Dịch COVID-19 tại KCN: Đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả rừng cây

Những ngày qua, Việt Nam ghi nhận các ca mắc COVID-19 tăng rất nhanh - lên tới con số hàng trăm ca/ngày, đặc biệt là trong các KCN. Điều này đã tạo ra áp lực rất lớn cho công tác điều trị và dập dịch.
Hơn 1.000 công nhân Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (Khu công nghiệp Vân Trung) đã đi làm trở lại sau 2 lần test âm tính với SARS-CoV-2. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Hơn 1.000 công nhân Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (Khu công nghiệp Vân Trung) đã đi làm trở lại sau 2 lần test âm tính với SARS-CoV-2. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Chưa bao giờ Việt Nam đối mặt với thách thức lớn như đợt dịch lần này. Đã 17 ngày qua, ca mắc COVID-19 luôn ghi nhận ở con số hàng trăm ca mỗi ngày.

Điểm đặc biệt của đợt dịch lần thứ tư này là các biến thể mới có tốc độ lây lan rất nhanh như như đa ổ dịch, đa hình thái và đa chủng, với những diễn biễn khó lường khi xuất hiện những ca bệnh trong các khu công nghiệp (môi trường có nhiều công nhân) khiến dịch bùng phát mạnh, mà trong đó Bắc Giang và Bắc Ninh trở thành những điểm nóng đáng lo ngại...

Chọc thủng "yếu điểm" khu công nghiệp

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đợt dịch lần này có đặc điểm bùng phát đa nguồn dịch, đa hình thái (chủ yếu trong khu công nghiệp, sau đó lây lan ra cộng đồng), đa chủng lây nhiễm.

Những ngày qua, ghi nhận bệnh nhân F0 tăng lên rất nhanh - lên tới con số hàng trăm ca/ngày tại Bắc Giang và Bắc Ninh, nhất là trong các khu công nghiệp, đã tạo ra áp lực rất lớn cho công tác điều trị.

Điển hình như ngày 29/5, tỉnh Bắc Giang phát hiện thêm 170 ca dương tính với SARS-CoV-2 - chủ yếu là trong các khu công nghiệp, nâng tổng số trường hợp F0 là 2.092. Ổ dịch “nóng nhất” ở Bắc Giang là tại Khu công nghiệp Quang Châu, từ khi xuất hiện cách đây 15 ngày đến nay, lượng ca dương tính liên tục tăng cao, diễn biến vô cùng phức tạp. Hiện khu công nghiệp này có hơn 1.500 trường hợp F0, trong đó chủ yếu là công nhân của Công ty Hosiden. Tại Khu công nghiệp Vân Trung (liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) có 358 trường hợp F0 (tăng 10 trường hợp).

Qua rà soát, Bắc Giang truy vết được hơn 15.000 trường hợp F1 (tăng 780 trường hợp); F2 hơn 65.000 trường hợp (tăng 1.723 trường hợp).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ rõ 4 yếu tố nguy cơ làm tăng số ca nhiễm trong khu, cụm công nghiệp, đó là: Mật độ công nhân rất đông; không gian làm việc hẹp, khép kín, thông khí kém; công nhân dùng chung nhà vệ sinh; ăn uống chung tại các nhà ăn tập thể. Ngoài ra, các công nhân còn đi chung xe, ở chung khu nhà trọ đông người, xen kẽ nhân sự giữa các công ty với nhau.

[Phát hiện mới về đột biến gene trên trường hợp mắc COVID-19 ở Việt Nam]

Thực tế cho thấy Bắc Giang hiện là địa phương đang đối mặt với ổ dịch lớn khởi phát từ ngày 8/5 tại Khu công nghiệp Vân Trung (huyện Việt Yên) – Khu công nghiệp lớn nhất của tỉnh. Những ngày sau đó, ổ dịch tại Công ty TNHH Sin Young Việt Nam bùng phát tại nơi có mật độ dân số dày đặc, lịch trình di chuyển của nhiều người bệnh khá phức tạp.

Bắc Giang cũng là địa phương ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục, hơn 2.000 ca mắc COVID-19 trong 22 ngày. Những ngày gần đây, số ca mắc mới tăng liên tục, từ 100-300 mỗi ngày, hầu hết trong khu cách ly. Hậu quả là cho đến nay, Bắc Giang hiện có 4 khu công nghiệp đều đang đóng cửa gồm: Đình Trám, Quang Châu, Song Khê-Nội Hoàng và Vân Trung.

Dịch COVID-19 tại KCN: Đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả rừng cây ảnh 1Thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch tại nhà máy Gortex thuộc khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh trưa 18/5. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Còn tại tỉnh Bắc Ninh, theo Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan, đến ngày 29/5, Bắc Ninh có 765 trường hợp mắc COVID-19 tại 138 ổ dịch ở cả 8 huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh đã truy vết gần 5.300 trường hợp F1, trên 37.000 F2; đang thực hiện cách ly y tế trên 33.600 trường hợp, đã lấy trên 472.000 mẫu xét nghiệm.

Theo thống kê, Bắc Ninh hiện có 10 khu công nghiệp tập trung và 26 cụm công nghiệp đang hoạt động với khoảng 450.000 công nhân, mật độ công nhân lao động cao gấp 5 lần cả nước. Do vậy, nếu không kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh ở KCN dễ dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng…

Trong đợt dịch lần này, tại tỉnh Bắc Ninh ghi nhận ca mắc COVID-19 ở một số doanh nghiệp lớn như Công ty Samsung Electronics, Công ty TNHH Canon Việt Nam...và có trên 50.000 lao động phải nghỉ việc do tác động của dịch.

Ngay sau khi có các ca nhiễm COVID-19 liên quan đến khu công nghiệp, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh đã khẩn trương triển khai các biện pháp truy vết, khoanh vùng. Những người liên quan đến các ca nhiễm tại Khu công nghiệp Yên Phong, Khu công nghiệp Thuận Thành, Khu công nghiệp Quế Võ nhanh chóng được truy vết và cách ly theo quy định.

Gần đây, mỗi ngày tại tỉnh Bắc Ninh ghi nhận thêm 50-100 ca. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết địa phương này có nhiều chuỗi lây nhiễm khác nhau, không rõ mối liên hệ nên chưa thể xác định được nguồn lây. Trong khi đó, xu hướng lây từ cộng đồng vào khu công nghiệp đang diễn tiến phức tạp hơn.

Cần phải hóa giải các cơn "sóng thần"

Công tác phòng chống dịch trong gần 1 tháng qua cho thấy việc xuất hiện các ca bệnh COVID-19 trong các khu công nghiệp khi bùng phát sẽ như một cơn “sóng thần” lớn tạo ra áp lực rất lớn về điều trị, lấy mẫu xét nghiệp… Việc gia tăng nhanh số ca gây khó khăn trong việc tổ chức cách ly, truy vết, thực hiện các biện pháp nhằm cắt đứt nguồn lây trong thời gian ngắn.

Dịch COVID-19 tại KCN: Đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả rừng cây ảnh 2Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để đối phó với dịch COVID-19 bùng phát tại 2 tỉnh trên, Bộ Y tế đã tung tất cả các lực lượng mũi nhọn tới 2 địa phương trên và thành lập hai sở chỉ huy tiền phương, huy động hơn 1.500 nhân viên y tế, sinh viên y khoa hỗ trợ chống dịch. Lực lượng y tế có kinh nghiệm về chuyên khoa hồi sức cấp cứu cũng đã được điều động tới đây.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, cả nước hiện có 369 khu công nghiệp tập trung, gần 30 khu cửa khẩu, chế xuất, tương đương 3,8 triệu lao động; gần 700 cụm công nghiệp với 600 nghìn lao động. Các khu công nghiệp với đặc thù cùng làm việc trong môi trường kín; di chuyển về các khu ký túc xá cùng thời điểm, sinh hoạt trong nhà trọ chật chội, đông đúc; các dịch vụ phục vụ đời sống sinh hoạt công nhân dày đặc, nhiều xe cộ qua lại… là yếu tố dễ là nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.

Chính vì vậy, ngay từ rất sớm, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế đã nhiều lần nhắc nhở và có hướng dẫn về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở các khu vực này. Bởi trước đó, đã có những trường hợp một số ca bệnh COVID-19 xuất hiện tại các khu công nghiệp ở Hải Dương, khu công nghiệp An Đồn (Đà Nẵng)…

Tuy nhiên, trên thực tế không ít ca mắc có liên quan đến ổ dịch Công ty TNHH Shin young Việt Nam ở Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên) tại Bắc Giang cho thấy công tác phòng chống dịch tại các khu công nghiệp vẫn chưa được chú trọng, còn lỏng lẻo.

Đánh giá về tình hình dịch tại tỉnh Bắc Ninh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay với những biện pháp đã và đang triển khai trong chống dịch của Bắc Ninh mặc dù tạm yên tâm, nhưng tỉnh vẫn phải quyết liệt hơn vì số khu công nghiệp của Bắc Ninh cũng như công nhân nhiều hơn Bắc Giang. Bắc Ninh có đến 400.000 công nhân trong đó hơn 200.000 người đến từ 63 tỉnh, thành phố.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đặc điểm dịch tễ đợt dịch này ở Bắc Giang, Bắc Ninh có nhiều khác biệt, như việc đa ổ dịch. Cùng một thời điểm, xuất hiện rất nhiều ổ dịch ở các tỉnh, thành phố khác nhau. Đến ngày 29/5, Bắc Giang có 9 ổ dịch; trong đó 5 ở khu công nghiệp, 4 trong cộng đồng. Bắc Ninh ghi nhận ổ dịch ở tất cả 8 huyện, thị xã và thành phố và trong các cụm, khu công nghiệp. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bắc Ninh cho biết qua thực tế kiểm tra hơn 200 nhà máy và doanh nghiệp, đoàn công tác Bộ Y tế nhận thấy vẫn còn hạn chế trong công tác phòng, chống dịch tại một số nhà máy, doanh nghiệp ở một số địa phương.

“Một số địa phương chưa xây dựng hoặc chưa xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch tại khu công nghiệp và của từng nhà máy. Công tác kiểm tra, giám sát và yêu cầu duy trì người lao động đến làm việc tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch còn hạn chế. Việc cập nhật lên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19 mới chỉ đạt 5-10% trong số các doanh nghiệp, nhà máy được kiểm tra," Thứ trưởng Tuyên cho hay.

Dịch COVID-19 tại KCN: Đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả rừng cây ảnh 3Tại khu vực căng tin trong Khu công nghiệp Hòa Khánh, thành phố Đà Nẵng, các công nhân được bố trí ngồi ăn giãn cách, có vách ngăn. (Ảnh: TTXVN)

Theo Phó giáo sư Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều lao động, nếu không có các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 quyết liệt thì rất dễ hình thành các ổ dịch lớn, nguy cơ lây nhiễm chéo cao.

“Chỉ cần một công nhân nhiễm COVID-19, cả dây chuyền, cả phân xưởng, thậm chí cả khu công nghiệp, khu chế xuất phải ngừng sản xuất để thực hiện cách ly chống dịch. Đặc biệt, khi dịch COVID-19 xảy ra tại các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đời sống, việc làm của công nhân,” Phó giáo sư Trần Đắc Phu cảnh báo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đề nghị với các doanh nghiệp chưa ghi nhận ca mắc COVID-19, các doanh nghiệp phải chủ động kiểm tra, có phương án phòng, chống dịch cụ thể như phân luồng với ca làm việc; kiện toàn, thành lập tổ phòng, chống dịch trong từng bộ phận; yêu cầu công nhân đi làm phải khai báo y tế.

"Đặc biệt, các cán bộ phục vụ phải được lấy mẫu thường xuyên theo khuyến cáo 7 ngày/lần. Các doanh nghiệp cũng cần lên phương án sàng lọc từng phân xưởng, từng nhóm công nhân, nếu từng bước an toàn dần dần đưa từng phân xưởng vào hoạt động để thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế," Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Tăng cường trách nhiệm của chủ doanh nghiệp

Theo đánh giá của Bộ Y tế, thời gian qua, công tác phòng chống dịch tại các khu công nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố chưa được coi trọng và thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, như chưa xây dựng kế hoạch và phương án cách ly khi có trường hợp dương tính xảy ra tại khu công nghiệp. Nhiều cơ sở sản xuất chưa thực hiện triển khai cập nhật dữ liệu bản đồ an toàn phòng chống dịch COVID-19 cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, tập huấn, thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.

Dịch COVID-19 tại KCN: Đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả rừng cây ảnh 4Phun khử khuẩn tại phòng ăn tại một công ty thuộc khu công nghiệp Bá Thiện 2-Vĩnh Phúc. (Ảnh: TTXVN)

Phó giáo sư Trần Đắc Phu cho rằng các tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất phải xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 tại khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn; xây dựng phương án cách ly xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 và tổ chức diễn tập các phương án phòng chống dịch COVID- 19 tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

Cũng theo phó giáo sư Trần Đắc Phu, trước nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập, các hoạt động sinh hoạt tập thể của các công ty trong các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp. Chẳng hạn tại các bếp ăn, ngoài việc thực hiện vách ngăn ở bàn ăn, doanh nghiệp nên điều chỉnh giờ ăn theo ca để đảm bảo khoảng cách an toàn, tránh tập trung đông người.

Doanh nghiệp cũng cần rà soát lại toàn bộ hệ thống phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất và khuyến khích người lao động làm việc tại nhà, thực hiện giãn cách, giãn tiến độ sản xuất. Riêng đối với những doanh nghiệp có xe đưa đón công nhân cần thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách theo quy định, mở cửa, nắm chắc thông tin dịch tễ của công nhân/lao động để chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng khi có tình huống xảy ra.

Đặc biệt, các nhà máy, xí nghiệp môi trường lao động thường kín, đông người có yếu tố tiếp xúc gần nên cần mở cửa thông thoáng, hạn chế dùng điều hòa và hạn chế đông người như bố trí ca làm việc hợp lý… Khi có trường hợp sốt phải được xét nghiệm kịp thời và thường xuyên kiểm tra, đánh giá xí nghiệp an toàn.

Dịch COVID-19 tại KCN: Đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả rừng cây ảnh 5Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân tại các khu công nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh việc bảo vệ các khu công nghiệp trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng để bảo vệ sản xuất công nghiệp. Chúng ta đã xác định nguy cơ đối với các khu công nghiệp là cao nhất, có thể lây nhiễm rất nhanh chóng, khó khăn trong vấn đề kiểm soát. Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết với tình huống lây nhiễm trong khu công nghiệp, lên phương án giãn cách sản xuất cụ thể trong từng nhà máy, khu công nghiệp khi có dịch bệnh. Đặc biệt, các địa phương phải tiến hành quản lý chặt chẽ công nhân từ nơi làm việc, khi đi trên phương tiện giao thông, đến nơi cư trú.

Theo người đứng đầu ngành y tế, các khu công nghiệp phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc thường xuyên, tối thiểu từ 20% số công nhân trở lên. Trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý doanh nghiêp phải được chú trọng hơn nữa, tăng cường khả năng tiếp cận vaccine cho công nhân trong các khu công nghiệp.

Đợi dịch lần này được đánh giá khó khăn bằng cả ba đợt dịch trước cộng lại. Chính vì vậy, những ngày qua, Chính phủ và ngành y tế đã thực hiện mọi biện pháp, hỗ trợ hai điểm nóng dập dịch tại hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.

Bài học khi dịch xảy ra tại các khu công nghiệp trong thời gian qua sẽ là kinh nghiệm đắt giá để các tỉnh, các khu công nghiệp và khu chế xuất kích hoạt, triển khai các biện pháp phòng chống dịch để tránh “vết xe đổ” trong thời gian qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục