Địa phương cần giám sát quản lý hóa chất chặt chẽ hơn

Địa phương cần kiểm tra, giám sát quản lý hóa chất chặt chẽ hơn

Vụ nổ xảy ra tại xưởng sản xuất phân bón ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/10 cho thấy, công tác quản lý an toàn sản xuất-kinh doanh hóa chất còn nhiều bất cập.
Địa phương cần kiểm tra, giám sát quản lý hóa chất chặt chẽ hơn ảnh 1Hiện trường vu nổ hóa chất ở Công ty sản xuất thương mại Đặng Huỳnh, TP.HCM ngày 17/10 vừa qua. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Vụ nổ xảy ra tại xưởng sản xuất phân bón chi nhánh của Công ty sản xuất thương mại Đặng Huỳnh trên đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/10 cho thấy, công tác quản lý an toàn sản xuất-kinh doanh hóa chất còn nhiều bất cập.

Xung quanh vấn đề này, Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất thuộc Bộ Công Thương.

- Vụ việc cháy nổ xảy ra tại Công ty sản xuất thương mại Đặng Huỳnh tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy đây là vi phạm rất nghiêm trọng trong hoạt động sản xuất-kinh doanh hóa chất. Phải chăng hoạt động quản lý cũng như những chế tài xử lý vi phạm chưa chặt chẽ và chưa đủ sức răn đe, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thanh: Sự việc xảy ra tại Công ty sản xuất thương mại Đặng Huỳnh là do doanh nghiệp chưa nhận thức tốt về các quy định pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực này. Cộng thêm không thực hiện đầy đủ các quy trình vận hành an toàn trong sản xuất dẫn tới những hậu quả đáng tiếc như đã xảy ra.

Trên thực tế, doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động sản xuất-kinh doanh hóa chất đã là vi phạm rất rõ ràng. Việc sản xuất phân bón lá cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất được cấp phép nhưng phải đảm bảo đủ các điều kiện cũng như cam kết thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật, quy định an toàn phòng chống cháy nổ cũng như nhiều quy định pháp luật khác.

Còn về cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất, ngày 30/9 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 29/2014/TB-BCT hướng dẫn việc cấp phép sản xuất phân bón vô cơ, đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón.

Chưa kể trước đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã có nhiều văn bản quy định rõ về đảm bảo an ninh an toàn phòng chống cháy nổ trong lĩnh vực hóa chất... Như vậy, có thể khẳng định các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành đầy đủ. Thậm chí chế tài xử phạt vi phạm cũng có thể coi là đủ sức nặng vì không chỉ là vấn đề phạt hành chính mà còn cao hơn là việc thu hồi giấy phép hoạt động... nên doanh nghiệp không thể coi nhẹ.

Vấn đề là việc thực thi pháp luật ra sao, nếu doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất hóa chất không đảm bảo thi hành đúng các quy định pháp luật, hoặc thực hiện nhưng không đến nơi đến chốn, thậm chí sản xuất bừa bãi, cẩu thả gây vương vãi ra môi trường... sẽ khó tránh khỏi những tổn hại và còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Liên quan đến vấn đề thực thi các quy định pháp luật, hiện nay luôn có xu hướng một bộ phận các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tìm cách lách luật, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào đứng trên phương diện quản lý hóa chất?

Ông Nguyễn Văn Thanh: Thực tế là hiện nay dù quy định được ban hành cụ thể ra sao hay chế tài có đủ sức nặng tới đâu cũng khó tránh khỏi tình trạng lách luật của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thiếu chân chính. Chính vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát của địa phương cần phải được coi trọng và quan tâm nhiều hơn nữa.

Câu chuyện vừa qua cho thấy, rõ ràng công tác kiểm tra tại địa phương là chưa tốt nên mới để xảy ra tình trạng mất an toàn trong sản xuất hóa chất ở doanh nghiệp nói trên.

- Theo ông, chúng ta cần những giải pháp bổ sung, điều chỉnh như thế nào để việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất thực sự hiệu quả?

Ông Nguyễn Văn Thanh: Để có giải pháp cho tình hình mất an toàn phòng, chống cháy nổ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hóa chất, theo tôi cần điều chỉnh nội dung quy hoạch, nhất thiết phải đưa các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất hóa chất vào các khu cụm công nghiệp và không nên để tồn tại trong các khu dân cư, vừa tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, vừa hạn chế tới mức thấp nhất rủi ro cháy nổ...

Cũng phải thấy rằng, Thành phố Hồ Chí Minh đã rất quyết liệt trong việc thanh tra, kiểm soát những cơ sở sản xuất hóa chất. Tuy nhiên việc di dời một đơn vị, một doanh nghiệp về các điểm tập kết cũng rất vất vả vì liên quan đến nhiều thủ tục, cơ chế và định mức đầu tư.... Rõ ràng, cần sự hỗ trợ lớn từ địa phương./.

Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục