Dịch lợn tai xanh ngày càng lây lan ra diện rộng

Trong khi dịch tai xanh trên lợn ngày càng lây lan ra diện rộng thì công tác kiểm soát, vận chuyển tại các vùng dịch còn lơ là.
Chiều 4/5, ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Cục Thú y cho biết, trong khi dịch tai xanh trên lợn ngày càng bùng phát và lây lan ra diện rộng thì công tác kiểm soát, vận chuyển tại các vùng dịch còn lơ là.

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, ông Hoàng Văn Năm cho rằng, công tác chỉ đạo phòng chống dịch ở nhiều địa phương còn nặng về giấy tờ, công văn mà không kiểm soát được ở cấp cơ sở. Nhiều địa phương vẫn đang loay hoay bàn mức hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ đã có quy định về mức hỗ trợ tiêu hủy, cụ thể là 25.000 đồng/kg lợn, nhưng không vượt quá 70% so với giá thị trường.

Mức giá này không cố định, căn cứ vào tình hình thực tế, mà Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh có quyền quyết định mức giá cụ thể. Mặc dù vậy, nhiều địa phương đã thiếu linh động trong việc quy định mức giá hỗ trợ dẫn đến tình trạng dây dưa kéo dài.

Ông Năm cho biết, đến thời điểm này, một số địa phương chưa đưa ra được mức giá đền bù tiêu hủy cho người chăn nuôi hoặc có những tỉnh, thành lại đưa ra mức đền bù chênh lệch nhau nhiều như: thành phố Hà Nội và Hưng Yên đang áp dụng mức 25.000 đồng/kg lợn thịt, Hải Dương, Thái Bình lại ở mức 18.000 đồng/kg.

Trong khi giá thịt hơi trên thị trường đang dao động khoảng 21.000-22.000 mỗi kg đã dẫn tới việc ở các địa phương có mức đền bù cao hơn người dân đổ xô mang lợn đi tiêu hủy, dù chưa biết là có nhiễm bệnh hay không. Ông Năm đề xuất, Bộ Tài chính nên sớm có mức hỗ trợ tiêu hủy chung, quy định cho từng vùng miền.

Một nguyên nhân khác khiến dịch lây lan nhanh là việc kiểm soát vận chuyển còn lơ là, tình trạng bán chạy lợn ốm, vận chuyển lén lút lợn từ vùng dịch sang vùng không có dịch vẫn diễn ra.

Theo Cục Thú y, ngày 29/4 tại Trạm kiểm dịch Gia Lách, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã kiểm tra xe ôtô vận chuyển lợn từ Bắc Giang. Giấy chứng nhận vận chuyển chỉ có 40 con, song thực tế số lợn trên xe là 61 con, trong đó 2 con đã chết, số còn lại đều có triệu chứng sốt cao. Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm sau đó cho thấy kết quả dương tính với virus gây bệnh tai xanh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã có công điện đề nghị tỉnh Bắc Giang nghiêm túc thực hiện việc phòng chống dịch trên tinh thần nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chấn chỉnh công tác kiểm dịch động vật trên địa bàn.

Theo báo cáo của Cục Thú y ngày 4/5, trong hai tuần qua, dịch tai xanh trên lợn vẫn tiếp tục phát sinh thêm nhiều ổ dịch mới ở các địa phương. Đến thời điểm này, dịch đã xuất hiện ở 154 xã, phường, thị trấn của 28 quận, huyện thuộc 11 tỉnh, thành trên cả nước.

Đã có tổng số hơn 49.900 con lợn mắc bệnh, trong đó đã tiêu hủy hơn 21.300 con.

So với 2 tuần trước đó, dịch mới xuất hiện ở 66 xã, phường, thị trấn của 11 huyện thuộc 5 tỉnh, thành có thể thấy được tốc độ lây lan dịch nhanh và ngày càng trầm trọng. Đặc biệt, dịch đã xuất hiện tại miền Trung (tỉnh Nghệ An), nguy cơ bùng phát một đợt dịch mới tại đây là rất cao bởi khả năng miễn dịch tự nhiên của đàn lợn đã giảm thấp.

Ban Chỉ đạo yêu các tỉnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt lưu ý siết chặt kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn; tăng cường hoạt động tại các trạm, chốt kiểm dịch quan trọng; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy./.

Hoàng Tùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục