Dịch COVID-19: CH Séc đề nghị Nga cung cấp vắcxin Sputnik V

CH Séc, 1 trong 10 nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 không thể chờ vắcxin do Liên minh châu Âu cung cấp, nên đề nghị Nga cung cấp vắcxin Sputnik V sớm để đối phó đại dịch.
Vắcxin Sputinik V ngừa COVID-19 của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Vắcxin Sputinik V ngừa COVID-19 của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman cho biết ông đã đề nghị Nga cung cấp vắcxin Sputnik V ngừa COVID-19 vì không thể chờ vắcxin mà Liên minh châu Âu (EU) cung cấp, đồng thời sẽ cân nhắc sử dụng cả vắcxin của Trung Quốc.

Phát biểu trên kênh truyền hình TV Prima ngày 28/2, ông Zeman cho biết: "Sau khi tham vấn thủ tướng, tôi đã gửi thư tới Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị cung cấp vắcxin Sputnik V."

Theo ông Zeman, thông tin từ Đại sứ quán Nga cho thấy vắcxin có thể được gửi đến Séc "trong vài ngày tới."

Cộng hòa Séc nằm trong số 10 nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, với 1.235.480 ca nhiễm và 20.339 ca tử vong, đứng thứ tư thế giới về số ca nhiễm trên 100.000 dân.

Tuy nhiên, việc tiêm phòng diễn ra chậm hơn dự kiến. Từ tháng 12/2020 đến nay, đất nước có 10,7 triệu dân này mới tiêm chủng được 650.000 liều vắcxin.

Giới chức nước này cho rằng tình trạng này là do EU chậm cung cấp vắcxin.

[Dịch COVID-19: Vắcxin Sputnik-Light nộp đơn đăng ký tại Nga]

Hiện, vắcxin Sputnik V của Nga và vắcxin của hãng Sinopharm của Trung Quốc đều chưa được cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt sử dụng.

Tuy nhiên, Tổng thống Cộng hòa Séc Zeman và Thủ tướng Andrej Babis cho biết họ sẽ không chờ EMA "bật đèn xanh."

Ông Babis nói: "Tất cả những gì chúng ta cần là sự phê duyệt của Văn phòng Kiểm soát dược phẩm quốc gia Séc." Ông cũng nêu rõ "65 quốc gia trên thế giới muốn dùng vắcxin của Nga, trong đó có 6 nước châu Âu."

Tháng này, ông Babis đã thăm Hungary và Serbia để tìm hiểu thêm về việc tiêm hai loại vắcxin nói trên.

Giữa EU và hãng dược phẩm AstraZeneca đã có tranh cãi liên quan đến kế hoạch bàn giao vắcxin trong quý 1/2021.

Hãng dược này thông báo sẽ không thể cung cấp đủ 400 triệu liều vắcxin cho EU như thỏa thuận ban đầu vì chuỗi cung ứng của hãng này ở EU không đủ năng lực sản xuất. Các nhà lãnh đạo EU đã phản ứng mạnh đối với thông báo này của AstraZeneca./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục