Dịch vụ du lịch dịp lễ: Bắt tay nhau... “làm giá”

Càng gần đến dịp nghỉ lễ, việc đặt phòng khách sạn, nhà nghỉ tại các điểm du lịch càng khó khăn. Bất cứ ai có nhu cầu đặt phòng vào dịp này đều bị thông báo là hết “phòng” hoặc được báo một giá phòng cao ngất ngưởng.

Mặc dù được giới lữ hành dự báo, nhu cầu nghỉ dưỡng dịp lễ năm nay sẽ không quá căng thẳng, nhưng các chủ khách sạn nhỏ và “cò” vẫn bắt tay nhau để nâng giá.
Càng gần đến dịp nghỉ lễ, việc đặt phòng khách sạn, nhà nghỉ tại các điểm du lịch càng khó khăn. Bất cứ ai có nhu cầu đặt phòng vào dịp này đều bị thông báo là hết “phòng” hoặc được báo một giá phòng cao ngất ngưởng.

Mặc dù được giới lữ hành dự báo, nhu cầu nghỉ dưỡng dịp lễ năm nay sẽ không quá căng thẳng, nhưng các chủ khách sạn nhỏ và “cò” vẫn bắt tay nhau để nâng giá.

Cận ngày mới đặt phòng: Bị “hét” giá cao

Cách đây vài tháng, đại diện các tour du lịch đều đã có chung nhận xét, với 3-4 ngày nghỉ, du lịch dịp 30/4 và 1/5 sẽ chủ yếu là các tour ngắn ngày và do người dân tự tổ chức. Đây cũng là dịp được nhiều địa phương ven biển chọn là ngày khai trương mùa du lịch biển, chính vì vậy, lượng khách đến sẽ khá đông và cũng là cơ hội để các “cò” làm giá phòng nghỉ.

Chị Phạm Thủy cùng một số bạn bè ban đầu bàn nhau đưa gia đình đi nghỉ tại Phan Thiết hoặc vào Hội An nhưng do dùng dằng gần tháng nay mới đặt tour và khi đó thì... hết vé máy bay.

Nhóm của chị định chọn một số điểm du lịch biển “gần” như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Xuân Thành (Hà Tĩnh)... nhưng một số người đã đi và chê chất lượng dịch vụ chưa được tốt. Cuối cùng, cả nhóm quyết định đi Vân Đồn và phải nhờ người bạn là dân địa phương đặt phòng giúp mới được và giá phòng đã tăng gần gấp đôi so với ngày thường.

Anh Lại Văn Quân, điều hành tour của Công ty Du lịch Mai Linh cho biết, những chủ khách sạn nhỏ, nhà nghỉ hiểu khá rõ tâm lý của khách là cận ngày mới đặt phòng nên họ mới dùng chiêu “phòng đã được đặt hết”, rồi hét giá cao gấp 3-4 lần ngày thường.

Còn anh Nguyễn Sỹ Hùng, Giám đốc Công ty du lịch Khánh Sinh thì chia sẻ kinh nghiệm: Đối với nhiều nhà nghỉ, họ thường bắt tay với “cò” để làm giá.

Tại một số điểm du lịch dự báo sẽ đông khách đến, ngay từ cửa ngõ “khu du lịch” sẽ có đội quân xe ôm kiêm “cò” phòng khách sạn lẵng nhẵng bám theo xe gạ gẫm thuê phòng với mức giá “vừa phải” vào ngày cao điểm. Thực chất, khi đó giá phòng đã tăng cao gấp 2-4 lần so với ngày thường.

Những đối tượng khách được “nhắm” đến là khách đoàn nhỏ tự tổ chức đi và chưa đặt trước. Những phòng này ở cách khá xa biển và chất lượng dịch vụ kém.

Giá tăng do thông tin “ảo”!

Trên thực tế, giá khách sạn tăng một phần do thông tin “ảo”. Nhiều trang web cận ngày nghỉ đều đưa thông tin “cháy phòng”, làm cho những nơi vốn ế ẩm cũng nóng lên và họ cứ thế hét giá vô tội vạ.

Ví dụ như Đà Lạt, mùa này đang là mùa khô, thác không có nước, hồ Xuân Hương thì đang cạn và phòng nghỉ thì chưa thể hết, nhưng các chủ khách sạn, nhà nghỉ cứ liên tục thông báo là “cháy phòng” khiến nhiều hãng lữ hành cũng lao đao.

“Những người làm du lịch chuyên nghiệp như chúng tôi cũng không tiên đoán được giá lại cao đến thế. Thông tin 'ảo' nhiều lúc cũng dẫn đến giá 'ảo' và thiệt nhất là người tiêu dùng, số tiền bỏ ra lớn mà chất lượng dịch vụ không tương đương” - ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ trẻ (Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết.

Theo giới lữ hành nhận định, các khách sạn 3-5 sao có hợp đồng ổn định, nên những ngày lễ tết giá phòng chỉ tăng 10%.

Ví dụ một resort tại miền Trung giá công bố là 105USD++, giá hợp đồng với đơn vị lữ hành mùa thấp điểm là 45USD (giá net), mùa cao điểm là 55USD net, vào các ngày lễ tết phụ thu thêm 20USD (có ghi trong hợp đồng).

Còn các khách sạn từ 2 sao trở xuống cứ tăng giá vô tội vạ do ít khi có hợp đồng với đơn vị lữ hành; nếu có thì các đơn vị lữ hành thuê theo thỏa thuận từng thời điểm. Những khách sạn này ngày thường giá 250.000 đồng/ngày, nhưng ngày lễ tết, cao điểm lên tới 700.000- 800.000 đồng/ngày.

Thậm chí ở một số điểm du lịch, “cò” bao giá phòng luôn để “chặt chém” du khách. Các khách sạn nhỏ dịp này không nhận đặt phòng trước, điển hình ở miền Bắc là Cát Bà, khi điện thoại đến đặt phòng thì khách sạn nào cũng báo hết, nhưng thực tế các khách sạn vẫn giữ một lượng phòng nhất định để bán cho khách lẻ.

Khách đến thuê trực tiếp sẽ còn nhiều phòng, giá thỏa thuận; có nhà nghỉ ở Cát Bà giá 800.000 đồng/đêm, trong khi ngày thường khoảng 200.000-250.000 đồng/đêm. Một số khu vực đã được “điểm mặt chỉ tên” sẽ xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách.

Hiện tượng giá phòng tăng mạnh diễn ra chủ yếu tại các điểm du lịch miền Bắc mà điển hình Sầm Sơn, Cửa Lò, Cát Bà.

Trong Nam và miền Trung, do du lịch diễn ra quanh năm nên hiện tượng “chặt chém” chỉ diễn ra ở các điểm du lịch “nóng” như Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Đà Nẵng, Phan Thiết... do số tiền đặt cọc cao, "cò" găm ít phòng hơn; nhưng đáng chú ý nhất là năm nay Đà Lạt cũng dự báo tình trạng “chặt chém” giá khách sạn sẽ “nóng” tương đương như khu vực miền Bắc.

Để tránh bị "móc túi" oan vào các dịp nghỉ lễ đông đúc, đối với khách đi tự do, tốt nhất là trước khi trả tiền bất kỳ dịch vụ gì cũng phải hỏi giá; mà tốt nhất nên chọn các công ty lữ hành uy tín.

Nói như chị Thủy, với giá phòng lên tới 800.000 đồng/đêm mà chưa biết chắc dịch vụ có tốt không thì thà rằng đặt tour chất lượng cao giá có cao hơn chút đỉnh nhưng chất lượng dịch vụ lại đảm bảo!/.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục