Dịch COVID-19: Đức chuẩn bị viện trợ y tế giúp Ấn Độ chống dịch

Bộ Ngoại giao Đức đã đề nghị quân đội nước này cung cấp một cơ sở sản xuất oxy lưu động cũng như hỗ trợ vận chuyển các loại hàng hóa phục vụ mục đích khẩn cấp và cứu trợ tới Ấn Độ.
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại khoa chăm sóc tích cực của bệnh viện Sharda ở Greater Noida, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại khoa chăm sóc tích cực của bệnh viện Sharda ở Greater Noida, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/4, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết Đức sẽ gửi oxy và viện trợ y tế tới Ấn Độ trong những ngày tới góp phần giúp quốc gia Nam Á này giải quyết cuộc khủng hoảng dịch COVID-19.

Trả lời phỏng vấn của báo Rheinische Post, Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh làn sóng dịch bệnh thứ hai đang lây lan khắp Ấn Độ với mức độ chưa từng thấy.

Ông nhấn mạnh Đức sẽ nỗ lực hết sức để giúp Ấn Độ vượt qua tình hình khẩn cấp hiện nay.

Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã đề nghị quân đội Đức xem xét khả năng cung cấp một cơ sở sản xuất oxy lưu động, cũng như hỗ trợ vận chuyển các loại hàng hóa phục vụ mục đích khẩn cấp và cứu trợ tới Ấn Độ.

[Hồi chuông cảnh tỉnh từ sự chủ quan trước COVID-19 tại Ấn Độ]

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 25/4 đã thể hiện sự đồng cảm đối với Ấn Độ về những gì mà đại dịch COVID-19 đang gây ra cho quốc gia Nam Á này. Bà nhấn mạnh Đức sẽ sát cánh cùng Ấn Độ vượt qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Kể từ ngày 26/4, các công dân Đức trở về nước từ Ấn Độ sẽ chỉ được phép nhập cảnh nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 và sau đó phải cách ly 14 ngày.

Trong khi đó, những người nước ngoài đến từ Ấn Độ sẽ không còn được phép nhập cảnh vào Đức nữa.

Trong khi đó, ngày 25/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định nước này quyết tâm hỗ trợ Ấn Độ ứng phó với tình trạng tăng đột biến số ca nhiễm mới.

Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Bởi vì Ấn Độ đã hỗ trợ Mỹ khi các bệnh viện của chúng tôi bị quá tải từ đầu đại dịch, nên chúng tôi quyết tâm giúp đỡ Ấn Độ khi họ cần đến.”

Cùng ngày, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết nước này sẽ cân nhắc gửi các liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca cho Ấn Độ.

Theo ông, Mỹ đang có khoảng 30 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca, loại vaccine mà nước này chưa cấp phép lưu hành trong nước.

Trước đó, Nhà Trắng đã cho biết Mỹ sẽ "ngay lập tức" cung cấp các nguyên liệu thô để sản xuất vaccine ngừa COVID-19, cũng như các phương pháp trị liệu, bộ xét nghiệm, máy thở và thiết bị bảo vệ có sẵn cho Ấn Độ.

Ấn Độ ngày 25/4 đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao nhất thế giới với 349.691 ca, cũng là cao nhất của Ấn Độ từ khi dịch bùng phát.

Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm mới trong một ngày vượt mốc kỷ lục của ngày hôm trước, trong khi nhiều bệnh viện ở thủ đô New Delhi và trên khắp cả nước từ chối tiếp nhận bệnh nhân do thiếu giường bệnh và oxy.

Cùng ngày, nước này cũng ghi nhận 2.767 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất từ trước đến nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục