Điểm đột phá để Israel tăng quan hệ ngoại giao với châu Phi

Trang mạng timesofisrael.com có bài phân tích về động thái mới của Israel - hợp tác huấn luyện quân sự với các nước châu Phi - coi đó là điểm đột phá để tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước này.
Điểm đột phá để Israel tăng quan hệ ngoại giao với châu Phi ảnh 1Binh sỹ Israel tham gia một cuộc diễn tập. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng timesofisrael.com ngày 4/3 có bài phân tích về động thái mới của Israel - hợp tác huấn luyện quân sự với các nước châu Phi - coi đó là điểm đột phá để tăng cường quan hệ ngoại giao hiện có với các nước này và thiết lập các quan hệ ngoại giao mới với các nước thuộc châu lục. Bài viết nội dung như sau:

Lực lượng biệt kích của Bộ Quốc phòng Israel (IDF) đang tham gia huấn luyện cho binh sỹ tại hơn 10 quốc gia châu Phi - một phần trong chiến lược tổng thể của Israel nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao tại lục địa này.

Bản tin ngày 3/3 của Kênh 13 (kênh truyền hình Israel) cho thấy hình ảnh các sỹ quan Israel đang huấn luyện binh sỹ Tanzania biện pháp tự vệ, các chiến dịch giải cứu con tin và tác chiến trong đô thị.

Thực tế, Israel đã và đang tăng cường mạnh mẽ hợp tác quân sự với các nước châu Phi. Đây là kết quả trực tiếp từ những nỗ lực và trọng tâm chính sách đối ngoại của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhằm cải thiện mối quan hệ với các quốc gia châu Phi và thiết lập quan hệ với một số nước khác thuộc châu lục này.

Phát biểu tại cuộc họp thường niên của Hội nghị chủ tịch các tổ chức Do Thái-Mỹ ngày 20/2 vừa qua tại Jerusalem, Thủ tướng Netanyahu khẳng định: “Trong hai năm qua, tôi đã công du châu Phi bốn lần, điều đó cho các bạn thấy tín hiệu nhất định.”

Chính sách của Chính phủ Israel nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước châu Phi còn bao gồm cả những nỗ lực chung của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cơ quan tình báo Mossad và Cơ quan an ninh Shin Bet.

[Israel cho ra mắt hệ thống chống nhiễu GPS thế hệ mới]

Mới đây, sau vài thập kỷ, Israel đã bổ nhiệm Đại tá Aviezer Segal làm tùy viên quân sự đầu tiên ở châu Phi và phụ trách quan hệ về quân sự với nhiều nước ở châu lục này.

Đại tá Segal khẳng định: “Chúng tôi đối xử tôn trọng, đánh giá cao các nhà lãnh đạo châu Phi cũng như làm việc với họ một cách bình đẳng, thân hữu và chuyên nghiệp.”

Khi được hỏi về việc làm thế nào có thể đảm bảo rằng những binh sỹ được Israel huấn luyện sẽ không sử dụng các kỹ năng mới tiếp thu để đàn áp hoặc thực hiện những hành vi tàn bạo, Đại tá Segal đã khẳng định các binh sỹ này chủ yếu được huấn luyện về biện pháp tự vệ, kỹ năng bắn súng và các tình huống giải cứu con tin.

Các quốc gia được Israel hợp tác huấn luyện binh sỹ gồm Etiopia, Rwanada, Kenya, Tanzania, Malawi, Zambia, Nam Phi, Angola, Nigeria, Cameroon, Togo, Côte d'Ivoire và Ghana.

Kênh 13 cũng cho rằng Israel có thể đạt được lợi ích khác từ sự hợp tác này bởi nhiều quốc gia đang được Nhà nước Do Thái hỗ trợ huấn luyện quân sự cũng là những nước có binh lính tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở các quốc gia láng giềng của Israel là Syria và Leban.

Nếu những binh sỹ được Israel huấn luyện tham gia các phái đoàn gìn giữ hòa bình thì nước này sẽ có được những lợi thế tiềm tàng.

Tuy nhiên, Israel đã từ chối hợp tác với một số quốc gia châu Phi do tình hình nhân quyền tại các nước đó. Israel đã và đang cử phái đoàn gồm các quan chức tới nhiều nước châu Phi và đánh giá kỹ các đề nghị tăng cường hợp tác quân sự.

Cùng với Văn phòng Thủ tướng, Bộ Ngoại giao, Cơ quan tình báo Mossad và IDF, phái đoàn này đang cân nhắc đến khả năng các kỹ năng quân sự mà Israel truyền đạt có thể được sử dụng để thực hiện những hành vi tàn ác hàng loạt.

Theo Kênh 13, gần đây Bộ Quốc phòng triệu tập Thiếu tướng Israel Yisrael Ziv đã nghỉ hưu để điều trần liên quan đến cáo buộc của Mỹ rằng ông Ziv đã bán số vũ khí trị giá 150 triệu USD cho Nam Sudan.

Tại phiên điều trần, ông Ziv đã trình bày với các quan chức chi tiết về những gì ông cho là “công việc nông nghiệp” của mình ở Nam Sudan và phủ nhận công ty tư vấn Global CST của ông đã từng dính líu đến việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp.

Tháng 12/2018, Bộ Tài chính Mỹ đã áp các lệnh trừng phạt đối với ông Ziv và hai người khác do vai trò của ba cá nhân này trong cuộc nội chiến và khủng hoảng nhân đạo ở Nam Sudan.

Mỹ cáo buộc ông Ziv sử dụng công ty Global CST làm vỏ bọc cho việc bán vũ khí trị giá khoảng 150 triệu USD cho cả chính phủ lẫn phe đối lập ở Nam Sudan, góp phần gây ra cuộc nội chiến sắc tộc đẫm máu khiến gần 400.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, Mỹ không đưa ra bằng chứng liên quan đến các cáo buộc đối với ông Ziv. 

Bộ Tài chính cũng cho rằng ông Ziv “đã lập kế hoạch để tổ chức các cuộc tấn công của lính đánh thuê nhằm vào các mỏ dầu và cơ sở hạ tầng của Nam Sudan với mục đích gây ra tình trạng hỗn loạn để “đục nước béo cò” bởi chỉ có công ty và các chi nhánh của ông mới có thể giải quyết.

Ông Ziv đã thẳng thừng bác bỏ các cáo buộc của Mỹ và cho rằng các cáo buộc đó là “lố bịch, vô căn cứ và hoàn toàn không có cơ sở thực tế”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục