'Điểm sôi' vùng Vịnh và cuộc chơi chưa hồi kết của Anh, Mỹ với Iran

Căng thẳng giữa London và Tehran lên cao vì sự cố Iran định chặn bắt một tàu chở dầu của Anh đi qua Vịnh Oman sau vụ Anh bắt giữ tàu Grace 1 của Iran ở Gibraltar.
'Điểm sôi' vùng Vịnh và cuộc chơi chưa hồi kết của Anh, Mỹ với Iran ảnh 1Tàu của cảnh sát Anh (phía trước) tuần tra gần tàu chở dầu Grace I của Iran ở ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar ngày 6/7/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Businessinsider/BBC/nytimes.com/AFP, căng thẳng giữa London và Tehran lên cao vì sự cố Iran định chặn bắt một tàu chở dầu của Anh đi qua Vịnh Oman sau vụ Anh bắt giữ tàu Grace 1 của Iran ở Gibraltar.

Bộ Quốc phòng Anh hôm 11/7 cho biết các tàu cao tốc của Iran đã tiến tới gần một tàu chở dầu của Anh do hãng BP làm chủ ở vùng Vịnh Persia nhưng bị tàu khu trục HMS Montrose của Hải quân Hoàng gia Anh ngăn chặn.

Có thông tin tàu chiến Anh đã đi vào vùng nước giữa tàu chở dầu British Heritage và 3 tàu vũ trang mà Anh nói là do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) chỉ huy, chĩa nòng súng vào các tàu Iran buộc các tàu này phải rút lui.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố phía Iran "đã có hành động trái luật quốc tế."

Iran từng công khai dọa trả đũa Anh sau khi chính quyền Gibraltar, lãnh thổ hải ngoại của Anh, bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran hồi tuần trước. Anh đã ủng hộ Gibraltar trong vụ này và cho rằng tàu Iran đã "chở dầu đến Syria, vi phạm lệnh cấm vận của Liên hợp quốc."

Tuy nhiên, trong vụ việc mới nhất xảy ra tối 10/7, Iran đã bác bỏ cáo buộc rằng họ định bắt giữ tàu chở dầu của Anh. IRGC sáng 11/7 cũng ra thông cáo nhấn mạnh "không có bất kỳ cuộc đối đầu nào với tàu nước ngoài, kể cả với tàu Anh trong 24 giờ qua."

Sự cố trên cho thấy vịnh Persia đang trở thành một điểm nóng giữa Anh - đồng minh thân thiết của Mỹ - và Iran. Quan hệ hai nước ngày càng căng thẳng sau khi London tuyên bố Tehran "gần như chắc chắn" phải chịu trách nhiệm về 2 vụ tấn công tàu chở dầu quốc tế đi qua Eo biển Hormuz trong tháng 6 vừa qua.

Tàu Kokuka Courageous của Nhật Bản bị cháy và tàu Front Altair thuộc sở hữu của một công ty Na Uy bị trúng ngư lôi khi đi qua vùng biển này. Trong cả hai vụ việc, thủy thủ đoàn được cứu thoát nhưng không bên nào nhận trách nhiệm gây ra vụ hỏa hoạn và các vụ nổ trên tàu Front Altair.

Rick Hoffman, thuyền trưởng của lực lượng Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu nói với Business Insider: "Thực tế các tàu của Iran là tàu chiến, và trong trường hợp này IRGC đã tạo ra một mức độ căng thẳng nhất định. Vụ việc này chuyển cuộc đối đầu từ vấn đề an toàn hàng hải thành vấn đề an ninh." Tuy nhiên, các tàu của Iran đã rút lui và tình hình không leo thang thêm nữa.

[Gibraltar bắt giữ thêm 2 quan chức trên tàu chở dầu của Iran]

Theo Hoffman, người đã thường xuyên va chạm với các tàu của Iran trong lúc ông chỉ huy tàu khu trục và tàu tuần dương ở Trung Đông, tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh được trang bị các loại súng lý tưởng có thể nhắm mục tiêu vào các tàu vũ trang của Iran.

"Đó là những vũ khí hoàn hảo," ông nói về hệ thống pháo cỡ nòng 30mm được lắp đặt trên tàu Montrose.

Các tàu khu trục của Anh Type 23, hay tàu lớp Duke, được trang bị hệ thống pháo cỡ nòng nhỏ tự động DS30M Mark 2, gồm có loại pháo tự động Mark 44 Bushmaster II cỡ nòng 30 mm có khả năng bắn với tốc độ 200 viên đạn mỗi phút và đạt tầm bắn hiệu quả lên tới 2 dặm hải lý. Hải quân Hoàng gia Anh đã bắt đầu tân trang các tàu khu trục của họ bằng những vũ khí này cách đây một thập kỷ, như là một phần của kế hoạch nâng cấp Chiến tranh phòng thủ trên mặt biển.

"Chúng tôi không biết các quy tắc can thiệp của Anh," ông Hoffman nói.

"Nếu chỉ huy cảm thấy có nguy cơ xảy ra một hành động quân sự từ những tàu chiến đó, theo các quy tắc can thiệp mà chúng ta đã kinh qua trong quá khứ, rất có thể họ có quyền nổ súng. Và họ có một lợi thế rất lớn."

Tàu chiến HMS Montrose cũng đã cử một máy bay trực thăng, một chiếc AgustaWestland AW159 Wildcat, bay vòng quanh các tàu chiến của Iran, trong khi tàu chiến Anh đưa ra cảnh báo cho các chỉ huy tàu Iran trước khi các tàu này rời đi. Trong khi đó, Iran đã phủ nhận việc họ cản trở hành trình của tàu chở dầu Anh, nói rằng nếu họ thực sự muốn bắt giữ tàu này thì họ sẽ làm. Những sự cố ở Eo biển Hormuz đã được một máy bay của Mỹ quay lại nhưng quân đội Mỹ chưa công bố đoạn băng video này.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc hôm 11/7 cho biết họ đang thảo luận việc cử tàu quân sự hộ tống các tàu thuyền thương mại ở Vùng Vịnh, một ngày sau khi xảy ra vụ tàu chiến Iran đe dọa tàu chở dầu của Anh.

Tướng Mark Milley, người được Nhà Trắng bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho biết Washington đang nỗ lực tập hợp một liên minh "dưới dạng hộ tống quân sự và hộ tống hải quân cho các tàu thương mại" và kế hoạch này, theo ông, "sẽ được phát triển trong vài tuần tới."

Cùng ngày, Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ cho biết họ đã nắm được thông tin về hoạt động gây rối trái phép và các nỗ lực cản trở của IRGC đối với hành trình của tàu chở dầu treo quốc kỳ Anh hôm 10/7 ở gần Eo biển Hormuz."

Tư lệnh Hạm đội 5, Phó Đô đốc Jim Malloy cũng nói thêm Hạm đội 5 đang hợp tác chặt chẽ với Hải quân Hoàng gia Anh cũng như các đối tác khu vực và toàn cầu nhằm duy trì và bảo vệ tự do hàng hải.

Cáo buộc của Anh và Mỹ nhắm vào Iran diễn ra vào lúc kết thúc cuộc họp bất thường của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) theo yêu cầu của Washington để xem xét Iran có vi phạm thỏa thuận hạt nhân hay không. Kết thúc cuộc họp, đại diện Iran chỉ trích mạnh mẽ Washington, khẳng định chính sách gây sức ép tối đa sẽ thất bại và là nguyên nhân chính gây ra tình hình căng thẳng hiện nay.

Phát biểu với báo giới về cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Iran bí mật tinh chế urani trong một thời gian dài, Đại sứ Iran tại IAEA Kazim Gharib Abadi khẳng định "chúng tôi không có gì để che giấu," tất cả các hoạt động hạt nhân của Tehran đang được các thanh sát viên của IAEA theo dõi sát sao và họ không phát hiện bất cứ hoạt động tinh chế bí mật nào của Iran kể từ rất lâu trước khi Iran đạt thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới vào năm 2015.

Washington đã sử dụng cuộc họp tại Vienna (Áo) để cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận sau khi nước này vượt quá giới hạn về mức độ tinh chế urani làm giàu trong tuần qua.

Tehran nói hành động của họ là phản hồi trước các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt của Mỹ kể từ khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi năm ngoái. Iran nêu rõ tất cả các bước của họ đều có thể đảo ngược nếu Washington quay trở lại thỏa thuận.

Hôm 10/7, Tổng thống Trump đã đăng trên trang cá nhân Twitter: "Iran lâu nay vẫn bí mật tinh chế, vi phạm hoàn toàn thỏa thuận tồi tệ trị giá 150 tỷ USD mà John Kerry và chính quyền Obama đạt được. Hãy nhớ rằng, thỏa thuận đó sẽ hết hạn trong một vài năm. Các chế tài (của Mỹ đối với Iran) sẽ sớm được tăng cường đáng kể!."

Theo hãng tin Reuters, cáo buộc của ông Trump về việc Iran bí mật tinh chế urani đã gặp phải sự chế giễu của các nhà ngoại giao theo dõi hoạt động của IAEA.

Sanam Vakil, chuyên gia nghiên cứu tại Chatham House có trụ sở ở London, nhận định: "Cuộc chơi khó có thể chấm dứt ngay lúc này bởi vì dường như chính quyền Trump đang quyết tâm tiếp tục gây sức ép với Iran nhưng cái giá của việc đó sẽ là làm gia tăng nguy cơ phản ứng leo thang từ phía Iran."

Bà nói thêm, "có vẻ như chúng ta sắp bước vào cuộc xung đột khốc liệt trong tương lai gần sau một thời gian bị kìm nén"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục