Dịch vụ công càng nhiều, nguy cơ mất an toàn thông tin càng lớn

Chính phủ điện tử đang phát triển theo chiều sâu và khi các dịch vụ công cung cấp các nhiều thì nguy cơ mất an toàn thông tin càng lớn.
Dịch vụ công càng nhiều, nguy cơ mất an toàn thông tin càng lớn ảnh 1Tìm hiểu các giải pháp bảo mật cho Chính phủ điện tử. (Nguồn: CTV)

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, Chính phủ điện tử đang phát triển theo chiều sâu và khi các dịch vụ công cung cấp các nhiều, các thông tin giao dịch qua điện tử càng nhiều thì nguy cơ mất an toàn thông tin càng lớn.

Thông tin trên được ông Đường chia sẻ bên lề Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử diễn ra sáng 5/7 tại Hà Nội.

Theo ông Đường, thời gian qua an toàn thông tin có nhiều diễn biến phức tạp. Tấn công mạng đang diễn ra ngày càng tinh vi, hacker ngày càng tổ chức, ảnh hưởng từ các cuộc tấn công ngày càng lớn. Do đó, các cơ quan, tổ chức cần tăng cường giám sát cho các hệ thống an toàn thông tin Chính phủ điện tử, giao dịch trên mạng, tăng cường nâng cao nhận thức người dân biết bảo vệ thông tin của mình.

Ông Đường cũng cho hay, các nguy cơ có thể xảy ra là có thể bị hacker tấn công từ chối dịch vụ, bị lộ lọt thông tin nhạy cảm, thay đổi giao diện các website, bị lừa đảo, mã độc, gián điệp…

“Khi Chính phủ điện tử đi vào chiều sâu, có nhiều dịch vụ công được cung cấp, nhiều thông tin người dân được lưu trữ mà bị lộ lọt, sửa đổi, ăn cắp thì sẽ đem lại nguy cơ lớn, ảnh hưởng không chỉ hoạt động của hệ thống Chính phủ điện tử mà còn là sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hoạt động của xã hội,” ông Đường cảnh báo.

Trong khi đó, ông Hà Thế Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty An ninh An toàn thông tin CMC (CMC InfoSec) cho hay, giải pháp để xây dựng Chính phủ điện tử hiệu quả là có thể kể đến “Mô hình triển khai trung tâm giám sát, xử lý sự cố an ninh an toàn thông tin (SOC) cho các đơn vị Chính phủ.”

Theo ông Phương, mô hình thuê dịch vụ SOC từ các đối tác thứ 3 đang phù hợp với xu hướng phát triển của chính phủ điện tử ở các tỉnh. Với mô hình này, chi phí đầu tư dịch vụ có thể thuê theo năm và được coi là chi phí hoạt động thường xuyên, phù hợp xu thế chuyển từ chi phí đầu tư sang chi phí vận hành. Mô hình này có thể hỗ trợ công tác bảo mật như giám sát, phân tích, cảnh báo xử lý, điều tra sự cố, kiểm soát tính tuân thủ các quy định được ban hành trong tổ chức…

“Với việc sử dụng mô hình SOC thuê ngoài, chi phí của tổ chức sẽ được giảm tới gần 70% so với phương pháp tự phát triển. Tổng cục Hải quan Việt Nam là đơn vị đã áp dụng thành công mô hình này với sự hỗ trợ của các chuyên gia CMC Infosec,” ông Phương cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục