Điện ảnh cất cánh: Cần tài năng và chuyên nghiệp

Thực tế hiện nay là điện ảnh nước nhà chưa quan tâm đầu tư vào nguồn “giống,” mà chủ yếu người tài có được là do… ăn may.
Trả lời phỏng vấn của PV Vietnam+ bên lề Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ VII diễn ra ngày 21/7, Cục phó Cục Điện ảnh Lê Ngọc Minh khẳng định rằng trong bối cảnh nền điện ảnh Việt Nam hiện nay, nhất thiết cần phải có một cuộc cách mạng về đào tạo.

Bởi, thực tế điện ảnh nước nhà chưa quan tâm đầu tư vào nguồn “giống” mà chủ yếu người tài có được là do… ăn may.

Thiếu liên kết lực lượng trẻ

Với tư cách là cơ quan quản lý Hội Điện ảnh về mặt Nhà nước, theo ông đánh giá trong nhiệm kỳ VI (2005-2010) vừa qua không khí sáng tác của hội viên Hội Điện ảnh thế nào?

Ông Lê Ngọc Minh: Nhiệm kỳ qua, Hội đã mở được những trại sáng tác, quan tâm đầu tư chiều sâu, đầu tư thường niên, mở các Hội thảo bàn về chất lượng phim, về tính chuyên nghiệp, về thị trường điện ảnh… Bên cạnh đó, Hội đã phát triển được đội ngũ hội viên rất đông đảo. Theo tôi, trong một nhiệm kỳ mà Hội làm được chừng ấy việc là điều đáng quý.

Còn những hạn chế thì sao, thưa ông?

Ông Lê Ngọc Minh:
Hiện nay, tôi thấy vai trò của một số Ủy viên Ban chấp hành chưa rõ nét thậm chí không thấy có hoạt động gì hiệu quả. Có thể là do sự phân công của những người chịu trách nhiệm chưa đến nơi đến chốn, không lập kế hoạch triển khai các hoạt động.

Ngoài ra, nhiều chi hội cơ sở có những hoạt động rất tốt nhưng lại chưa được Hội tập trung biểu dương, khích lệ. Ví dụ như cơ sở chiếu bóng Hải Phòng hay ở khu vực Đông Nam Bộ… đều có những hoạt động đi vào chiều sâu, bám sát nhiệm vụ.

Vấn đề nữa đó là Hội vẫn chưa có cuộc tập hợp lớn, như trong các đợt tổ chức trại sáng tác thì lực lượng sung sức hiện nay rất ít tham gia, mà hầu hết là những người đã hoàn thành nhiệm vụ, đã về hưu… Không phải họ không có năng lực sáng tạo nhưng dù sao cũng có những hạn chế về sức khỏe, điều kiện…

Nói thế tức là Hội chưa tạo được sức hút để liên kết lực lượng trẻ?


Ông Lê Ngọc Minh: Đúng là sự liên kết của Hội chưa vững để có những sinh hoạt mang tính cộng đồng, tập thể.

Có tài năng mà thiếu chuyên nghiệp cũng chỉ là bột phát

Theo ông, nhiệm kỳ tới Hội nên tập trung giải quyết những công việc nào để góp phần vào sự phát triển chung của nền điện ảnh nước nhà?

Ông Lê Ngọc Minh: Hội nên hoạt động đi sâu vào chuyên môn, cố gắng nâng cao chất lượng làm phim, phổ biến phim và dứt khoát phải cùng với ngành điện ảnh tạo ra được hào khí của cuộc tập hợp lớn. Chứ như hiện nay tài năng có nhưng đơn lẻ, manh mún, thỉnh thoảng mới có một tài năng vụt sáng chứ chưa có hẳn làn sóng.

Ở Việt Nam, một người 70 tuổi làm phim rất hay và có những người 30-40 tuổi làm phim cũng hay nhưng điều đó cho thấy sự không đồng đều. Sáng tạo thuộc về tài năng, lẽ ra tài năng ấy liên kết thành một xu thế, khuynh hướng thì mới có thể có một nền điện ảnh phát triển toàn diện và cất cánh.

Nói như ông thì muốn làm một bộ phim để đời không chỉ cần kinh phí mà quan trọng hơn là rất cần một tài năng để vận hành bộ máy làm phim chuyên nghiệp. Nhưng xem ra tìm kiếm một tài năng như thế ở Việt Nam khó quá. Theo ông có cách nào cải thiện bài toán nhân lực?


Ông Lê Ngọc Minh: Đúng thế, bất kỳ một nền điện ảnh hay một tác phẩm lớn nào đều phụ thuộc vào tài năng. Bên cạnh tài năng là tính chuyên nghiệp. Có tài năng mà làm không chuyên nghiệp thì cũng chỉ là bột phát thôi. Cả hai yếu tố tài năng và tính chuyên nghiệp ở Việt Nam không phải là không có nhưng mà hiếm.

Có một điều đáng lo ngại là những năm gần đây tài năng xuất sắc xuất hiện thưa dần. Trước đây, cứ khoảng 4-5 năm thấy xuất hiện một lớp nhưng sang những năm đầu của thập kỷ 21 thì số lượng xuất hiện không nhiều và không đều. Có lẽ, bây giờ là thời buổi đại chúng, người ta làm nhiều việc nên không đi sâu vào việc gì.

Theo tôi, con đường mà chúng ta cần hướng tới là trẻ hóa đội ngũ, sản xuất nhiều phim để từ đó có thể lựa chọn những phim chất lượng và nhất thiết phải có một cuộc cách mạng về đào tạo.

Như vậy vấn đề đào tạo phải là ưu tiên số một trong bối cảnh nền điện ảnh Việt Nam hiện nay?


Ông Lê Ngọc Minh:
Đúng vậy, đào tạo và tạo đủ điều kiện cho những nhà làm phim thỏa mãn được nhu cầu sáng tạo của mình như trường quay, vốn, cả hệ thống dịch vụ chuyên nghiệp… Bên cạnh đó, hiện nay, chúng ta chưa đầu tư tạo nguồn “giống” mà chủ yếu mới chỉ ăn may là chính.

Cũng vì “hạt giống” của mình kém chất lượng…

Ông Lê Ngọc Minh:
(cười…)

Xin cảm ơn ông.

Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục