được ngay cả khi không có giấy tờ.

Nạn nhập cư bất hợp pháp tại khu vực này luôn là vấn đề khiến các nhà cầm quyền địa phương và chính phủ Pháp đau đầu từ nhiều năm nay. Những vụ lộn xộn, xô xát giữa các nhóm cộng đồng người nhập cư với nhau, hoặc giữa người nhập cư với người dân bản địa thường xuyên xảy ra.

Ở cái nơi tập trung những linh hồn phiêu bạt, vất vưởng đến cùng cực này, nạn cướp bóc, trấn lột, bảo kê, ma túy, ma cũ bắt nạt ma mới... diễn ra như cơm bữa, khiến tình hình trật tự trị an luôn bất ổn.

Để "dọn dẹp" vùng rừng đầm lầy Calais, và ổn định lại an ninh khu vực, Bộ trưởng Di trú Pháp Eric Besson đã quyết định tăng cường các biện pháp để xóa bỏ tình trạng di dân bất hợp pháp tập trung tại cùng Nord-Pas-de-Calais.

Nói là làm, hồi cuối tháng 9/2009, các lực lượng chức năng của Pháp đã tiến hành những đợt vây ráp, xóa sổ các khu trại lớn nhất của người nhập cư bất hợp pháp có tên gọi "Rừng rậm" ở Calais.

Các lều trại bị phá hủy, các nhóm dân cư bất hợp pháp, phần thì lánh nạn sang những vùng khác, phần bị bắt giữ và bị trả về quê hương theo dạng hồi hương tự nguyện, hoặc mạnh hơn là hồi hương cưỡng bức.

Về phía những người Việt nhập cư bất hợp pháp ở khu vực này, trừ một số bị cảnh sát bắt, đa số đã chạy sang những vùng lân cận như Dunkerque, Arras... để lánh nạn. Một bộ phận người Việt đã trôi dạt về Angres, cách đường hầm Eurotunnel chạy qua eo biển Manche tới Anh hơn 100km, sống tạm bợ trong những chiếc liều bạt cất tạm ven rừng, nơi gần đường quốc lộ./.
Cái giả phải trả cho những kẻ tiếp tay
 
 Mới đây, báo chí Anh đưa tin tòa án ở Northampton tuyên án công dân Anh gốc Việt, Vũ Văn Hạnh, 40 tuổi, 11 năm tù vì tội danh đưa lậu cả trăm người vào nước này. Người em cùng cha khác mẹ, đã làm đám cưới giả để đưa Hạnh qua Anh là Vũ Thị Đức, 37 tuổi, cũng bị lãnh án 2 năm sau khi nhận bốn tội danh. Chánh án Richard Bray cho biết hai người này sẽ bị trục xuất về Việt Nam vì nhập quốc tịch Anh một cách gian lận.
 
 Kết quả điều tra cho thấy chỉ trong vòng một năm, Hạnh đã thường xuyên về Việt Nam tìm cách đưa người bất hợp pháp qua Anh, kể cả bà con của mình. Cảnh sát bắt đầu để ý sau khi một người bà con xa của Hạnh là Lê Đức, 28 tuổi, khai với nhà chức trách rằng để sang được Anh, mấy người này đã buộc họ phải trả 20.000 bảng Anh (tương đương 30.000 USD) và buộc phải làm cho tiệm làm móng tay của Hạnh trong 7 năm ròng mà tiền lương thường bị Hạnh giữ hết.
 
 Đến khi Đức xin nghỉ làm thì Hạnh đòi bồi thường 1.000 bảng Anh (1.500 USD). Đức không chịu và ra trình cảnh sát sau khi bị Hạnh đánh.
 
 Trước đó, tháng 1/2010, bà Christiane Chocat 51 tuổi, nghị viên hội đồng địa phương quận Seine et Marne ở phía nam Paris (Pháp), đã bị cảnh sát cảng Portsmouth của Anh bắt giữ cùng với con trai Benjamin, 20 tuổi. Hai người này bị phát hiện và bị bắt khi họ đang chở lậu 16 người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Tòa án Anh đã kết án bà Christiane Chocat, 3 năm tù, và con trai bà 5 năm tù giam, với tội danh tổ chức đưa người nhập cư bất hợp pháp vào Anh. 
Nguyễn Thu Hà/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục