Dịch chuyển tương tác ở Trung Đông trong hình mẫu Ai Cập-Qatar

Do Saudi Arabia là đồng minh chiến lược của Ai Cập, bước đột phá trong mối quan hệ giữa Qatar và Ai Cập diễn ra tương ứng với giải pháp “hạ nhiệt” căng thẳng vùng Vịnh.
Dịch chuyển tương tác ở Trung Đông trong hình mẫu Ai Cập-Qatar ảnh 1Quốc kỳ của Qatar và Ai Cập. (Nguồn: AP)

Theo bài phân tích mới đây của Viện nghiên cứu chiến lược Ai Cập, một số quốc gia Arab thời gian qua đã đưa ra nhiều quyết định nhằm tạo ra những thay đổi quan trọng trong định hướng chính sách đối ngoại và phần nào phá vỡ thế bế tắc chính trị vốn có ở khu vực.

Đơn cử, hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) được tổ chức tại thành phố Al-Ula của Saudi Arabia hồi đầu năm nay đã chứng kiến hàng loạt cuộc tiếp xúc, hội đàm và thảo luận, đặc biệt là giữa Qatar và Saudi Arabia, với mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh - cuộc khủng hoảng từng dẫn đến những bất đồng sâu sắc và ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực.

Do Saudi Arabia là đồng minh chiến lược của Ai Cập, bước đột phá trong mối quan hệ giữa Qatar và Ai Cập diễn ra tương ứng với giải pháp “hạ nhiệt” căng thẳng vùng Vịnh.

Động thái này cũng có thể được diễn giải là một xu hướng quốc tế xem xét lại các vấn đề Trung Đông, nổi bật nhất là Ai Cập và Saudi Arabia trong bất đồng với Qatar.

Tuy nhiên, Mỹ dường như đứng sau những sự kiện đang diễn ra trong khu vực, thông qua những sức ép tạo thay đổi và tương tác trong chính các đồng minh của Washington.

[Ai Cập bày tỏ hy vọng quan hệ song phương tốt đẹp với Qatar]

Trong bối cảnh đó, mối quan hệ Ai Cập và Qatar đã có bước phát triển đáng chú ý, bất chấp việc các phương tiện truyền thông từng loại trừ khả năng hai nước bình thường hóa quan hệ kể từ cuộc khủng hoảng ngoại giao năm 2017.

Trên thực tế, hòa giải vùng Vịnh là cơ hội để chế độ cầm quyền Ai Cập hồi sinh mối liên hệ với Qatar, đặc biệt là sau khi ký Tuyên bố Al-Ula. Sự tương tác trở lại giữa Cairo và Doha bắt đầu bằng những thông điệp tích cực dành cho nhau nhằm mục đích khôi phục quan hệ ngoại giao và khép lại những khác biệt song phương.

Cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa hai nước được tổ chức tại Kuwait vào ngày 23/2/2021, nơi các quan chức Ai Cập và Qatar đã thảo luận về cơ chế và quy trình thực hiện hòa giải trên thực tế.

Sau đó là chuyến thăm Ai Cập lần đầu tiên của Ngoại trưởng Qatar trong tháng 3/2021, mang theo “thông điệp” của Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani gửi Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi, bày tỏ mong muốn củng cố quan hệ giữa hai nước.

Có quan điểm cho rằng nhu cầu hòa giải của Ai Cập với Qatar thực tế xuất phát từ lý do kinh tế hơn là chính trị, trong bối cảnh Cairo đang chứng kiến sự sụt giảm làn sóng đầu tư nước ngoài và tình hình càng trở nên tồi tệ hơn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Việc thúc đẩy quan hệ với Qatar có thể góp phần xoa dịu những khó khăn kinh tế mà Ai Cập đang phải trải qua. Đáng chú ý, hiện có hơn 250.000 người Ai Cập đang sinh sống và làm việc tại Qatar và nguồn kiều hối mà họ gửi về nước có thể góp phần hỗ trợ nền kinh tế Ai Cập, bên cạnh các khoản đầu tư trực tiếp của Doha.

Ngay cả trong giai đoạn quan hệ hai nước đứng trước nhiều thử thách suốt 7 năm qua, dòng chảy đầu tư của Qatar vào Ai Cập, cả trên cấp độ chính phủ và tư nhân, đều không có dấu hiệu chững lại.

Ví dụ, Công ty Đầu tư Bất động sản Diar của Qatar đã duy trì các dự án tại Ai Cập với tổng giá trị đầu tư 3 tỷ USD, trong khi Qatar Petroleum sở hữu khối cổ phần trị giá 4,4 tỷ USD tại Công ty Lọc dầu Ai Cập sau thương vụ năm 2019.

Do đó, Ai Cập là bên hưởng lợi chính trong chiến lược hòa giải với Qatar, bởi lẽ việc khôi phục quan hệ ngoại giao song phương có thể mở ra nhiều hỗ trợ kinh tế, đầu tư vào bất động sản, du lịch, năng lượng, ngân hàng, thậm chí cả công nghiệp quân sự thông qua Barzan Holdings, một doanh nghiệp thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng Qatar.

Việc Ai Cập và Qatar khôi phục quan hệ đã đem lại hiệu ứng tích cực không chỉ đối với hai quốc gia này nói riêng mà còn đối với nhiều vấn đề của khu vực nói chung.

Trên thực tế, cả Cairo và Doha đều đóng vai trò nổi bật, qua đó có thể phối hợp giữa các trục khu vực khác nhau và giữa chính các đồng minh của họ tại khu vực Trung Đông. Ai Cập và Qatar cũng đã đóng vai trò tích cực trong nỗ lực “hòa giải” giữa phong trào Hamas của Palestine và Israel để đạt được một lệnh ngừng bắn.

Vấn đề Palestine chính là một điểm quan trọng trong sự hội tụ giữa Cairo và Doha và tăng cường các mối liên hệ trực tiếp giữa hai bên. Giới phân tích cho rằng lý do khiến Ai Cập trở lại đóng vai trò chính trong việc ngăn chặn leo thang xung đột ở Dải Gaza chủ yếu là do Cairo lo ngại về chính sách đối ngoại của Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE), khi Abu Dhabi phớt lờ vai trò khu vực của Ai Cập trong mối quan hệ với Israel.

Theo các nhà quan sát khu vực, động thái của UAE đã khiến Ai Cập quay trở lại hồ sơ Palestine một cách mạnh mẽ, bên cạnh sự ủng hộ của Qatar trong vấn đề này.

Ngoài ra, Cairo cũng quan tâm tới vai trò trung gian của Qatar trong việc hóa giải bất đồng giữa Ai Cập và Ethiopia về vấn đề đập thủy điện Đại Phục Hưng, nhất là khi chính quyền Doha hiện duy trì quan hệ hữu hảo với cả Ethiopia và Sudan.

Ngoài ra, danh sách những mối quan tâm chung của Ai Cập và Qatar còn bao gồm cuộc khủng hoảng Libya, đặc biệt là trong bối cảnh giới truyền thông đưa tin về các định hướng chính trị và quân sự mâu thuẫn giữa Ai Cập và UAE đối với vấn đề Libya.

Mặc dù không thể phủ nhận quan hệ Ai Cập và Qatar còn tồn tại không ít vấn đề - ví dụ như thái độ của Doha đối với Tổ chức Anh em Hồi giáo, hồ sơ các đối thủ chính trị của Ai Cập ở Qatar, cáo buộc Doha ủng hộ và tài trợ cho “chủ nghĩa khủng bố,” thái độ “không tích cực” của Ai Cập đối với kênh truyền thông Al-Jazeera của Qatar hay quan hệ giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ..., song Ai Cập hoàn toàn có thể gác lại những khác biệt này trong trường hợp Cairo nhận thấy rằng Qatar có thể mang lại cho quốc gia Bắc Phi này nguồn lợi vật chất không nhỏ.

Đây cũng là chính sách tương tự mà chế độ Ai Cập đã theo đuổi với UAE và Saudi Arabia kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2013./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục