Dịch bệnh làm thay đổi vai trò toàn cầu hóa của Trung Quốc

Dịch COVID-19 đã thúc đẩy doanh nghiệp di chuyển ra bên ngoài Trung Quốc, vốn đầu tư rút khỏi Trung Quốc, như hãng Apple đang tăng tốc đưa các đơn hàng ra thực hiện ở bên ngoài Trung Quốc.
Dịch bệnh làm thay đổi vai trò toàn cầu hóa của Trung Quốc ảnh 1Công nhân vận hành xe chở ôtô con tại Công ty ôtô Trường An ở Trùng Khánh, Trung Quốc ngày 11/2/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Như thông báo của phía Trung Quốc, dịch COVID-19 ở nước này đang lắng xuống, nhưng bên ngoài Trung Quốc, dịch bệnh đã lan rộng tại khoảng 30 quốc gia với tốc độ chóng mặt.

Có thể nói, dịch COVID-19 đã trở thành “thiên nga đen” lớn nhất thế giới năm 2020, gây ra tác động lớn đối với nền kinh tế, chính trị toàn cầu.

Trong một bài viết trên mục ''Độc giả luận bàn'' của tờ Tin tức Thế giới, tác giả Diệu Nam cho rằng dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến kết cấu quyền lực, tình hình chính trị và sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, đồng thời thay đổi vai trò của nước này trong tiến trình toàn cầu hóa. 

Dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới bố trí chiến lược “Vành đai và Con đường” (BRI). Đầu tư đối ngoại của Trung Quốc giảm mạnh, thậm chí là ngừng trệ. Sách Trắng của Ngân hàng Thương mại Đức (Commerzbank) dự tính đầu tư của Trung Quốc đối với các nước dọc BRI sẽ đạt 25 tỷ USD.

Theo số liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố vào tháng 1/2020, năm 2019, đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Trung Quốc đối với các nước dọc BRI là 14,4 tỷ USD. Năm 2020, đầu tư cho BRI của Trung Quốc dự tính sẽ tăng 73% so với năm 2019. Tuy nhiên, xem xét tình hình hiện nay thì mục tiêu này khó có thể hoàn thành vì dịch COVID-19 ảnh hưởng tới đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu của Trung Quốc.

BRI là nội dung quan trọng trong bố trí chiến lược toàn cầu của Chính phủ Trung Quốc. Nếu kế hoạch này gặp khó khăn, vị thế của Trung Quốc trên vũ đài quốc tế sẽ bị ảnh hưởng và tiến trình thực hiện toàn diện “Giấc mộng phục hưng dân tộc Trung Hoa” sẽ bị đẩy lùi.

Bên cạnh đó, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ nghe thông tin từ phía Trung Quốc cung cấp cho nên mới dẫn tới việc đưa ra cảnh báo sai lầm về tình hình dịch COVID-19, trực tiếp ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch của Nhật Bản và Hàn Quốc, dẫn tới tình trạng dịch bệnh lan tràn.

Trung Quốc kiểm soát thông tin trong nước như thế nào là chuyện nội bộ của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu phương thức kiểm soát thông tin không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế khi ra bên ngoài thì niềm tin vào Trung Quốc mới là điều bị tổn hại thực sự. Trong những năm gần đây, chính sách ngoại giao dựa trên thế mạnh của Trung Quốc đã gây ra rất nhiều chỉ trích.

[Trung Quốc nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế bị tác động bởi dịch COVID-19]

Ảnh hưởng sâu rộng của dịch COVID-19 đã thúc đẩy doanh nghiệp rút vốn đầu tư khỏi Trung Quốc, như hãng Apple đang tăng tốc đưa các đơn hàng ra thực hiện ở bên ngoài Trung Quốc.

Do ảnh hưởng của dịch, nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc toàn cầu đã hoàn toàn bị gián đoạn, khiến các hãng dược phẩm xuyên quốc gia phải suy nghĩ lại về bố trí toàn cầu nhằm phân tán rủi ro.

Dịch bệnh làm thay đổi vai trò toàn cầu hóa của Trung Quốc ảnh 2Trồng rau xanh trong nhà kính ở Bạc Châu, tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Doanh nghiệp Đài Loan cũng tăng tốc rút khỏi Trung Quốc. Năm 2019, số vốn rời Trung Quốc rút về vùng lãnh thổ Đài Loan lên tới 900 tỷ đôla Đài Loan. Việc các doanh nghiệp Đài Loan chuyển sang các nước Đông Nam Á trở thành xu hướng đã định.

Trong bối cảnh đó, dịch COVID-19 càng khiến doanh nghiệp nước ngoài quyết tâm rời khỏi Trung Quốc. Những doanh nghiệp vốn trước đây chờ chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc hiện nay cơ bản đã từ bỏ kế hoạch bố trí ở Trung Quốc. Các hãng lớn như Google, Facebook, Microsoft, Amazon… đều tăng cường đầu tư ở vùng lãnh thổ Đài Loan.

Việc các ngành nghề tăng tốc chuyển khỏi Trung Quốc đã phá vỡ chuỗi ngành nghề hoàn chỉnh nhất toàn cầu mang tên Trung Quốc. Dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp thấu tỏ bản chất quản lý kinh tế của Chính phủ Trung Quốc, không theo thông lệ quốc tế mà là kiểm soát kinh tế bằng chính trị, đơn giản hóa kinh tế thị trường vốn phức tạp, mưu đồ dùng thủ đoạn chính trị để giải quyết mọi vấn đề kinh tế. Nếu chuỗi ngành nghề ở Trung Quốc bị đứt gãy, điều này sẽ gây ra ảnh hưởng chí mạng đối với kinh tế. Trung Quốc khi đó không chỉ mất vị trí đầu tàu, mà còn liên lụy tới kinh tế toàn cầu.

Trong 40 năm qua, Trung Quốc luôn là điểm nóng đầu tư toàn cầu. Từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ trở lại đây, các nhà đầu tư bắt đầu thận trọng đánh giá sách lược đầu tư vào Trung Quốc.

Dịch COVID-19 đã thay đổi triệt để cách suy nghĩa của các nhà đầu tư. Dân số và thị trường tiêu thụ khổng lồ của Trung Quốc vẫn hấp dẫn các doanh nghiệp tiêu dùng, chế tạo, tài chính, bảo hiểm, thuê nợ…

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp chỉ coi trọng lao động giá rẻ, chính sách ưu đãi về thuế và ưu đãi về cho thuê đất đai…, những ưu thế này đã biến mất và họ sẽ không trở lại Trung Quốc nữa.

Trong bối cảnh đó, dịch bệnh có thể là “ngọn cỏ cuối cùng nhấn chìm lạc đà." Dịch COVID-19 gây ra ảnh hưởng tiêu cực, làm thay đổi vai trò của Trung Quốc đối với toàn cầu hóa, và khiến quyền phát ngôn quốc tế của Trung Quốc đối mặt với thách thức chưa từng có./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục