Điện ảnh: Cần sự vững chãi của một tinh thần Việt

Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan, điện ảnh Việt Nam muốn gây tiếng vang thì cần truyền tải bản sắc cũng như thông điệp của dân tộc Việt Nam.
Điện ảnh Việt Nam một thập kỷ qua chứng kiến sự bùng nổ của các hãng phim tư nhân, các dòng phim, thậm chí cả cuộc đổ bộ của các “chân dài” vào những phim nặng tính giải trí. Và dĩ nhiên điện ảnh cũng phải hứng nhiều cơn “mưa đá” chỉ trích từ phía dư luận cho thể loại phim được miêu tả là “sốc, sex, sến,” hay sự xuống cấp về đạo đức nghề của một bộ phận những người trong cuộc.

Thế nhưng, nếu đủ bình tĩnh để cùng tìm hiểu nguyên nhân gốc, xem xét đầy đủ các yếu tố, góc độ... thì có lẽ công chúng sẽ có cái nhìn bao dung hơn cho những cái “khó” của người làm điện ảnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Với tư cách nhà quản lý, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tiến sỹ Ngô Phương Lan đã có những trao đổi thẳng thắn với phóng viên Vietnam+ về chặng đường 60 năm phát triển Điện ảnh cách mạng Việt Nam và câu chuyện làm nghề thời nay.

{Mục tiêu là một nền điện ảnh VN hài hòa, cân đối}


Hoài niệm “con cưng” thời bao cấp


- Thưa bà, có một thực tế là không chỉ những người làm nghề tâm huyết mà khán giả bấy lâu nay luôn đau đáu, hoài niệm với Chung một dòng sông, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm, Con chim vành khuyên, Bao giờ cho đến tháng Mười... Vậy theo bà vì sao trong giai đoạn khó khăn nhất chúng ta vẫn làm được những tác phẩm điện ảnh đỉnh cao còn bây giờ khi đủ đầy điều kiện về vật chất, công nghệ và con người mà chúng ta làm được quá ít bộ phim có giá trị nghệ thuật và tư tưởng cao?

TS Ngô Phương Lan: Ngày xưa các thế hệ nghệ sỹ gạo cội làm phim với tất cả tâm huyết, sức lực, tài năng và đam mê chứ không hề tính toán hay nghĩ làm phim vì mục đích gì khác ngoài nghệ thuật.

Ngoài ra, thời chiến nhưng người làm nghề được Nhà nước đảm bảo tuyệt đối về tinh thần và vật chất như những “con cưng” để có điều kiện làm phim trong 1-2 năm một cách kỹ lưỡng, cẩn thận. Họ cũng không phải lo phim làm ra sẽ chiếu thế nào. Vì thời đó phim nào làm ra cũng được công chúng đón nhận nồng nhiệt.

Nhưng từ khi đất nước đổi mới, điện ảnh không được “bao cấp” như trước. Để duy trì một “đoàn tàu” quen chạy trên một đường ray cũ nay gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng trong việc tìm cách đi phù hợp xu thế phát triển của xã hội.

Nhu cầu xã hội cũng rất khác. Xưa, điện ảnh là bộ môn nghệ thuật từng được đặt ở vị trí ưu tiên số một bởi sức mạnh và sự lan tỏa của nó ra xã hội. Nhưng đến giờ rõ ràng những công chúng bình thường có muôn vàn sự lựa chọn giải trí và thưởng thức văn hóa tinh thần.

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin cũng giúp họ dễ dàng tiếp cận những tác phẩm điện ảnh kinh điển nước ngoài, không như thời xưa ngoài phim Việt Nam chỉ có phim của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa. Điều đó cũng là thách thức cho điện ảnh trong nước.

- Nhưng không thể chỉ đổ vì cơ chế và nhu cầu xã hội thay đổi chứ ạ?

TS Ngô Phương Lan:
Khi gia nhập WTO thì điện ảnh là một trong những ngành không có hạn ngạch, tức là sẽ không hạn chế đối với số lượng phim nhập. Điều đó gây khó cho những đơn vị phát hành, quản lý phim, cho những người làm phim trong việc làm thế nào đưa phim nội ra cạnh tranh với phim ngoại.

Hơn nữa, không phải lúc nào báo chí truyền thông cũng đồng hành được với điện ảnh. Bản thân các nhà báo chuyên theo dõi ngành không phải lúc nào cũng xem được hết các phim Việt, như thế cũng khó trong việc họ làm cầu nối cho tác phẩm điện ảnh đến với công chúng.

Thực tế, có những tác phẩm được đẩy lên quá cao mà thực chất không mấy giá trị, có những tác phẩm cần được phân tích cặn kẽ, cần được nhìn nhận khách quan để khuyến khích thì đôi khi lại bị nhận xét hơi một chiều, phiến diện.

Nhà nước thời gian qua cũng thay đổi trong cách đầu tư, chính vì thế năm 2012 đã không có bộ phim điện ảnh nào ra đời.

Nhưng nếu bây giờ nói rằng điện ảnh Việt Nam quá xuống cấp, quá kém cỏi so với ngày xưa cũng chỉ là một cách nói thôi. Vì nếu nhìn toàn diện rõ ràng điện ảnh có nhiều sự phát triển, tiến bộ.

{Điện ảnh Việt: Hy vọng đến gần hơn với khán giả}

Không thể mãi… hài nhảm

- Thế hệ trẻ như chúng tôi từng rất ấn tượng khi xem bộ phim “Con chim vành khuyên” (của hai cố đạo diễn Nguyễn Văn Thông và Trần Vũ) bởi chất thơ và sự dung dị đầy ắp trong những chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ, bởi cách xử lý tình huống trữ tình. Phong cách làm phim ấy dường như không còn được phát huy ở thời điểm hiện tại nữa, cá nhân tôi cảm thấy rất lấy làm tiếc về điều đó. Phải chăng vì nó không còn hợp thời…?


TS Ngô Phương Lan: Thực ra bây giờ sẽ rất ít người chọn cách làm như “Con chim vành khuyên.” Vì nội dung bộ phim quá rõ ràng là sự đối lập trắng-đen, tốt-xấu, cái ác-sự nhân hậu, câu chuyện phát triển đơn tuyến và cái chính đây là phim thành công đặc trưng của điện ảnh thời chiến tranh.

Về sau, bản thân các đạo diễn như Nguyễn Văn Thông và Trần Vũ cũng có những thay đổi trong khi đưa “chất trữ tình” vào phim của mình.  Không thể phủ nhận rằng thời gian gần đây cũng có một số phim đã đưa vào phim được cảm xúc trữ tình hay là thơ như bạn gọi. Ví dụ như phim “Thương nhớ đồng quê” của đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng có nhiều chi tiết gây xúc động, hay phim “Thung lũng hoang vắng,” của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang  hoặc “Lưỡi dao” của đạo diễn Lê Hoàng.

Điện ảnh Việt Nam đã và đang trải qua một giai đoạn mà hiện thực xã hội nổi lên thành đối tượng phản ánh chính của các tác phẩm điện ảnh. Nên đúng là phong cách làm phim như bạn vừa nói đã hiếm hơn. Vì cuộc sống bây giờ phức tạp quá…

- Phải chăng vì phức tạp quá thì sự sâu sắc cũng vơi dần đi…


TS Ngô Phương Lan: Tôi nghĩ tính nhân văn là thứ mà chúng ta vẫn cố gắng làm ở phim nào có thể định hướng được, những phim được Nhà nước đầu tư. Đó cũng là mục tiêu mà điện ảnh phải làm.

- Từng trả lời về mục tiêu hướng đi của Điện ảnh Việt, bà có nói chúng ta nên phát triển một nền điện ảnh hài hòa, cân đối giữa các dòng phim. Bên cạnh dòng phim truyền thống cách mạng, lịch sử văn hóa với những nhân vật tích cực sẽ phát triển dòng phim nghệ thuật đi vào tìm tòi, sáng tạo trong ngôn ngữ thể hiện cũng như những phim giải trí lành mạnh. Như thế có sợ rằng sẽ không tạo được bản sắc, sự phát triển tập trung và chiều sâu, thưa bà?

TS Ngô Phương Lan: Theo tôi hướng phát triển đó rất nên làm vì đối tượng khán giả của chúng ta rất phong phú. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là những người theo dòng phim giải trí cũng phải dần làm sao hoàn thiện và nâng cao về nghề nghiệp, kỹ thuật, các thủ pháp…

Và ngay cả các thông điệp truyền tải đến khán giả cũng phải sâu sắc dần lên, mang tính nhân văn dần lên chứ không chỉ mãi… hài nhảm. Nếu làm được ta nên khuyến khích dòng phim này chứ.

Vì nếu giải trí lành mạnh mà có những thông điệp thì dễ đi vào lòng một lớp khán giả trẻ từ 16-25 tuổi mà hiện nay đang chiếm đông nhất ở các rạp chiếu phim. Đây cũng đang là đối tượng khán giả chính mua vé nhiều của hệ thống phát hành phim trong nước.

Cần sự vững chãi của tinh thần Việt

- Nhưng chúng ta cũng đang định hướng phát triển một nền điện ảnh tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vậy theo bà khán giả sẽ tìm bản sắc dân tộc ở đâu trong các dòng phim đó?


TS Ngô Phương Lan:
Trong cả ba dòng phim về chiến tranh cách mạng, nhân vật lịch sử văn hóa, các vấn đề đương đại. Nhưng phải làm sao để thể hiện được bóng dáng con người Việt Nam trong thời đại mới có sự tự tin, lòng tự hào dân tộc, sự vững chãi của một tinh thần Việt!

Điện ảnh Việt Nam muốn gây tiếng vang ở các Liên hoan phim quốc tế, với giới chuyên môn thế giới thì chắc chắn sẽ phải có những bộ phim nghệ thuật, nếu chỉ chăm chăm “làm xiếc” thủ pháp thôi mà không truyền tải được bản sắc cũng như truyền tải được thông điệp của dân tộc Việt Nam thì cũng chẳng có giá trị gì khi đến với quốc tế.

- Vậy tới đây, các cấp quản lý sẽ đầu tư thế nào cho điện ảnh Việt Nam lại có thể tiếp tục “bay cao” nối một thời quá khứ vàng son đã qua, thưa bà?

TS Ngô Phương Lan:
Về lộ trình thực hiện thì Cục Điện ảnh phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện và đã trình hai văn bản mà theo tôi là rất quan trọng trong việc định hướng hướng đi cho ngành, đó là Thông tư hướng dẫn việc đấu thầu và đặt hàng các tác phẩm điện ảnh có nguồn ngân sách nhà nước và thứ hai là Đề án quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Trong thông tư, tất cả những dự án làm phim, những tác phẩm điện ảnh có đề tài truyền thống, anh hùng, chiến tranh cách mạng, đề tài lịch sử, văn hóa, những tác phẩm có giá trị nhân văn cao thì sẽ được xem xét, tuyển chọn để có đầu tư của nhà nước.

Đề án quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh thì khuyến khích của nhà nước sẽ dành cho những dự án làm phim độc lập, những dự án làm phim nhỏ nhưng có sự tìm tòi phát triển ngôn ngữ điện ảnh, những dự án phim tác giả, những dự án phim đầu tay của các tài năng trẻ và cũng sẽ thưởng cho những tác phẩm có hiệu quả cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, có giá trị xã hội.

Vâng, xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!


ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục