Điểm đến của du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững

Việt Nam đang chú trọng phát triển du lịch tâm linh - loại hình du lịch được Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá có rất nhiều tiềm năng phát triển.

Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch tâm linh là loại hình du lịch có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Việc giao lưu giữa con người với con người thông qua du lịch tâm linh sẽ tăng cường đối thoại, thúc đẩy mối quan hệ giữa các nền văn hóa.

Ở Việt Nam, du lịch tâm linh là một loại hình du lịch mới nhưng hội tụ nhiều tiềm năng phát triển. Khai thác các giá trị di sản văn hóa dân tộc để phát triển du lịch đã trở thành một trong những định hướng quan trọng của Tổng cục Du lịch Việt Nam, góp phần tạo sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Với ý nghĩa đó, mục tiêu hành động của du lịch Việt Nam đã được đổi từ "Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn" giai đoạn 2005-2011 thành "Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận," áp dụng trong Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2012 - 2015.

Điểm đến của du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững

Tỉnh Ninh Bình nằm ở cực Nam đồng bằng sông Hồng, có ba Quốc lộ chính (1A, 10, 12A) và đường sắt Bắc-Nam chạy qua. Địa phương có vai trò là cầu nối giữa hai miền Nam-Bắc, gắn kết các tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ với tam giác phát triển kinh tế lớn trong vùng là Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.

Ngoài giao thông đi lại thuận lợi, Ninh Bình sở hữu nhiều di tích lịch sử và danh lam, thắng cảnh độc đáo như Cố đô Hoa Lư, Quần thể danh thắng Tràng An, Khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính...

Nơi đây dần trở thành trung tâm của ba tuyến du lịch tâm linh phía Bắc, đó là Hà Nội-Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương)-Đông Triều, Yên Tử (Quảng Ninh)-Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình); Chùa Hương (Hà Nội)-Tam Chúc Ba Sao (Hà Nam)-Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình)-Đền Trần (Nam Định); tuyến Kinh đô Việt cổ gồm Đền Hùng (Phú Thọ) Hòang Thành Thăng Long (Hà Nội)-Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình)-Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa XX đã xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch theo hướng bền vững là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của mỗi người dân. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, Ninh Bình từng bước thúc đẩy phát triển hạ tầng, dịch vụ, đưa địa phương trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm về văn hóa, tâm linh của cả nước.

Với ý nghĩa đó, lần đầu tiên "Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức sẽ diễn ra tại Khu du lịch văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính trong hai ngày 21 và 22/11.

Đây là cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng đến với bạn bè quốc tế; giao lưu, kết nối giữa các dân tộc có nền văn hóa khác nhau nhưng cùng có chung quan điểm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh thông qua du lịch.

Nhờ tăng cường xúc tiến, giới thiệu và quảng bá hình ảnh của du lịch Ninh Bình trên website của Tổng cục Du lịch và qua các phương tiện thông tin đại chúng, du khách trong nước và quốc tế đã biết đến Ninh Bình với Cố đô Hoa Lư là Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng của quốc gia, tồn tại 42 năm với 6 vị vua của ba triều đại Đinh-Tiền Lê-Lý.

Bắt đầu từ năm 968, khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối và lên ngôi Hòang đế lập nên triều đại nhà Đinh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt cho đến năm 1010, khi Lý Công Uẩn (tức vua Lý Thái Tổ) hạ Chiếu dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La (tức Hà Nội bây giờ). Nơi đây đã chứng kiến những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, từng là trung tâm văn hóa lớn, nơi tạo thế và lực cho dân tộc Việt Nam bước vào thời cực thịnh, phát triển rực rỡ trong các thời kỳ tiếp theo.

Khu du lịch sinh thái Tràng An được mệnh danh là "Vịnh Hạ Long trên cạn" trải dài trên diện tích 2.168ha, trên địa bàn 8 xã, phường thuộc hai huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình.

"Vịnh Hạ Long trên cạn" có hệ thống hang động xuyên thủy, núi đồi, sông suối hòa quyện vào nhau tạo nên một không gian huyền ảo, ẩn chứa những giá trị tài nguyên du lịch nhân văn to lớn.

Hàng loạt lễ hội quy mô mang tầm quốc gia đã diễn ra tại đây, đặc biệt là Lễ hội truyền thống Thánh Quý Minh Đại Vương được tổ chức thường niên tại đền Trần trong quần thể Khu du lịch tâm linh Tràng An-Bái Đính để tưởng nhớ, tri ân Đức Thánh Quý Minh Đại Vương, người đã góp công lớn trong việc gìn giữ sự bình yên cho nước nhà.

Được xây dựng nhân kỷ niệm 1.000 năm vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Thăng Long, Bái Đính tân tự là ngôi chùa có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, sở hữu nhiều kỷ lục được xác lập bởi Trung tâm Kỷ lục Guiness Việt Nam, hàng năm thu hút rất đông Phật tử đến chiêm bái trong mùa lễ hội.

Đây cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lớn của Việt Nam, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như Đại lễ cung nghinh ngọc xá lợi Phật, xá lợi Thánh tăng (năm 2009 và 2010); Nghi lễ Phật giáo "Cầu nguyện thế giới hòa bình, cầu nguyện lý tưởng hòa bình" của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc UNESCO (năm 2011); Đại lễ cầu siêu tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững (năm 2013); Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc - Vesak năm 2014.

Liên kết du lịch để phát triển

Theo phó giáo sư- tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Di sản văn hóa Việt Nam, muốn phát huy giá trị của các khu di tích lịch sử, văn hóa tâm linh và danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch, tỉnh Ninh Bình cần huy động sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội trên một hành trình dài lâu.

Việc thống nhất nhận thức đi kèm với thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó liên kết du lịch để phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Năm 2012, tỉnh Ninh Bình đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với 10 tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn.

Thời gian qua, cùng với các tỉnh, thành bạn, Ninh Bình đã tích cực triển khai liên kết, hợp tác trong công tác quản lý Nhà nước, xúc tiến quảng bá, đầu tư xây dựng sản phẩm mới, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch hướng tới mục tiêu đến năm 2015 đón 6 triệu lượt khách, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân là 10%/năm. Doanh thu phấn đấu đạt 1.500 tỷ đồng. Từ năm 2020, thu nhập từ du lịch chiếm trên 10% GDP toàn tỉnh.

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định, Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình nhằm mục đích tăng cường các khuôn khổ chính sách, thúc đẩy hợp tác với cộng đồng, bảo vệ và gìn giữ các giá trị truyền thống; xây dựng các quy định về sử dụng tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch tâm linh nhằm tạo cơ hội việc làm, tăng cường đa dạng hóa sản phẩm, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa.

Cùng với đó, khuyến khích giáo dục và đào tạo, nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng trong quản lý du lịch, các nhóm dân cư đặc biệt với người dân bản địa thông qua phát triển du lịch tâm linh; tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy hòa hợp, đảm bảo sự tồn tại của các giá trị truyền thống qua nhiều thế hệ.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình Trần Hữu Bình, để du lịch Đồng bằng sông Hồng nói chung, du lịch Ninh Bình nói riêng phát triển tương xứng với tiềm năng, bên cạnh các giải pháp cần thiết như: đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án du lịch; xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy mạnh đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch… thì giải pháp liên kết du lịch theo vùng cần phải được thực hiện quy mô, bài bản dưới sự chỉ đạo đồng bộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam.

Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, trên cơ sở đề án "Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy quần thể di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư," tỉnh Ninh Bình cần củng cố, phát triển các điểm đến du lịch theo trục Hoa Lư-Tràng An một cách khoa học với quan điểm bền vững trong mối quan hệ phát triển du lịch chung với khu vực tâm linh tại chùa Bái Đính, cảnh quan ở khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long và xa hơn nữa là vùng Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là trung tâm du lịch Hà Nội và các tỉnh, thành bạn như Phú Thọ, Hải Dương, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

Trong tương lai, cần tăng cường sự liên kết chặt chẽ và hợp lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cũng như doanh nghiệp, hiệp hội du lịch các địa phương nhằm xây dựng những sản phẩm mới, không trùng lặp, tạo được điểm nhấn ấn tượng với khách du lịch./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục