Dịch COVID-19: Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao mức độ cảnh báo

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch với phương châm: thần tốc, quyết liệt, đồng bộ, chủ động; đồng thời nâng cao mức độ cảnh báo trong phòng, chống dịch.
Dịch COVID-19: Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao mức độ cảnh báo ảnh 1Tại khu vực lối ra vào hai hẻm 168 đường Nguyễn Cư Trinh và 245 đường Nguyễn Trãi (khu vực Mả Lạng), Quận 1, cơ quan chức năng phong tỏa nghiêm ngặt. Đây là nơi cư trú của bệnh nhân 2005. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Sau khi phát hiện thêm 25 ca mắc COVID-19 mới từ ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 8/2, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị, cũng như phối hợp chặt chẽ vối các cơ quan y tế đóng trên địa bàn thành phố để phòng, chống dịch với phương châm: thần tốc, quyết liệt, đồng bộ, chủ động; đồng thời nâng cao mức độ cảnh báo trong phòng, chống dịch.

Khẩn trương truy vết các ca F1

Trong ngày 8/2, Trung tâm Y tế Quận 1 cùng lực lượng chức năng phường Nguyễn Cư Trinh (Quận 1) đã gấp rút phong tỏa khu vực Mả Lạng để lấy mẫu xét nghiệm giám sát đối với tất cả người dân sống trong khu vực do liên quan đến bệnh nhân 2005.

Đây là lần đầu thành phố áp dụng lấy mẫu gộp đối với hộ gia đình theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hiện tại, lực lượng công an, dân phòng đang chốt chặn con hẻm với hai lớp rào chắn. Người dân sống trong khu vực được yêu cầu không ra ngoài. Những người vắng mặt lúc phong tỏa cũng được yêu cầu quay về.

Khu vực Mả Lạng hiện có khoảng 1.900 nhân khẩu, mặc dù bệnh nhân được xác định ít tiếp xúc nhưng do tại đây có các lối đi nhỏ hẹp nên cơ quan y tế nhận định nguy cơ lây nhiễm khá cao.

[TP. HCM dừng hoạt động cơ sở kinh doanh-dịch vụ không thiết yếu]

Sở Y tế thành phố yêu cầu Trung tâm Y tế Quận 1 huy động tối đa lực lượng phục vụ công tác lấy mẫu; đảm bảo an ninh-trật tự, cũng như tránh tình trạng tập trung đông người, phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2.

Cũng trong ngày 8/2, Trung tâm Y tế Thành phố Thủ Đức đã phong tỏa khu vực nhà trọ tại Hẻm 441, đường Lê Văn Việt,  phường Tăng Nhơn Phú A, thành phố Thủ Đức do có liên quan đến bệnh nhân 2038. Các hoạt động điều tra, truy vết, khoanh vùng đã được khẩn trương thực hiện.

Trong chiều 8/2, thành phố Thủ Đức đã hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho 270 người dân tại 65 hộ gia đình trong khu vực phong tỏa.

Tương tự tại quận Gò Vấp, ngay khi có kết quả xét nghiệm của 6 ca mắc COVID-19 trên địa bàn quận, cơ quan y tế tại đây đã phối hợp các ngành chức năng nhanh chóng khoanh vùng, phong tỏa tạm thời các địa điểm liên quan đến các ca nghi nhiễm, nhanh chóng truy vết các ca F1, F2, khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm tất cả người liên quan.

Quận Gò Vấp đã  lấy mẫu xét nghiệm cho 1.030 dân cư tại chung cư Felix Homes (Phường 6), 108 mẫu xét nghiệm tại Hẻm 251 (Phường 10) và 45 mẫu trẻ dưới 5 tuổi tại trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ (Phường 6).

Chuẩn bị kịch bản ứng phó ở mức độ khẩn cấp

Qua phân tích chuỗi lây nhiễm trên địa bàn, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, các trường hợp nhiễm mới (25 ca) có tiếp xúc gần (F1) với các bệnh nhân làm việc trong nhóm bốc dỡ hành lý và hàng hóa tại một công ty phục vụ mặt đất ở Sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là ổ lây nhiễm đã có từ trước.

Tổng cộng có 30 ca mắc mới tại 7 quận, huyện trong cộng đồng dân cư. Mặc dù chưa phát hiện việc các nhân viên trong sân bay mắc COVID-19 từng tiếp xúc với hành khách nhưng tổ bốc xếp ở sân bay được xem là ổ dịch có diễn biến khá phức tạp vì chưa xác định được nguồn lây nhiễm cũng như thời điểm khởi đầu. Do đó, tại đây có thể sẽ còn các ca lây nhiễm trong cộng đồng vào thời gian tới.

Dịch COVID-19: Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao mức độ cảnh báo ảnh 2Lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho cán bộ, nhân viên Bệnh viện Quân y 175 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Trước tình hình đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế đóng trên địa bàn thành phố, nâng cao mức độ cảnh báo trong phòng, chống dịch.

Thành phố nhanh chóng, thần tốc truy vết các ca F1, F2, khoanh vùng dịch tễ, lấy mẫu diện rộng và có kết quả xét nghiệm nhanh trong 24 giờ. Tất cả các ca F1 được cách ly tập trung, F2 được cách nghiêm ngặt tại nơi cư trú.

Đồng thời, thành phố cũng khẩn trương hoàn thành xét nghiệm lại lần hai đối với toàn bộ 1.600 nhân viên làm việc tại công ty bốc xếp tại Sân bay Tân Sơn Nhất vào tối 8/2. Khoanh vùng, phong tỏa tạm thời tất cả các ổ lây nhiễm trong cộng đồng ở 7 quận, huyện; lấy mẫu đơn đối với tất cả các ca tiếp xúc gần (F1), mẫu gộp đối với hộ gia đình ở trong khu vực lây nhiễm; xét nghiệm toàn bộ nhân viên, cán bộ công nhân viên của Bệnh viện Quân y 175 - nơi bệnh nhân 1979 từng đến khám.

Để đảm bảo an toàn ở mức độ cao cho toàn bộ hành khách đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) thành phố đã xét nghiệm lần 2 đối với các nhân viên làm việc tại sân bay từng có tiếp xúc với hành khách.

HCDC cũng yêu cầu nhân viên Sân bay Tân Sơn Nhất chỉ được đi làm khi có kết quả xét nghiệm âm tính.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống dịch bệnh ở mức độ khẩn cấp; chuẩn bị đầy đủ các cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị bảo hộ để điều trị tốt cho tất cả bệnh nhân; dự trữ đầy đủ các test kit xét nghiệm, phối hợp với các cơ quan y tế của Trung ương đóng trên địa bàn thành phố nhằm đảm bảo năng lực xét nghiệm từ 30.000 đến 40.000 mẫu mỗi ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục