Dịch cúm A/H7N9 áp sát các tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc

Theo Tổ chức Y tế thế giới, riêng trong ba tuần đầu tháng Một năm 2015 tại Trung Quốc đã ghi nhận 16 trường hợp mắc cúm A/H7N9, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Dịch cúm A/H7N9 áp sát các tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc ảnh 1Phun thuốc khử trùng, tiêu độc tại nhà các hộ chăn nuôi khu vực biên giới. (Ảnh: TTXVN)

Hiện nay dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc vẫn chưa được khống chế và có nguy cơ bùng phát thành đợt dịch mới. Đặc biệt, số ca mắc bệnh tại Trung Quốc có xu hướng lan rộng từ các tỉnh phía Bắc xuống các tỉnh phía Nam - gần biên giới với Việt Nam gây ra mối lo ngại.

Thông tin được các chuyên gia đưa ra tại cuộc họp ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người diễn ra chiều 28/1 tại Hà Nội.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), riêng trong ba tuần đầu tháng Một năm 2015 tại Trung Quốc đã ghi nhận 16 trường hợp mắc cúm A/H7N9, trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Như vậy, tổng số ca mắc cúm A/H7N9 từ năm 2013 đến ngày 24/1/2015 là 486 trường hợp mắc (Trung Quốc 469: Đài Loan: 04, HongKong: 12, Malaysia: 1), trong đó có 185 trường hợp tử vong.

Đáng lưu ý, số ca mắc cúm có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam của Trung Quốc, gần biên giới với Việt Nam.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tại Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên gia cầm và trên người.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phân tích, mùa Đông Xuân là thời điển rất thuận lợi cho việc lây truyền các chủng virus, vi khuẩn, dịch bệnh lây qua đường hô hấp nên người dân cần coi trong việc phòng chống bệnh trong thời điểm này.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đưa ra nhận định, hiện nay tình hình dịch cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, cúm A/H5N2... diễn biến khá phức tạp và khó tiên đoán. Vì vậy khả năng lây nhiễm, lan truyền dịch bệnh từ Trung Quốc sang Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Phân tích về dịch cúm, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, số người mắc cúm A/H7N9 ghi nhận nhiều nhất từ tháng Một đến tháng Tư, với tỷ lệ tử vong khoảng 40%. Hiện các ca bệnh tại Trung Quốc có xu hướng lan rộng từ các tỉnh phía Bắc đến các tỉnh phía Nam. Chẳng hạn như tỉnh Quảng Đông - nơi đông người Việt Nam sang du lịch, làm ăn buôn bán cũng đã ghi nhận có 111 ca mắc.

Theo các chuyên gia, hai năm qua, dịch cúm A/H7N9 hai năm qua không xâm nhập vào Việt Nam, tuy nhiên gần đây số người nhiễm tăng cao vì vậy khả năng lây nhiễm các chủng cúm từ biên giới phía Bắc và Tây Bắc vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Nhất là dịp giáp Tết và sau Tết nguyên đán, do nhu cầu trao đổi, đi lại khiến dịch cúm có nguy cơ diễn biến phức tạp hơn, trong khi đó dịp này nhu cầu sử dụng thịt gia cầm của người dân tăng cao hơn.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam, năm 2014 có hai trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 tại Bình Phước và Đồng Tháp và đều đã tử vong. Cả hai trường hợp này đều có tiển sử tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh.

Tích lũy từ đầu năm 2003 đến nay, Việt Nam ghi nhận 127 trường hợp mắc, 64 trường hợp tử vong. Số mắc cao nhất là trong giai đoạn 2003-2010, từ năm 2011 đến nay ngành y tế ghi nhận rải rác một số trường hợp mắc bệnh tại các địa phương. Đặc biệt, trong năm 2015, chưa ghi nhận trường hợp mắc mới.

Trước nguy cơ xâm nhập các trường hợp nhiễm cúm gia cầm vào Việt Nam là rất lớn, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Bộ Y tế đã ban hành và chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt thực hiện Kế hoạch hành động phòng, chống bệnh cúm A/H7N9 theo 4 tình huống dịch bệnh, bảo đảm việc đáp ứng phòng chống dịch một cách hiệu quả, tăng cường công tác giám sát, xét nghiệm đối với thú y.

Ngoài ra, ngành y tế cũng đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố kích hoạt khởi động toàn hệ thống vào cuộc để triển khai công tác phòng chống dịch tới các địa phương.

Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên giết mổ gia cầm ốm chết, không nên ăn tiết canh, bởi đây là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh từ gia cầm sang người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục