Diễn biến chính trị ở Italy đang khiến cả châu Âu lo ngại

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu và các nhà kinh tế lo ngại rằng liên minh cầm quyền mới của Italy có thể cản trở quá trình hội nhập sâu rộng của Eurozone và có thể tạo ra giai đoạn khủng hoảng.
Diễn biến chính trị ở Italy đang khiến cả châu Âu lo ngại ảnh 1Thủ tướng Italy được chỉ định Giuseppe Conte trong cuộc họp báo sau cuộc gặp Tổng thống Sergio Mattarella ở Roma ngày 23/5. (Nguồn: TTX/TTXVN)

Cuối cùng thì Italy cũng có được một vị thủ tướng mới, chấm dứt nhiều tháng bế tắc trong tiến trình thành lập chính phủ sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Ba năm nay.

Sau các cuộc tham khảo ý kiến với Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện, Tổng thống Sergio Mattarella đã chính thức chỉ định vị luật sư ít tên tuổi Giuseppe Conte đứng ra thành lập chính phủ, theo đề cử của liên minh Phong trào 5 Sao (M5S) và Liên đoàn phương Bắc (LN).

Để đưa ra quyết định trên, Tổng thống Mattarella đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng và đây là một quyết định khó khăn vì ông Conte đang bị nghi ngờ khai man bằng cấp học ở nước ngoài.

Ông Conte năm nay 54 tuổi, vốn là một luật gia và giảng viên đại học, được cho là ít kinh nghiệm chính trị. Trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng Ba vừa qua, ông từng được Phong trào 5 Sao giới thiệu trong danh sách tranh cử.

Việc một liên minh chống Liên minh châu Âu (EU) thành công khi "hợp lực" với nhau để trở thành lực lượng lãnh đạo tại nền kinh tế lớn thứ ba trong EU, đồng thời là nền công nghiệp thứ hai của châu Âu, đã khiến cả EU lo ngại.

Ủy ban châu Âu cảnh cáo Italy cần phải thận trọng khi quốc gia Nam Âu này trở thành nước thành viên sáng lập EU đầu tiên có chính phủ theo quan điểm hoài nghi châu Âu.

Với việc phê chuẩn trên, hai thủ lĩnh của Phong trào 5 Sao theo chủ nghĩa dân túy và đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc dự kiến sẽ công bố chương trình hành động vào cuối tuần này.

[Italy: Giáo sư Conte được giao trách nhiệm lập chính phủ liên minh]

Sẽ không ngạc nhiên nếu chính phủ mới của ông Conte nhanh chóng lên kế hoạch trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép, giảm thuế và xóa bỏ các biện pháp chi tiêu khắc khổ đươc áp dụng từ nhiều năm qua, một nguyên nhân khiến cử tri Italy bất mãn và dồn phiếu cho hai đảng nói trên trong cuộc bầu cử vừa qua.

Tổng nợ công của Italy hiện đã lên tới 2.300 tỷ euro, tương đương 132% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Đây là mức cao nhất trong số các nước thành viên EU, ngoại trừ Hy Lạp và gấp đôi mức trần mà EU đã đặt ra cho các nước thành viên.

Hiện, Italy cũng là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong Khu vực đồng euro (Eurozone), dự kiến chỉ đạt 1,4% trong năm nay và 8,3% dân số nước này sống dưới mức nghèo khổ.

Việc từ bỏ chính sách thắt chặt chi tiêu chắc chắn sẽ khiến Italy càng ngập sâu trong núi nợ. Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmstrom thừa nhận tình hình ở Italy thật đáng lo ngại.

Ông Jan von Gerich, nhà chiến lược kỳ cựu của ngân hàng Nordea, đánh giá: "Với một chính phủ liên minh M5S/LN, những vấn đề cơ bản của nền kinh tế Italy như tăng trưởng thấp, thị trường lao động không năng động, hệ thống ngân hàng và quản lý công kém hiệu quả sẽ không được giải quyết, mà trong nhiều trường hợp sẽ chỉ tồi tệ hơn."

Lợi tức đối với khoản nợ công thời hạn 10 năm của Italy đã tăng lên 2,13%, mức cao nhất kể từ cuối tháng 2/2018. Nhưng chính phủ liên minh M5S/ LN có thể khiến mức nợ của Italy “phình to” hơn khi lãnh đạo đảng M5S, Luigi Di Maio cho rằng "giải pháp giảm nợ công là đầu tư và các chính sách mở rộng."

Trong khi M5S đưa ra chính sách hàng đầu là nâng cao thu nhập chung cho người nghèo, ước tính ngốn khoảng 17 tỷ euro (20 tỷ USD) mỗi năm, thì đảng cực hữu LN đưa ra chính sách cắt giảm thuế 15% cho các công ty và cá nhân, đồng nghĩa với việc thu nhập thuế bị giảm đi 80 tỷ euro mỗi năm.

Một quan chức cấp cao về hoạch định chính sách của Eurozone nhận định: “Thực sự là một mối nguy hại khi chính phủ mới, thông qua các chính sách kinh tế vô trách nhiệm của mình, có thể tạo ra giai đoạn mới cho cuộc khủng hoảng tiếp theo của Eurozone.”

Giới chức Eurozone cũng chia sẻ mối lo ngại rằng chính phủ mới của Italy sẽ không có năng lực quản trị và những người theo chủ nghĩa dân túy sẽ đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ khác.

Sự trỗi dậy của Phong trào 5 Sao và Liên đoàn Phương Bắc đã đi ngược lại những nền tảng đã được hình thành từ trước ở Italy, giữa lúc nước này vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài nhiều năm qua, khi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao kỷ lục, kèm theo đó là làn sóng hàng trăm nghìn người di cư đổ vào quốc gia "cửa ngõ" EU.

Diễn biến chính trị ở Italy đang khiến cả châu Âu lo ngại ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Sau khi chính phủ của Thủ tướng Silvio Berlusconi sụp đổ hồi năm 2011 ở thời điểm Italy rơi vào cao trào của cuộc khủng hoảng kinh tế, người kế nhiệm là ông Mario Monti đã đưa ra các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" hà khắc nhằm khôi phục lòng tin thị trường, trong đó có các biện pháp cải cách lương hưu mà cả đảng dân túy Phong trào 5 Sao và đảng cực hữu Liên đoàn đều muốn bãi bỏ.

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu và các nhà kinh tế lo ngại rằng liên minh cầm quyền mới của Italy có thể cản trở quá trình hội nhập sâu rộng hơn của Khu vực đồng tiền chung châu Âu và có thể tạo ra giai đoạn khủng hoảng tiếp theo của Eurozone nếu liên minh này đưa ra chính sách cắt giảm thuế và tăng chi tiêu.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác có những nhận định lạc quan hơn, cho rằng khi nắm quyền, hai đảng này sẽ phải nhanh chóng cân bằng lại những cam kết mà họ đưa ra trong chiến dịch tranh cử để phù hợp với thực tế.

Ngoài ra, Italy có thể tạo ra tình thế khó khăn cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vốn đang áp dụng chương trình mua trái phiếu để xử lý núi nợ công khổng lồ của nước này.

Khi chương trình này kết thúc, nếu Italy vẫn chịu mức thâm hụt cao và tăng trưởng thấp, đồng nghĩa với mức phí mà các thị trường đòi hỏi để cho Italy vay sẽ tăng cao đáng kể.

Trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách đều nhất trí cho rằng nợ của Italy là quá lớn để có thể được giải cứu bằng quỹ cứu trợ tài chính của Eurozone, ECB có thể phải đối mặt với tình thế lưỡng nan, đó là thực hiện thắt chặt chính sách để rồi dẫn đến nguy cơ Italy bị vỡ nợ và gây ra một cuộc khủng hoảng mới cho Eurozone, hay cần duy trì chính sách nới lỏng để giúp Italy có tiền trả nợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục