Dịch COVID-19 ngày 23/8: Gần 16 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục

Tính đến 21 giờ 30 phút ngày 23/8, thế giới ghi nhận tổng cộng gần 23.415.000 ca mắc COVID-19; gần 16 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục và hơn 6,65 triệu ca đang được điều trị.
Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, cập nhật đến 21 giờ 30 phút ngày 23/8 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng gần 23.415.000 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tăng 42.767 ca so với một ngày trước, và 809.325 ca tử vong, tăng 1.376 ca.

Gần 16 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục và hơn 6,65 triệu ca đang được điều trị, trong đó có 61.643 ca trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch.

Hiện, Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn 5,84 triệu ca mắc bệnh và hơn 180.100 ca tử vong.

Tiếp đến là Brazil với hơn 3,58 triệu ca mắc và hơn 114.200 ca tử vong.

Ấn Độ đứng thứ 3 thế giới với 3.050.000 ca mắc và 56.883 ca tử vong. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết số ca đã có 2.282.358 ca bình phục và xuất viện, trong khi vẫn còn 711.085 ca đang được điều trị.

Trong bối cảnh các ca nhiễm mới gia tăng mạnh, từ vài tuần qua, Chính phủ Ấn Độ đã tập trung đẩy mạnh việc mở rộng xét nghiệm COVID-19.

Riêng trong ngày 21/8 có 1.023.836 xét nghiệm, lần đầu tiên số xét nghiệm trong ngày ở nước này vượt con số 1 triệu.

[Dịch COVID-19: Thế giới có hơn 23,36 triệu ca mắc bệnh]

Trong khi đó, cuộc chạy đua sản xuất vắcxin phòng bệnh COVID-19 vẫn đang diễn ra tại nhiều nước.

Bộ trưởng Công nghiệp Nga Denis Manturov ngày 23/8 tuyên bố nước này dự kiến sản xuất từ 1,5-2 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 mỗi tháng vào cuối năm nay, sau đó tăng dần lên 6 triệu liều mỗi tháng.

Theo kế hoạch, Nga sẽ bắt đầu thử nghiệm trên diện rộng vắcxin ngừa COVID-19, do Viện Gameleya tại thủ đô Moskva phát triển từ tuần tới.

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tìm cách gây trì trệ việc thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19 cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.

Tổng thống Trump đưa ra bình luận trên sau khi hãng tin Reuters ngày 20/8 cho biết Giám đốc Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu Sinh học của FDA Peter Marks tuyên bố sẽ từ chức nếu Chính quyền của Tổng thống Trump thông qua một loại vắcxin COVID-19 trước khi loại vắcxin đó được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Các nhà khoa học, quan chức y tế và các nhà lập pháp đang quan ngại rằng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ gây áp lực để FDA cấp phép một loại vắcxin COVID-19 trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11, ngay cả khi dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng không ủng hộ việc vắcxin được sử dụng rộng rãi.

Mặc dù cho đến nay, chưa có vắcxin phòng COVID-19 nào vượt qua giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, song Trung Quốc ngày 22/8 thông báo quốc gia này đã bắt đầu đưa vắcxin phòng COVID-19 thử nghiệm vào sử dụng cho những nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh từ hồi tháng 7 vừa qua.

Ông Zheng Zhongwei, một quan chức của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), cho biết mục đích của chương trình trên là để tăng cường miễn dịch cho các nhóm có nguy cơ đặc biệt như các nhân viên y tế, những người làm việc trong ngành thực phẩm, giao thông và dịch vụ. Giới chức có thể cân nhắc điều chỉnh quy mô các chương trình sử dụng vắcxin khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trong mùa Thu và mùa Đông tới.

Ông Zheng cũng là người đứng đầu Cơ quan điều phối nguồn lực quốc gia để phát triển vắcxin phòng COVID-19 của Chính phủ Trung Quốc, khẳng định các loại vắcxin COVID-19 của nước này sẽ được định giá gần với chi phí sản xuất, đồng nghĩa rằng các công ty sẽ được phép định giá với mức lợi nhuận vừa phải hoặc "có thể chấp nhận được" dựa trên các chi phí.

Một trong những sáng kiến mới của Đức trong nghiên cứu về sự lây lan của virus SARS-CoV-2 là ngày 22/8, đại học Halle (Đức) đã tổ chức một loạt buổi biểu diễn ca nhạc với mục đích thí nghiệm với 2.000 tình nguyện viên để xác định về sự lây lan của virus.

Tim Bendzko, một ca nhạc sỹ nổi tiếng ở Đức, đã đồng ý tiến hành 3 buổi trình diễn trong ngày ở thành phố Leipzip, miền Đông nước này. Khán giả tham dự là các tình nguyện viên trẻ tuổi, sức khỏe tốt.

Khi đến nhà hát, họ được kiểm tra thân nhiệt và tất cả đều được đeo khẩu trang bảo hộ y tế tiêu chuẩn cao FFP2 cùng một thiết bị điện tử để truy dấu di chuyển trong không gian này.

Sử dụng các hóa chất sát khuẩn huỳnh quang, các nhà nghiên cứu sẽ có thể thấy được những bề mặt mà khán giả tiếp xúc nhiều nhất và thậm chí có thể theo dõi được lộ tuyến của giọt bắn nhỏ mà khán giả thở ra - yếu tố mà giới chuyên gia tin rằng đóng một vai trò lớn trong sự lây nhiễm.

Mục đích cuối cùng của thí nghiệm này là nhằm xác định liệu các buổi biểu diễn âm nhạc cũng như các sự kiện lớn có thể được tổ chức lại trong khi tránh được những nguy cơ lây lan dịch bệnh hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục