Dịch COVID-19: Thái Lan siết chặt quy định phòng dịch

Ngày 8/4, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri xác nhận Thủ tướng Prayut Chan-o-cha ra lệnh đóng cửa ngay lập tức những địa điểm giải trí hoặc nhà hàng trong 14 ngày.
Dịch COVID-19: Thái Lan siết chặt quy định phòng dịch ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 8/4, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri xác nhận Thủ tướng Prayut Chan-o-cha ra lệnh đóng cửa ngay lập tức những địa điểm giải trí hoặc nhà hàng trong 14 ngày nếu nơi đó có ca mắc mới COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, biện pháp này có hiệu lực kể từ ngày 8/4 nhằm ngăn chặn dịch lây lan thêm sau khi xảy ra một đợt bùng phát mới liên quan đến các địa điểm giải trí như quán rượu, quán bar và quán karaoke.

Theo người phát ngôn, nếu tình trạng lây nhiễm được phát hiện, cơ sở kinh doanh này sẽ bị đóng cửa trong ít nhất 2 tuần. Ông Anucha cho biết các nhà hàng vẫn được phép mở cửa, nhưng phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 nghiêm ngặt.

Ngoài ra, Thủ tướng Prayut cũng trao quyền cho ủy ban về bệnh truyền nhiễm ở mỗi tỉnh để xem xét đóng cửa bất kỳ doanh nghiệp nào trong ít nhất 2 tuần nếu liên quan đến sự bùng phát dịch ở tỉnh đó.

Trong trường hợp khẩn cấp, tỉnh trưởng có thể ban hành lệnh đóng cửa tạm thời đối với các địa điểm công cộng như chợ, hội trường, rạp hát và trường học với điều kiện lệnh đó phải được ủy ban về bệnh truyền nhiễm của tỉnh phê duyệt.

[Thủ đô Bangkok của Thái Lan hủy các hoạt động mừng Tết Songkran]

Thái Lan cùng ngày đã ghi nhận thêm 405 ca COVID-19, trong đó có 391 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số các ca nhiễm từ trước tới nay lên 30.310 ca, trong đó có 95 ca tử vong.

Phóng viên TTXVN tại Phnom Penh dẫn báo Khmer Times ngày 8/4 cho hay Giám đốc Tổ chức Y tế Thế (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai đã khuyến cáo Campuchia nên thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản trong dịp Tết cổ truyền Khmer vào tuần tới, trong bối cảnh nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 tại nước này gặp khó khăn.

Theo ông Kasai, Campuchia đang trong thời điểm quan trọng để khống chế dịch bệnh, đặc biệt khi Campuchia đang chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ đón Năm Mới cổ truyền.

Chính vì vậy, tất cả người dân nên thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản như rửa tay, đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách. Quan chức này khẳng định WHO sẽ nỗ lực đảm bảo Campuchia cùng các nước có đủ vaccine để ưu tiên tiêm phòng cho lực lượng y tế và người cao tuổi sớm nhất có thể.

Sáng cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia thông báo có thêm 113 ca mắc mới COVID-19 và 2 ca tử vong, trong khi có 90 bệnh nhân khỏi bệnh. Tất cả ca mắc mới đều là lây nhiễm cộng đồng và là người Campuchia và Việt Nam tại các tỉnh Kampot, Svay Rieng, Sihanoukville, Kandal, nhiều nhất tại thủ đô Phnom Penh.

Các kết quả xét nghiệm tối 7/4 cho thấy hơn 50 tiểu thương và nhân viên bảo vệ tại chợ đầu mối O’Russey ở thủ đô Phnom Penh đã mắc COVID-19, buộc giới chức thành phố Phnom Penh  kêu gọi những tiểu thương khác đi xét nghiệm ngay lập tức.

Theo chính quyền Phnom Penh, hơn 100 người gồm quản lý, bảo vệ chợ, tiểu thương và gia đình của họ đã mắc COVID-19 liên quan đến ổ dịch tại chợ O’Russey.

Tính đến sáng 8/4, Campuchia ghi nhận tổng cộng 3.028 ca mắc COVID-19, trong đó 1.914 người đã khỏi bệnh và 24 ca tử vong.

Trong một diễn biến liên quan, sau khi Campuchia cấm đi lại giữa các tỉnh trong 14 ngày bắt đầu từ ngày 7/4 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lan rộng, Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia vừa ra thông báo công nhân các nhà máy và nhân viên các doanh nghiệp sẽ được cấp thẻ đi lại để có thể đi làm giữa các tỉnh.

Theo Bộ trưởng Lao động và Đào tạo nghề Campuchia Ith Samheng, tất cả các phương tiện chở lao động đi làm từ tỉnh này qua tỉnh khác (trừ Phnom Penh và Kandal), dù chở một người hay nhiều người, đều cần phải có giấy phép lưu thông do Bộ Lao động và Đào tạo nghề hoặc Sở trực thuộc cấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục