Điểm vui chơi cho trẻ - Luật đã có, sân chơi còn xa

Cơ sở pháp lý cho sân chơi trẻ em của Việt Nam đã đầy đủ, nhưng trên thực tế trẻ em ở cả thành phố lẫn nông thôn vẫn rất thiếu sân chơi.
Ông Nguyễn Trọng An, Cục phó Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho biết: “Chúng ta đang đối mặt với tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ, cho dù hành lang pháp lý cho điều này đã có đầy đủ”.
Cơ sở pháp lý tích cực

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Cho tới giờ, cơ sở pháp lý cho sân chơi trẻ em của nước ta có thể nói là đã đầy đủ. Là nước thứ hai trên thế giới ký Công ước quyền trẻ em, Việt Nam đã xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa quyền được vui chơi giải trí cho các em. Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em (1991) cũng cụ thể hóa quyền này”.

Luật quy định rõ trẻ em có quyền được vui chơi, giải trí, được tham gia các hoạt động phù hợp với lứa tuổi. Luật cũng quy định Nhà nước phải đầu tư để trẻ em được nhận quyền này. Chương trình hành động quốc gia cho trẻ em giai đoạn 1991-2000 cũng đưa mục tiêu vui chơi giải trí vào. Nó thể hiện qua nhóm chỉ tiêu về các điểm vui chơi ở cộng đồng có nêu các hạng mục dành cho trẻ em.

Chương trình quốc gia cho trẻ em giai đoạn hai 2001-2010 đã giao cho Bộ Văn hóa xây dựng các chỉ tiêu về điểm vui chơi ở cộng đồng (diện tích, khoảng cách với khu dân cư, dụng cụ, người hướng dẫn). Theo những chuẩn này, Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu tới 2010 đạt 50% điểm vui chơi ở cộng đồng, 100% quận huyện có trung tâm vui chơi cho trẻ em được tổ chức quản lý. Mục tiêu này đã được phê duyệt trong Quyết định 23 của Thủ tướng năm 2000.

Sân chơi vẫn thiếu trầm trọng

Phạm Tú Quỳnh (14 tuổi, Trường THCS Lương Yên, Hà Nội) nhận xét: “Chúng em tự thấy quá thiếu địa điểm sân chơi cho mình. Thiếu đến mức các bạn phải chơi ở các chỗ nguy hiểm như đường phố. Bạn em hay đá bóng ngoài đường, rất nguy hiểm”.

Được hỏi sao không cảnh báo bạn về những nguy hiểm có thể gặp khi đá bóng ngoài đường, Quỳnh nói, giọng bất lực: “Em có nhắc nhưng các bạn bảo không có chỗ chơi”. Không tìm thấy những hoạt động giải trí hấp dẫn, phù hợp, Quỳnh và các bạn đành phải chọn cách giải trí là thi thoảng đi... ăn quà với nhau, chứ không chơi trò chơi gì.

Còn địa chỉ là Cung thiếu nhi và Vincom, các em lứa tuổi trung học cơ sở như Quỳnh lại tự thấy mình "sắp hết tuổi chơi" ở đó. Quỳnh ao ước: “Giá có nhiều chỗ chơi hơn cho học sinh để bọn em có thể cùng vui. Chỗ lý tưởng nhất là gần nhà, gần trường, chỉ đi xe đạp tầm khoảng 15 phút là đến được".

Không chỉ các thành phố lớn đông đúc, tại nhiều tỉnh trong cả nước cũng thiếu một sân chơi lành mạnh và an toàn cho trẻ.

Năm 2008, theo báo cáo của các tỉnh, chưa đến một nửa số xã có nhà văn hóa xã, hơn một nửa thôn có nhà văn hóa thôn. Số xã và thôn có sân thể thao còn ít hơn. Không những thế, các nhà văn hóa thiếu nhi hoạt động không thường xuyên. Thêm vào đó, không phải tất cả trẻ em đều đến nhà thiếu nhi vì đây chủ yếu là nơi phát hiện, đào tạo năng khiếu. Lịch hoạt động của nhà văn hóa huyện hầu như chỉ rơi vào dịp lễ Tết càng khiến nó ít được sử dụng.

Cũng phải nói thêm, không phải tất cả trẻ em ở các xã, phường đều có thể lặn lội về huyện tham gia vui chơi ở các nhà văn hóa. Với cơ sở vật chất còn hạn chế, các nhà văn hóa cấp huyện cũng ít hấp dẫn thiếu nhi ngay trên địa bàn.

Ở cấp xã, tuy có nhà thiếu nhi nhưng phần lớn các em ít đi xa ngoài khu vực thôn xóm. Việc tổ chức cho các em cũng chỉ vào lễ Tết, hè. Hoạt động thường xuyên cho các em không có vì thiếu người hướng dẫn, thiếu thiết bị.

Theo Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, cho tới nay, vẫn chưa có thống kê chính xác số sách báo cho các em ở tuyến xã. Một cán bộ chăm sóc trẻ em cho biết: “Một số nơi chúng tôi đến đã có cảnh: Tủ sách mang danh là dành cho các em nhưng lại toàn sách pháp luật, sách cho người lớn”.

Về sân chơi như các diễn đàn cho trẻ, phía Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho biết chưa có kế hoạch chính thức nào mang tính dài hạn. Các diễn đàn trẻ em, câu lạc bộ trẻ em hay hội trại cũng thu hút các em nhưng không được tổ chức thường xuyên. Thêm nữa, đối tượng lại rất chọn lọc- các em đang theo học tại các trường như các đội viên, các sao nhi đồng. Những em không đi học ít có điều kiện tham gia các sân chơi như vậy.

Tiến sĩ tâm lý Trần Thu Hương (Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội) cho biết: “Việc thiếu sân giải trí sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của các em. Thiếu hoạt động thể lực dẫn tới thể lực kém. Thiếu hoạt động thư giãn hợp lứa tuổi lại khiến các em mất đi tính hồn nhiên. Ngoài ra, thiếu sân chơi lành mạnh cũng mang đến nguy cơ dễ tiếp cận với các văn hóa phẩm có nội dung xấu, nhất là trong tình trạng nhiều gia đình quản lý con em còn lỏng lẻo”.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục